Khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

26/03/2021 - 19:27

Tháng 4-2021, lần thứ hai Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, giai đoạn 2020-2021.

Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao) Đỗ Hùng Việt. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao) Đỗ Hùng Việt. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Nhân dịp này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn ông Đỗ Hùng Việt, Vụ trưởng Vụ Tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao) về sự chuẩn bị của Việt Nam cho việc chủ trì, điều hành các công việc của Hội đồng Bảo an trên cơ sở cân bằng, khách quan, xây dựng và hướng tới đồng thuận với các nước để giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh quốc tế quan trọng.

- Đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã chuẩn bị những gì để sẵn sàng đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an trong tháng 4-2021, thưa ông?

Ông Đỗ Hùng Việt: Bắt đầu từ ngày 1-4-2021, Việt Nam sẽ lần thứ hai đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Đây là trọng trách rất quan trọng đối với Việt Nam, là một phần của nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Bảo an 2020-2021.

Chúng tôi đã có sự chuẩn bị từ sớm và hết sức kỹ lưỡng cho trọng trách này, trong đó có việc tìm hiểu, nghiên cứu một cách đầy đủ về trách nhiệm chính của Chủ tịch Hội đồng Bảo an; những quy trình, thủ tục của Hội đồng Bảo an; các chủ đề, nội dung Việt Nam dự kiến sẽ thúc đẩy tại Hội đồng Bảo an.

Chúng tôi cũng chuẩn bị kỹ nhân sự cũng như công tác tổ chức các sự kiện nhân dịp này.

Ba chủ đề ưu tiên mà Việt Nam dự kiến thúc đẩy trong tháng 4-2021 là: Vai trò của các tổ chức khu vực trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột; Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: “Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn;” Bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang.

Ba chủ đề này là những ưu tiên xuyên suốt của Việt Nam trong nhiệm kỳ tham gia Hội đồng Bảo an. Đây cũng là những vấn đề cụ thể được nghiên cứu kỹ lưỡng để làm sao vừa bảo đảm phù hợp với các ưu tiên, lợi ích của Việt Nam vừa đáp ứng đúng và trúng những quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Ví dụ, vấn đề vai trò của các tổ chức khu vực và hợp tác giữa các tổ chức khu vực với Liên hợp quốc là một trong những vấn đề đang được các nước thành viên Hội đồng Bảo an quan tâm.

Thực tế cho thấy đối với các vấn đề ở khu vực thì chính các tổ chức khu vực là những đối tác quan trọng, bởi họ là những người hiểu nhất về tình hình khu vực, về các mối quan hệ giữa các nước trong khu vực, về lịch sử-văn hóa, các kinh nghiệm xử lý tại khu vực.

Chính vì vậy, họ có thể có những đóng góp cụ thể và thiết thực nhất cho việc tìm kiếm các giải pháp đối với vấn đề khu vực.

Một vấn đề nữa, khắc phục hậu quả bom mìn, đối với Việt Nam, đây là vấn đề rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an toàn cuộc sống của người dân. Nhưng đồng thời, đây cũng là vấn đề mang tính toàn cầu.

Theo thống kê, trên thế giới hiện nay, có khoảng 60 quốc gia đang phải chịu tác động của bom mìn sót lại sau chiến tranh. Mỗi năm, có khoảng 15.000 người trên thế giới bị thương hoặc chết do tai nạn từ bom mìn sót lại. Chính vì vậy, đây là vấn đề vừa liên quan trực tiếp đến lợi ích của Việt Nam nhưng cũng là quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế.

Quang cảnh một cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN

Quang cảnh một cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN

Việt Nam đã nghiên cứu, tìm hiểu, xem xét, thúc đẩy các vấn đề mà Hội đồng Bảo an chưa có điều kiện hoặc chưa thực sự quan tâm thúc đẩy trong thời gian qua.

Chúng ta sẽ lấp vào "khoảng trống" đó để thúc đẩy Hội đồng Bảo an có những hành động phù hợp, bảo đảm lợi ích chung.

