Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trong 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận thêm 9.687 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca dương tính tại nước này lên 1.243.646 ca.
Với số ca nhiễm mới được ghi nhận này, Indonesia hiện là nước có số ca nhiễm trong ngày cao nhất Đông Nam Á, trong khi xét trên toàn châu Á, số ca nhiễm mới tại nước này chỉ xếp sau Ấn Độ, nước có tổng số ca nhiễm cao thứ 2 thế giới (10.937.320 ca).
Bộ Y tế Indonesia ngày 17-2 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 192 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người mắc COVID-19 không qua khỏi ở nước này lên 33.788 ca.
Trong 24 giờ qua, Tây Java là khu vực tập trung đông người được xác nhận nhiễm SARS-CoV-2 nhất tại nước này, 4.124 ca, tiếp sau là Jakarta (1.445 ca), Trung Java (869 ca), Đông Java (580 ca) và Đông Kalimantan 452.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 17-2, Indonesia đã khởi động giai đoạn 2 của chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bằng lễ ra quân tại Tanah Abang, khu chợ dệt may lớn nhất Đông Nam Á.
Tổng thống Joko Widodo cho biết Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 38,5 triệu người trong giai đoạn 2, trong đó có 5 triệu giáo viên, 4 triệu tiểu thương tại các chợ, 2,6 triệu nhân viên công vụ, 2,7 triệu nhân viên dân sự, 1,2 triệu nhân viên giao thông công cộng, 1 triệu quân nhân và cảnh sát.
Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ tiêm phòng cho 92.000 nhân viên du lịch, 5.000 nhà báo, 1.203 vận động viên, 69.000 lãnh đạo tôn giáo và 33.000 thành viên các cơ quan lập pháp.
Trước đó, Indonesia đã triển khai giai đoạn 1 của chương trình tiêm chủng quốc gia vào ngày 13-1 vừa qua với mục tiêu tiêm 2 mũi vắcxin cho khoảng 1,5 triệu nhân viên y tế tại quốc gia đông dân thứ 4 thế giới này.
Indonesia cũng đặt mục tiêu tiêm chủng cho 181,5 triệu người, tương đương 2/3 trong số hơn 270 triệu dân của nước này trong vòng 15 tháng.
Tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN)
Phát biểu với báo giới khi thị sát chiến dịch tiêm vắcxin tại chợ Tanah Abang, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin khẳng định chính phủ không giới hạn tiêm chủng ở các cơ sở y tế, mà mở rộng sang các địa điểm khác như nơi làm việc, các địa điểm đông đúc như các khu chợ, và tại các sân vận động.
Giai đoạn 2 này sẽ kéo dài đến hết tháng 5, bao gồm các đợt tiêm chủng tại các khu chợ, trung tâm thương mại trên khắp thủ đô Jakarta và các địa phương khác trên 2 hòn đảo Java và Bali, trước khi mở rộng sang các tỉnh thành khác.
Theo Tiến sỹ Maxi Rein Rondonuwu, Tổng vụ trưởng Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh thuộc Bộ Y tế Indonesia, tiểu thương tại các chợ được ưu tiên vì họ tương tác với khách hàng hằng ngày, bên cạnh đó là những người bán hàng rong.
Hiện toàn bộ 7 tỉnh và thành phố trên đảo Java và Bali nằm trong số 10 địa phương có tỷ lệ nhiễm COVID-19 cao nhất cả nước.
Cho đến nay Indonesia vẫn phụ thuộc vào nguồn vắcxin do hãng Sinovac của Trung Quốc cung cấp. Dự kiến, quốc gia này sẽ bắt đầu nhận các loại vắcxin từ AstraZeneca (Anh), Pfizer (Mỹ) và Novavax (Mỹ và Canada) cho chương trình tiêm vắcxin miễn phí vào cuối tháng này.
Hiện Indonesia vẫn còn khoảng 160.000 người nhiễm COVID-19, giảm so với mức 175.000 ca hồi tuần trước.
Tại Malaysia, Bộ Y tế nước này thông báo có 2.998 ca nhiễm SARS-CoV-2 được ghi nhận tại nước này trong 24 giờ qua, trong đó số ca lây nhiễm trong cộng đồng là 2.991 ca. Hiện tổng số ca dương tính với virus gây bệnh COVID-19 ở nước này đã lên tới 272.163 ca.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo có thêm 1.184 ca nhiễm và 53 ca tử vong trong 24 giờ qua. Hiện tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 tại Philippines đã lần lượt lên tới 553.424 ca và 11.577 ca.
Kể từ tháng 1-2020, thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại nước này, đến nay Philippines đã tiến hành xét nghiệm cho 7,86 triệu dân trong tổng số 110 triệu dân ở nước này.
Nguồn: TTXVN/Vietnam+