Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Hội nghị do Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam phối hợp tổ chức. Cùng dự có hơn 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố và doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Singapore.
Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Singapore đang phát triển rất tốt đẹp, trong đó kinh tế là trụ cột quan trọng. Với 3.274 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 73,5 tỷ USD, Singapore duy trì vị trí đứng đầu ASEAN, đứng thứ 2/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Các Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) là biểu tượng hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Trong khi đó, Việt Nam hiện có 153 dự án đầu tư sang Singapore còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 690 triệu USD, đứng thứ 10/80 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư của Việt Nam.
Tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Singapore đạt 9,15 tỷ USD năm 2022 và đạt 4,5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2023.
Hai nước đã thiết lập “Quan hệ Đối tác Kinh tế Số-Kinh tế Xanh,” tạo điều kiện để đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới, theo hướng phát triển xanh, bền vững.
Hội nghị nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động hợp tác đầu tư kinh doanh song phương ngày càng hiệu quả, toàn diện, đồng thời làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác giữa Chính phủ, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết năm 2023 đánh dấu mốc quan trọng, kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm Quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Singapore. Singapore vinh dự được hợp tác, tham gia vào sự phát triển của Việt Nam.
Nhắc lại việc dự lễ khởi công VSIP đầu tiên tại Việt Nam cách đây 10 năm, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết đến nay đã có 13 VSIP tại nhiều tỉnh, thành phố Việt Nam.
Hiện nay, hai nước đã thiết lập “Quan hệ Đối tác Kinh tế Số-Kinh tế Xanh,” tạo điều kiện để đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới, hướng tới phát triển xanh, bền vững như năng lượng tái tạo, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Ngay tại Hội nghị này, sẽ có thêm nhiều dự án được ký kết, trao quyết định đầu tư, biến các thỏa thuận thành các dự án cụ thể. Điều đó phản ánh quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, sự thành công của các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh ở mỗi nước đều nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền từ Trung ương đến địa phương của mỗi nước.
Do đó, Thủ tướng mong muốn chính quyền các cấp tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ để các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, kinh doanh có hiệu quả, góp phần thúc đẩy Quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Singapore ngày càng thực chất, hiệu quả.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng trước sự phát triển của mỗi nước và quan hệ Việt Nam - Singapore trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế khó khăn.
Thông tin về tình hình Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang phát triển dựa trên 3 trụ cột là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong quá trình đó, lấy con người là trung tâm, chủ thể, động lực và mục tiêu của sự phát triển. Cùng với đó, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và chính sách quốc phòng “4 không.”
Việt Nam đang tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng; không đánh đổi tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả.
Nhờ đó, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đạt trên 730 tỷ USD; đã ký kết 16 Hiệp định FTA với trên 60 thị trường lớn. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với hơn 37 nghìn dự án FDI đang hoạt động, tổng vốn đầu tư 446 tỷ USD.
Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn Singapore tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn đầu tư dịch chuyển, các nguồn tài chính xanh, bền vững; nâng cấp, mở rộng phạm vi hợp tác, phát huy vai trò và hiệu quả của khuôn khổ hợp tác kết nối hai nền kinh tế; thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác toàn diện trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng đề nghị thực hiện lộ trình chuyển đổi năng lượng theo hướng công bằng, tập trung vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng mới; tiếp tục mở rộng, phát huy hiệu quả mô hình các VSIP theo hướng bền vững, tiến tới hình thành các hệ sinh thái công nghiệp-đổi mới sáng tạo-đô thị-dịch vụ-công nghệ cao tại nhiều địa phương.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Singapore đầu tư, kinh doanh hiệu quả, lâu dài và bền vững tại Việt Nam, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ,” “thành công của các bạn cũng là thành công của chúng tôi”; góp phần vun đắp cho Quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Singapore ngày càng thực chất, hiệu quả, hướng tới mức độ cao hơn, đáp ứng mong muốn của nhân dân hai nước.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Hiển Long chứng kiến Lễ Công bố Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Việt Nam - Singapore tại Bình Dương; công bố quyết định chấp thuận hoạt động khảo sát tài nguyên biển, phát triển hạ tầng xuất khẩu điện từ Việt Nam sang Singapore; công bố biên bản hợp tác phát triển 12 dự án VSIP mới tại các tỉnh, thành phố Việt Nam; khởi công các dự án VSIP Cần Thơ, VSIP Bắc Ninh 2, VSIP Nghệ An 2…
Nguồn: Vietnam+