- Đến nay, Việt Nam đã đi được hơn một nửa chặng đường trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ông đánh giá thế nào về những thành tựu Việt Nam đạt được? Những thuận lợi và thách thức nào đang ở phía trước, thưa ông?

Ông Đỗ Hùng Việt: Trong nhiệm kỳ 2020-2021, lần đầu tiên Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an vào tháng 1-2020.

Ngay từ những ngày đầu, khi chúng ta trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã có được nhiều kinh nghiệm tốt từ trước đó.

Chúng ta đã quen thuộc với những quy trình, thủ tục của Hội đồng Bảo an; quen thuộc với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng Bảo an.

Chúng ta cũng nắm rõ hơn mối quan hệ giữa các nước thành viên Hội đồng Bảo an, có kinh nghiệm trong việc xử lý mối quan hệ đó trong Hội đồng Bảo an.

Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; với phương châm rất cụ thể về bảo đảm nguyên tắc nhưng linh hoạt trong ứng xử, xử lý, bảo đảm cân bằng, khách quan, minh bạch trong việc giữ vai trò Chủ tịch, chúng ta đã xử lý rất khéo léo và hiệu quả những khác biệt giữa các nước trong quá trình chúng ta làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an vào tháng 1-2020.

Điều đặc biệt và quan trọng nhất là nền ngoại giao Việt Nam đã đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm trong hơn 75 năm qua. Đó là nền tảng tốt để chúng ta có thể phát huy trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, có thể nói, Hội đồng Bảo an vẫn được các nước thừa nhận, coi là cơ quan có tầm quan trọng hàng đầu trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Mặc dù cũng có nhiều khác biệt, nhưng xu hướng chung hiện nay vẫn là hợp tác để tìm kiếm giải pháp, vì mục tiêu chung là duy trì hòa bình, ổn định ở các khu vực và trên thế giới.

Ở góc độ chủ quan, Việt Nam có đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; có sự coi trọng đối với hợp tác đa phương và Liên hợp quốc và mối quan hệ tốt đẹp với các nước trên thế giới, trong đó có các nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an cũng như các thành viên khác của Hội đồng Bảo an. Đây là những điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng Bảo an.

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức chắc chắn sẽ rất nhiều. Đầu tiên là môi trường chính trị, an ninh thế giới và các khu vực có những diễn biến rất phức tạp. Chúng ta sẽ phải đối mặt và xử lý những phức tạp đó.

Cọ xát lợi ích, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn cũng tạo ra những khó khăn, thách thức đối với chúng ta trong việc thúc đẩy đồng thuận trong Hội đồng Bảo an.

Cuối cùng là tác động của đại dịch COVID-19 đã buộc Hội đồng Bảo an phải chuyển từ các hoạt động trực tiếp sang trực tuyến. Mặc dù điều này cũng có điểm tích cực là bớt thời gian di chuyển, đi lại giữa các nước; tạo điều kiện để lãnh đạo các nước tham dự nhiều hơn.

Thế nhưng, ngoại giao nói chung và những hoạt động của Hội đồng Bảo an nói riêng đòi hỏi các mối liên hệ tiếp xúc cá nhân giữa con người với con người, giữa những nhà ngoại giao với nhau để trực tiếp trao đổi, xử lý các vấn đề.

Việc không có được những cuộc tiếp xúc như vậy cũng gây khó khăn trong quá trình trao đổi, thương lượng các văn kiện của Hội đồng Bảo an.

Tuy nhiên, Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 vừa qua đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các hội nghị trực tuyến. Chúng tôi tin rằng Việt Nam có thể phát huy được những kinh nghiệm đó để thực hiện tốt nhiệm vụ với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong thời gian tới.

- Thách thức vẫn còn nhiều trong thời gian tới, đặc biệt là đại dịch COVID-19. Chúng ta cần làm gì để giải quyết những thách thức này để Việt Nam phát huy và khẳng định vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 4 tới, thưa ông?

