Kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp quyền trong Hiến pháp

12/05/2017 - 07:30

Hàng năm, cứ đến tháng 5 - chúng ta nhớ một sự kiện rất quan trọng là ngày sinh nhật Bác. Nhớ Bác! Chúng ta ôn lại di sản mà Người để lại. Trong kho tàng di sản đồ sộ đó thì tư tưởng pháp quyền gắn với hoạt động lập hiến của Người thể hiện trong Hiến pháp 1946 là một đỉnh cao chói lọi. Tư tưởng đó luôn được kế thừa, phát triển qua các bản hiến pháp Việt Nam.

Hiến pháp năm 1946 là một bản hiến văn hết sức ngắn gọn, súc tích, toàn bộ hiến văn chỉ 7 chương, 70 điều, trong đó có những điều chỉ vẻn vẹn có một dòng. Tư tưởng pháp quyền trong hiến văn được thể hiện sâu sắc qua việc khẳng định “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam” (quyền bính có nghĩa là quyền hành - thuật ngữ rất đặc trưng trong Hiến pháp năm 1946), “Những việc liên quan đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết”. Ngoài ra, việc quy định và bảo đảm các quyền của công dân; thiết lập bộ máy nhà nước có sự phân chia giữa các nhánh quyền lực trong đó nhấn mạnh đến tính độc lập của hệ thống tòa án là những hạt nhân cốt lõi của tư tưởng pháp quyền trong hiến văn.

Hiến pháp năm 1959 bao gồm 10 chương, 112 điều, ghi rõ những thắng lợi to lớn của cách mạng thời gian qua, nêu rõ mục tiêu phấn đấu của nhân nhân ta trong giai đoạn mới - miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục làm cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến tới thống nhất đất nước. Tư tưởng pháp quyền trong hiến văn năm 1946 được quán triệt sâu sắc, truyền thụ đặc sắc, mang dấu ấn rõ nét trong các quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan nhà nước, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phát huy tối đa sức sáng tạo của nhân dân trong công cuộc xây dựng nước nhà, thống nhất Tổ quốc.

Kế thừa và phát triển Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 bao gồm 12 chương, 147 điều là bản hiến pháp tổng kết và xác định những thành quả đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam trong nửa thế kỷ qua; là luật cơ bản của Nhà nước. Tư tưởng pháp quyền thể hiện đậm nét trong các quy định về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu tổ chức và nguyên tắc hoạt động của các cơ quan nhà nước, thể hiện mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ và Nhà nước quản lý trong xã hội Việt Nam.

Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12-1986) đã đề ra đường lối đổi mới với nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng để giữ vững ổn định về chính trị và tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội; trong bối cảnh đó, nhiều quy định của Hiến pháp năm 1980 không còn phù hợp với yêu cầu xây dựng đất nước trong điều kiện mới. Quốc hội đã quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1980 để đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới.

Hiến pháp năm 1992 bao gồm 12 chương, 147 điều, quy định chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước, thể chế hóa mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý. Hiến pháp năm 1992 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước ta. Hiến pháp năm 1992 được gọi là Hiến pháp của nước Việt Nam trong thời kỳ đầu của tiến trình đổi mới. Tư tưởng pháp quyền của hiến văn năm 1946 được hun đúc tại Điều 2 Hiến pháp năm 1992: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng với kết quả tổng kết thực tiễn qua 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; nhằm thể chế hóa đầy đủ hơn, sâu sắc hơn quan điểm của Đảng và Nhà nước về đề cao chủ quyền nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và đảm bảo tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, đẩy mạnh công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

 Hiến pháp năm 2013 bao gồm 11 chương, 120 điều là bản hiến pháp kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, thể hiện tinh thần đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tư tưởng pháp quyền của hiến văn năm 1946 được thể hiện súc tích, đầy đủ, đặc biệt nhấn mạnh việc kiểm soát quyền lực nhà nước tại Điều 2 Hiến pháp 2013: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Như vậy, tư tưởng pháp quyền trong Hiến pháp năm 1946 là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, là chất keo kết dính, là sự lan tỏa, là trung tâm, là sự chi phối tư tưởng pháp quyền trong các hiến pháp Việt Nam. Tư tưởng đó mãi mãi là di sản trong kho tàng di sản văn hóa pháp lý Việt Nam.

Quốc Hoàng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN