Khu căn cứ cách mạng Lao Khô: Biểu tượng quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào

03/12/2019 - 20:37

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào (30-10-1949 – 30-10-2019, kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng tỉnh Sơn La (22-11-1952 – 22-11-2019), 57 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam - Lào (5-9-1962 – 5-9-2019), ngày 3-12, tại thành phố Sơn La, Tỉnh ủy Sơn La phối hợp với Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Khu căn cứ cách mạng Lao Khô - biểu tượng quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào”.

Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo. 

Tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Đắc Quỳnh khẳng định: Hơn 70 năm qua, kể từ khi Ban Xung phong Lào Bắc chọn Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La (trước đây là bản Phiêng Sa, xã Chiềng On, huyện Yên Châu) làm điểm đứng chân để thực hiện nhiệm vụ tiến vào vùng Lào Bắc xây dựng căn cứ địa, phát động phong trào du kích, kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đã kề vai sát cánh chiến đấu chống kẻ thù chung, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc và cùng nhau xây dựng đất nước hòa bình, giàu mạnh.

Thời gian đã lùi xa nhưng kỷ niệm những tháng ngày đồng cam cộng khổ, liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung vì mục tiêu xây dựng đất nước hòa bình, độc lập, tự do càng giúp chúng ta nhận thức rõ, ghi nhận sâu sắc mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, nhân dân hai nước. 

Tại hội thảo, các tham luận đã tập trung khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, mối quan hệ đoàn kết thủy chung, liên minh chiến đấu bền chặt giữa Việt Nam - Lào, Lào -Việt Nam là cơ sở quan trọng để bản Lao Khô trở thành căn cứ cách mạng của nhân dân các bộ tộc Lào, đóng góp của nhân dân bản Lao Khô đối với Ban Xung phong Lào Bắc và cá nhân Trưởng ban Cayson Phomvihan trong thời gian ban lấy Lao Khô làm căn cứ.

Nhiều tham luận đã khẳng định vai trò của căn cứ Lao Khô đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân các bộ tộc Lào trên các mặt xây dựng căn cứ địa, phát triển lực lượng, củng cố thế trận; những đóng góp của căn cứ cách mạng Lao Khô đối với liên minh chiến đấu chống thực dân Pháp của hai nước. Bên cạnh đó làm rõ tầm vóc, ý nghĩa của căn cứ cách mạng Lao Khô trong mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam; rút ra những kinh nghiệm nhằm củng cố hơn nữa tình hữu nghị của hai nước nói chung, nhân dân Sơn La với các tỉnh của nước Lào có chung đường biên giới nói riêng.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La Mai Thu Hương: Cách đây hơn 70 năm, vào ngày 20-5-1948, Ban Xung phong Lào Bắc được Bộ Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam ra chỉ thị thành lập. Ban Xung phong Lào Bắc do đồng chí Cayson Phomvihan (sau này là Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào; Thủ tướng, Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) làm Trưởng ban được giao nhiệm vụ gây cơ sở vùng sau lưng địch, phát động phong trào du kích để thành lập căn cứ địa kháng chiến chống thực dân Pháp, đào tạo cán bộ địa phương. Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam, Ban Xung phong đã hành quân từ Khu bộ Liên khu 10 hướng lên tỉnh Sơn La, lấy vùng tự do Mộc Châu - Yên Châu làm bàn đạp để phát triển sang hữu ngạn sông Mã, xây dựng cơ sở cách mạng vùng Bắc Lào.

Sau thời gian hành quân đầy gian khổ và các điểm kiểm soát của địch, đến ngày 27-6-1948, Ban Xung phong đã lên đến khu căn cứ Mộc Hạ, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Tại đây, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Trần Quyết đã tiếp đón đồng chí Cayson Phomvihan và cùng trao đổi kinh nghiệm về xây dựng cơ sở cách mạng, công tác dân vận, xây dựng lực lượng du kích, tổ chức đánh du kích. Trên cơ sở phân tích sâu sắc tình hình, vị trí, địa bàn chiến lược, Ban Xung phong Lào Bắc đã quyết định chọn bản Phiêng Sa, xã Chiềng On (nay là bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài) làm căn cứ để triển khai nhiệm vụ tiến vào vùng Bắc Lào xây dựng căn cứ địa, phát triển lực lượng và tổ chức nhân dân các bộ tộc Lào kháng chiến chống thực dân Pháp. Bản Phiêng Sa đã trở thành căn cứ đầu tiên của lực lượng cách mạng Lào.

Được sự đùm bọc, che chở của đồng bào Mông, đặc biệt là gia đình ông Tráng Lao Khô, Ban Xung phong Lào Bắc có cơ sở vững chắc để thâm nhập vào các bản làng đồng bào các bộ tộc Lào thuộc khu vực tả ngạn sông Mã tuyên truyền, vận động nhân dân kháng chiến, tiến tới lập căn cứ cách mạng tại các địa bàn Lao Hùng, Phiêng Xả, Moong Nặm, Thà Luông, thuộc huyện Xiềng Khọ, tỉnh Sầm Nưa (nay là tỉnh Hủa Phăn). Trong thời gian đó, đồng chí Cayson Phomvihan đã được tổ chức bố trí đến ở nhà ông Lao Khô thuộc bản Phiêng Sa. Những hoạt động tích cực của Ban Xung phong Lào Bắc dưới sự chỉ huy của đồng chí Cayson Phomvihan và sự giúp đỡ chí tình của tỉnh bộ Việt Minh Sơn La, đặc biệt là nhân dân vùng Phiêng Sa - Lao Khô đã tạo tiền đề cơ bản, nền móng vững chắc cho sự phát triển phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Lào thắng lợi.  

Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh Hủa Phăn (Lào) Phớt Ma Păn Nha cho biết: Bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu cách trung tâm tỉnh Hủa Phăn 142 km và có đường biên giáp với huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn. Đây là điểm giáp biên giữa hai nước Lào - Việt Nam, địa bàn hiểm trở, núi cao, vực thẳm, rừng sâu, phù hợp làm nơi hoạt động bí mật của cán bộ cách mạng Lào. Nhân dân nơi đây có tinh thần yêu quê hương, đất nước, anh dũng và đoàn kết gắn bó với bản láng giềng từ lâu đời. Với vị trí địa lý, địa hình và truyền thống của nhân dân bản Lao Khô, đầu năm 1948, Chủ tịch Cayson Phomvihan cùng Đoàn công tác di chuyển tới tỉnh Sơn La đến gặp cụ Lao Măng và cụ Tráng Lao Khô tại Phiêng Sa (nay là bản Lao Khô). Tại đây, Chủ tịch Cayson Phomvihan đã trao đổi mục đích của việc hoạt động ở điểm này là để vận động, tập hợp lực lượng đánh đuổi giặc Pháp.

"Bản Lao Khô là tên của cụ Tráng Lao Khô - vị tộc trưởng có tinh thần yêu quê hương, đất nước, không chịu đầu hàng trước kẻ thù xâm lược. Cụ còn là người có tấm lòng nhân hậu, tinh thần hy sinh cao cả đối với chiến sĩ cách mạng Lào, nhất là đối với Chủ tịch Cayson Phomvihan" - Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh Hủa Phăn nhấn mạnh. 

Tự hào về di tích Lao Khô, Bí thư Huyện ủy Yên Châu Quản Thị Dung chia sẻ: Với sự kiện lịch sử đặc biệt ghi dấu hoạt động cách mạng và xây dựng cơ sở cách mạng của Ban Xung phong Lào Bắc và đồng chí Cayson Phomvihan vào năm 1948, ngày 3-4-2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngày 24-4-2012, Quốc hội nước ta tổ chức khởi công xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô và khánh thành ngày 6-7-2017. Khu di tích là địa điểm giáo dục truyền thống yêu nước, tình đoàn kết bền vững giữa hai nước Việt Nam - Lào. 

Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Châu, xã Phiêng Khoài cùng với nhân dân bản Lao Khô tiếp tục bảo vệ, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của khu di tích lịch sử này. Để di tích Lao Khô trở thành nơi học tập lịch sử về mối quan hệ hợp tác trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam - Lào, góp phần củng cố, phát triển mối quan hệ truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, truyền tiếp mãi cho thế hệ mai sau.

Hội thảo khoa học “Khu căn cứ cách mạng Lao Khô - biểu tượng quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào” nhằm ôn lại truyền thống đoàn kết, đấu tranh anh dũng của Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam mà Khu căn cứ cách mạng Lao Khô là một trong những dấu ấn quan trọng, trở thành biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt của hai Đảng, nhân dân hai nước; tôn vinh, tri ân các thế hệ cha anh đã chiến đấu anh dũng, hy sinh vì hòa bình, độc lập, tự do của mỗi nước. Qua đó, rút ra những bài học lịch sử và kinh nghiệm để vận dụng, củng cố, phát huy mối quan hệ giữa hai nước trong thời kỳ mới nói chung, giữa Sơn La và các tỉnh của nước bạn Lào có chung đường biên giới nói riêng.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN