Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đồng chủ trì.
Diễn đàn được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; đại diện các tổ chức quốc tế, các Đại sứ quán, lãnh sự quán các nước tại Việt Nam; lãnh đạo các doanh nghiệp, hiệp hội, trường đại học, viện nghiên cứu, chuyên gia trong nước và quốc tế.
Trước khi diễn ra phiên toàn thể của Diễn đàn đã có 4 hội thảo chuyên đề do lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đồng chủ trì tổ chức, với các chủ đề: Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới; Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; Đẩy nhanh tháo gỡ những điểm nghẽn về đầu tư công và nút thắt về vốn cho doanh nghiệp; Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi và việc làm gắn với phát triển kinh tế năm 2023.
Phát biểu khai mạc phiên toàn thể của Diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết những bất cập, hạn chế từ nội tại của nền kinh tế cùng với bối cảnh thế giới đang có nhiều diễn biến bất lợi, có nhiều vấn đề mới phát sinh chưa có tiền lệ... đang đặt ra thách thức gay gắt đối với ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng và các vấn đề an sinh xã hội trong nước; tác động trực tiếp tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển cả trước mắt và dài hạn.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Tại diễn đàn, các nội dung trong chương trình được cân nhắc xây dựng, tập trung vào các vấn đề cốt lõi, vừa mang tính cấp bách vừa có tính chiến lược, dài hạn đối với nền kinh tế Việt Nam.
Diễn đàn góp phần chỉ ra được Việt Nam cần phải làm gì để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế để hạn chế tối đa các rủi ro và bất ổn cho nền kinh tế; nhận diện đúng các cơ hội, những khó khăn thách thức và đề xuất các chủ trương, chính sách thích ứng phù hợp là điều kiện cần để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Nghị quyết Đại hội XIII cũng như các Nghị quyết của Đảng đã đề ra.
Báo cáo tổng quan kinh tế Việt Nam 2022 và định hướng điều hành 2023, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đồng chí Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam vẫn đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện và nhiều điểm sáng tích cực. Dịch COVID-19 được kiểm soát tốt.
Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, bình quân 11 tháng ở mức 3,02%, cả năm dưới 4%. Các cân đối lớn được bảo đảm.
Tỷ giá, lãi suất được điều chỉnh phủ hợp. Sản xuất công nghiệp 11 tháng tăng 8,6%. Thương mại, dịch vụ phục hồi nhanh, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20,5%.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp khởi sắc, với tổng số doanh nghiệp gia nhập thị trường đạt 195.000, tăng 33,2% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện 11 tháng đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% và cao nhất trong 5 năm qua.
Cùng với đó, an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống người dân được cải thiện. Phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh thực chất, hiệu quả. Uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được củng cố và nâng lên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập, như nhiều đại biểu đã chỉ ra. Áp lực lạm phát và điều hành kinh tế vĩ mô rất lớn trước những biến động từ bên ngoài. Chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm, chưa theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế; năng suất lao động còn thấp.
Giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia và việc lập các quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu.
Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro. Các động lực tăng trưởng, sản xuất công nghiệp có xu hướng chậm lại do các thị trường xuất khẩu, đối tác lớn bị thu hẹp, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, trong khi chi phi đầu vào ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu.
Tình hình lao động, việc làm bị ảnh hưởng, xuất hiện tình trạng doanh nghiệp cắt giảm lao động, giảm giờ làm, luân phiên lao động...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, bước sang năm 2023, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực hiện thành công mục tiêu phát triển, trong bối cảnh thế giới đầy biến động.
Do đó đòi hỏi không chỉ riêng sự chung sức đồng lòng, sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra mà còn cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế, các chính phủ, tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước.
Nguồn: Vietnam+