Một trại tị nạn cho người Palestine của UNRWA tại thành phố Khan Younis, Dải Gaza ngày 1-11-2023. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu tại Đối thoại Manama được tổ chức tại Bahrain, đại diện Jordan nêu rõ nước này sẽ không bao giờ cho phép điều đó xảy ra. Hiện trên 2 triệu người Palestine đang tị nạn tại Jordan. Xung đột giữa Israel và Hamas khiến Jordan lo ngại sẽ có thêm người tị nạn từ Gaza và Bờ Tây tràn sang.
Cũng tại cuộc đối thoại, Cố vấn của Tổng thống Mỹ Joe Biden về Trung Đông, ông Brett McGurk cho rằng việc Hamas trả tự do cho các con tin sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn, đẩy mạnh hoạt động viện trợ cho Gaza và xoa dịu đáng kể xung đột giữa phong trào này và Israel.
Tương tự, Thái tử Bahrain, ông Salman bin Hamad Al Khalifa cũng kêu gọi kêu gọi Hamas và Israel trao đổi tù nhân để giải quyết xung đột. Thái tử Salman nhấn mạnh cần trả tự do cho phụ nữ và trẻ em.
Phát biểu tại hội nghị, cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất Mohamed bin Zayed Al Nahyan - ông Anwar Gargash - bày tỏ quan ngại về tuyên bố của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về sự hiện diện lâu dài tại Gaza. Ông cho rằng cuộc khủng hoảng tại Gaza chứng tỏ cần quay trở lại giải pháp hai nhà nước, theo đó nhà nước Israel và Palestine cùng chung sống hòa bình.
Đối thoại thường niên Manama là một hội nghị thượng đỉnh về an ninh khu vực Trung Đông do Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược (IISS) tổ chức.
Cùng ngày 18-11-2023, công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) Karim Kahn cho biết đã nhận được yêu cầu của 5 quốc gia về việc điều tra hình sự với cáo buộc tội ác chiến tranh mà Israel gây ra đối với nhà nước Palestine kể từ ngày 13-6-2014 đến nay. Theo ông Kahn, các nước ký vào đơn khởi kiện gồm Nam Phi, Bangladesh, Bolivia, Comoros và Djibouti.
Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức