Biểu đồ so sánh Chỉ số hài lòng năm 2018 và 2019.
Theo báo cáo, kết quả khảo sát đã phản ánh được mặt mạnh, mặt hạn chế trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong tỉnh. Trên cơ sở đó, các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố đưa ra những giải pháp để phát huy mặt mạnh, khắc phục hạn chế, nhằm nâng chất lượng hoạt động của cơ quan mình, góp phần nâng cao sự tín nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với cơ quan nhà nước ở địa phương.
Báo cáo kết quả khảo sát CSHL của Sở Nội vụ đã chỉ ra một số điểm cần lưu ý:
Đối với “Kênh thông tin để biết về cơ quan tiếp nhận hồ sơ”: Đa phần người dân tiếp cận được dịch vụ là qua công chức (CC) hướng dẫn (54,55%). Điều này cho thấy, mức độ người dân, tổ chức phụ thuộc vào CC làm việc tại bộ phận một cửa để biết quy định về thủ tục hành chính (TTHC) là rất lớn và việc này diễn ra hầu như ở khắp các sở, ngành và các huyện, thành phố. Xu hướng này khiến người dân, tổ chức gặp phiền hà nhiều hơn khi CC quá bận rộn hoặc năng lực chuyên môn, kỹ năng giao tiếp còn hạn chế.
Tỉnh đang đẩy mạnh việc xây dựng chính quyền điện tử, nhiều cơ quan, đơn vị đã tiếp nhận và giải quyết hồ sơ qua môi trường mạng cấp độ 3, cấp độ 4. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy, việc tiếp cận dịch vụ qua phương tiện thông tin đại chúng (bao gồm cả mạng internet) là khá thấp. Điều này tiếp tục khẳng định, người dân, tổ chức chưa có điều kiện, thói quen hay khả năng sử dụng internet để tra cứu thông tin về TTHC cũng như giao dịch trực tuyến.
Về “Số lần đi lại để giải quyết công việc”: Với sự nỗ lực của các ngành, các cấp trong thực hiện cải cách TTHC thời gian qua, việc đi lại nhiều lần trong giải quyết TTHC đã được cải thiện rõ rệt. Cụ thể, có 87,1% khẳng định là chỉ đi lại từ 1 - 2 lần (con số này của năm 2018 là 82,39%, đã tăng 4,71%). Tuy nhiên, vẫn còn không ít người cho rằng đi lại nhiều lần, thậm chí rất nhiều lần mới nhận được kết quả. Như vậy, bên cạnh một số đơn vị, địa phương làm tốt trong việc giải quyết cho người dân nhanh chóng, đúng hẹn thì cũng còn không ít các đơn vị, địa phương thực hiện chưa đúng hoặc chưa nghiêm các quy định về hướng dẫn lập hồ sơ và hẹn trả kết quả, dẫn đến tình trạng nêu trên.
Việc “CC gây phiền hà sách nhiễu”: Đa phần số người được hỏi khẳng định CC không gây phiền hà, sách nhiễu (tỷ lệ 99,44%, tăng 0,42% so với năm 2018). 0,56% số người còn lại cho rằng CC có gây phiền hà, sách nhiễu, tỷ lệ này đã giảm 0,42% so với năm 2018. Có 23/29 đơn vị được khảo sát, đạt tỷ lệ 100% trả lời “Không” với câu hỏi này; 6/27 đơn vị còn lại ít nhiều đều có CC gây phiền hà, sách nhiễu.
Đối với việc “CC gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí, lệ phí”: Có 99,65% số người cho rằng, CC giải quyết công việc không gợi ý nộp thêm tiền và 0,35% số người được hỏi cho rằng CC giải quyết hồ sơ đã gợi ý họ phải nộp thêm tiền ngoài phí, lệ phí, tăng 0,05% so với năm 2018. Tỷ lệ này tuy không cao, nhưng cho thấy sự vòi vĩnh vẫn còn tồn tại trong một bộ phận cán bộ, CC.
Việc “Cơ quan giải quyết đúng hẹn”: Có 94,15% số người dân, tổ chức nhận được kết quả cung ứng dịch vụ công đúng hẹn (tăng 1,65% so với năm 2018); 3,81% đã nhận kết quả sớm hơn hẹn (giảm 2,1% so với năm 2018) và 2,04% cho rằng nhận kết quả trễ hẹn (tăng 0,46% so với năm 2018).
Trong số 2,04% người dân, tổ chức nhận kết quả trễ hẹn, có 60% được các cơ quan thông báo trễ hẹn; còn lại đến 40% không nhận được thông báo (khá nhiều đơn vị, địa phương tỷ lệ này là 100%). Với những người bị trễ hẹn nêu trên, chỉ có 19,23% số người nhận được sự xin lỗi của các cơ quan, đơn vị; còn 80,77% là không được xin lỗi. Từ đây cho thấy, quy định của Chính phủ về việc thông báo và xin lỗi người dân, tổ chức khi trễ hẹn trả kết quả chưa được thực hiện nghiêm ở hầu hết các đơn vị, địa phương.
Đối với cấp sở, ngành, Sở Nội vụ là đơn vị dẫn đầu với CSHL đối với sự phục vụ hành chính năm 2019 đạt là 97,79%; Thanh tra tỉnh là đơn vi xếp cuối bảng với chỉ số đạt là 68,94%. Đối với cấp huyện, dẫn đầu là Thạnh Phú với chỉ số đạt 97,99% và Chợ Lách là đơn vị xếp cuối với chỉ số đạt được là 85,56%. |
(Còn tiếp)
Đăng Phong