Iran áp đặt trừng phạt thêm nhiều quan chức Mỹ​

09/04/2022 - 21:57

Ngày 9-4-2022, Iran thông báo đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với thêm 15 quan chức Mỹ trong bối cảnh các cuộc đàm phán nhằm vãn hồi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 vẫn chưa thể hoàn tất.

Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Hầu hết các quan chức Mỹ bị đưa vào diện trừng phạt đều phục vụ trong chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump - vốn đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức, chính trị gia và công ty của Iran và rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Trong số những quan chức bị trừng phạt có cựu Tham mưu trưởng Lục quân George Casey và cựu luật sư của Tổng thống Trump, ông Rudy Giuliani. Tướng Austin Scott Miller, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ tại Afghanistan, cựu Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross và một số cựu đại sứ cũng bị nêu tên trong danh sách trừng phạt mới.     

Trong tuyên bố được truyền thông Iran viện dẫn, Bộ Ngoại giao Iran cáo buộc các quan chức Mỹ trên hỗ trợ các nỗ lực chống lại Iran, ủng hộ hành động của Israel chống lại người dân Palestine. 

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh 11 tháng đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ tại Vienna (Áo) về việc cứu vãn thỏa thuận JCPOA vẫn đang đình trệ khi cả hai bên cho rằng Tehran và Washington cần có các quyết định chính trị để giải quyết các vấn đề tồn đọng.

Trước đó, tháng 1-2022, Iran đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 51 người Mỹ, nhiều người trong số họ thuộc quân đội Mỹ, sau vụ Tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), bị máy bay không người lái của Mỹ sát hại tại Iraq hồi năm 2020. 

JCPOA đứng trước nguy cơ đổ vỡ sau khi Mỹ, dưới thời Tổng thống Donald Trump, thông báo rút khỏi thỏa thuận từ tháng 5-2018 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran, khiến nước này từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận trên.

Kể từ tháng 4 năm ngoái, Iran và các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân đã tiến hành 8 vòng đàm phán tại Vienna để khôi phục thỏa thuận. Mỹ tham gia gián tiếp thông qua trung gian là Liên minh châu Âu (EU). Sau gần một năm đàm phán, các bên đã tiến gần tới một thỏa thuận khôi phục thỏa thuận hạt nhân nhưng hiện vẫn còn vướng mắc trong một số vấn đề chính.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN