|
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Chiều 9-6, trả lời các phóng viên thông tấn, báo chí về kết quả cuộc bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia đánh giá nhìn chung cuộc bầu cử đã diễn ra thành công tốt đẹp.
Theo ông
Nguyễn Hạnh Phúc, cuộc bầu cử đã thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng
nhân dân từ giai đoạn chuẩn bị cho đến ngày diễn ra cuộc bầu cử với số lượng cử
tri tham gia bỏ phiếu đạt tỷ lệ cao (99,35%).
Thông tin
về trường hợp phải bầu cử lại do có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở một đơn vị bầu
cử tại tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định nội dung vi phạm đã được
xác định rõ.
Việc gom
phiếu đi bầu thay là hành vi vi phạm rất nghiêm trọng, vì vậy Hội đồng Bầu cử
Quốc gia đã quyết định hủy kết quả bầu cử và cho phép Kiên Giang tổ chức bầu cử
lại. Đơn vị bầu cử này đã tổ chức bầu cử lại vào ngày 5/6 vừa qua. Đối tượng
gây ra vụ việc này sẽ bị xử lý theo thẩm quyền của các cơ quan pháp luật và quy
định của Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Giải đáp câu
hỏi của nhiều phóng viên báo chí về việc tại một số địa phương xảy ra việc bầu
thiếu đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp liệu có ảnh hưởng đến chất lượng hoạt
động của Hội đồng nhân dân trong thời gian tới hay không, ông Nguyễn Hạnh Phúc
nêu rõ việc bầu thiếu đã xảy ra ở các nhiệm kỳ trước, đây là việc hết sức bình
thường.
Nhiệm kỳ
này, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thiếu 8/4.000 đại biểu; Hội đồng
nhân dân cấp huyện thiếu 120/25.179 đại biểu; Hội đồng nhân dân cấp xã thiếu
26/291.273 đại biểu. Con số này là rất nhỏ, không làm ảnh hưởng nhiều đến hoạt
động của Hội đồng nhân dân các địa phương. Đối với những địa phương có tỷ lệ bầu
thiếu 2/3, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã quyết định cho bầu thêm.
Ông Nguyễn
Hạnh Phúc giải thích thêm việc bầu thiếu một số đại biểu các cấp là hết sức
bình thường. Người dân ở các xã hiểu rõ những người ứng cử, bởi sống trong cùng
một cộng đồng dân cư, người dân rất hiểu đại biểu đó có năng lực, phẩm chất, đạo
đức như thế nào... vì vậy việc lựa chọn của cử tri là rất sát.
Trao đổi
về việc có năm địa phương bầu thiếu đại biểu Quốc hội nhưng chỉ có Cần Thơ tổ
chức bầu cử thêm, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết theo luật bầu cử đại biểu Quốc
hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, khi đơn vị bầu cử bầu thiếu số lượng, Ban bầu
cử địa phương đó sẽ gửi đơn đề nghị về Hội đồng Bầu cử Quốc gia, sau đó, Hội đồng
Bầu cử Quốc gia sẽ xem xét việc có nên bầu thêm hay không. Lần này chỉ có Cần
Thơ gửi văn bản đề nghị Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét cho bầu thêm, còn bốn
tỉnh còn lại không có văn bản đề nghị.
Ông Nguyễn
Hạnh Phúc cũng cho biết thêm sau khi công bố danh sách những người trúng cử đại
biểu Quốc hội, trong năm ngày, Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ nhận đơn thư khiếu nại
(nếu có), và sẽ xem xét các đơn thư này trong 30 ngày.
Ông Nguyễn
Hạnh Phúc nhấn mạnh Hội đồng Bầu cử Quốc gia hoạt động theo thiết chế được Hiến
pháp công nhận. Thành công của cuộc bầu cử lần này đã thể hiện vai trò quan trọng
của Hội đồng Bầu cử Quốc gia trong việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và chỉ
đạo hướng dẫn bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Ví dụ ở
các nhiệm kỳ trước, việc xác nhận tư cách người trúng cử đại biểu Quốc hội sẽ
được Quốc hội tiến hành tại kỳ họp thứ nhất theo đề nghị của Ủy ban Ban thẩm
tra tư cách người trúng cử đại biểu Quốc hội do Quốc hội thành lập, khi đó các
đại biểu mới chính thức trở thành đại biểu Quốc hội.
Luật Bầu
cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã trao thẩm quyền xác nhận
tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội cho Hội đồng Bầu cử quốc gia. Theo
đó, sau 30 ngày công bố danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội mà
không xảy ra khiếu nại, tố cáo hay vấn đề khác, Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ
công nhận tư cách của các đại biểu Quốc hội.
Như vậy,
trước khi bước vào kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa mới, các đại biểu đã được công
nhận chính thức là đại biểu Quốc hội. Đối với việc chỉ đạo hướng dẫn bầu cử đại
biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã chỉ đạo thành lập
các bộ phận, tiểu ban và có một văn phòng giúp việc cho Hội đồng. Công tác này
được thực hiện rất chuyên nghiệp, hiệu quả.
Cuộc bầu
cử vừa qua có số cử tri đi bầu rất cao, số lượng bầu thêm, bầu lại rất ít. Đặc
biệt Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã nhanh chóng, kịp thời có các văn bản hướng dẫn,
chỉ đạo, trả lời cho các đơn vị bầu cử. Điều này thể hiện công tác tổ chức, chỉ
đạo,hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử Quốc gia là rất tốt, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng
định.