Ông Đỗ Hùng Việt: Đại dịch COVID-19 đã tác động rất sâu sắc đối với hoạt động của Hội đồng Bảo an. Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an có khả năng thích nghi rất nhanh đối với tình hình mới này và về cơ bản đã duy trì được hoạt động của mình trong suốt một năm qua.

Thực tế, trong bối cảnh không có các cuộc họp trực tiếp, Hội đồng Bảo an vẫn tiếp tục có các cuộc thảo luận, đưa ra các quyết định để thúc đẩy các nỗ lực giải quyết các xung đột trên thế giới.

Với việc tổ chức theo hình thức trực tuyến cùng sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao các nước, trong đó có lãnh đạo cấp cao Việt Nam, trong nhiệm kỳ Hội đồng Bảo an lần này, lãnh đạo cấp cao Việt Nam cùng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã tham dự nhiều hoạt động của Hội đồng Bảo an, có các bài phát biểu quan trọng, thể hiện những thông điệp lớn của đối ngoại Việt Nam về các vấn đề hết sức cụ thể.

Ví dụ, về quan điểm và đóng góp của VIệt Nam trong việc ứng phó với đại dịch của COVID-19 hay về vấn đề biến đổi khí hậu, tác động của biến đổi khí hậu đối với tình hình hòa bình và an ninh trên thế giới.

Cùng với đó là tình hình xung đột ở các khu vực, cụ thể là tình hình xung đột Trung Đông. Đó là những dịp rất tốt để Việt Nam thể hiện quan điểm của mình ở cấp cao về các vấn đề an ninh, chính trị trên thế giới.

Có thể nói đại dịch COVID-19 vừa có tác động tiêu cực nhưng cũng có những tác động tích cực đối với sự tham gia của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an.

Với những kinh nghiệm chúng ta đã có, chúng tôi tin Việt Nam sẽ tiếp tục tận dụng được tốt cơ hội làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an để phát huy vai trò của mình, trong đó có việc tổ chức 3 sự kiện kết hợp giữa trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến về 3 chủ đề ưu tiên: Vai trò của các tổ chức khu vực trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột; Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: “Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn;” Bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang.

Tôi tin và hy vọng Việt Nam sẽ tổ chức thành công các sự kiện này để tiếp tục khẳng định vai trò, uy tín và vị thế của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an.

- Là thành viên tích cực, có tiếng nói của ASEAN, Việt Nam sẽ có những bước đi nào để tiếp tục lồng ghép vai trò ASEAN trong Hội đồng Bảo an, thưa ông?

Ông Đỗ Hùng Việt: Trong ba chủ đề ưu tiên được Việt Nam đưa ra tháng 4-2021 có chủ đề: Vai trò của các tổ chức khu vực trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột. Đây là chủ đề mang tính bao trùm hơn, trong đó có trao đổi về vai trò của ASEAN.

Một trong ba báo cáo viên rất quan trọng sẽ được Việt Nam mời tham dự tại Phiên họp về chủ đề ưu tiên này là Brunei - nước Chủ tịch ASEAN 2021. Tại đây, đại diện ASEAN sẽ trình bày về các nỗ lực của ASEAN, vai trò của ASEAN trong tăng cường xây dựng lòng tin, thúc đẩy đối thoại, giải quyết vấn đề khu vực. Ngoài ra, đại diện Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU) cũng dự.

Trên thực tế, chủ đề này là sự tiếp nối rất tự nhiên của sáng kiến mà Việt Nam đưa ra trong lần đầu tiên Việt Nam đảm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 1-2020: Phiên thảo luận về quan hệ hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN trong hợp tác duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, diễn ra ngày 30-1-2020 dưới sự chủ trì của Việt Nam.

Trong tháng 4-2021 Việt Nam sẽ mở rộng hơn vấn đề này để có cả sự tham gia, chia sẻ kinh nghiệm của các tổ chức khu vực khác. Điều này vừa giúp ASEAN chia sẻ kinh nghiệm của mình, đồng thời cũng học được kinh nghiệm tốt hơn từ các khu vực khác.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN