BDK.VN - Thực hiện theo Chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 26-11-2024, với sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) và Quốc hội biểu quyết thông qua với tỷ lệ 93,95% đại biểu Quốc hội tán thành.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).
Luật Công chứng (sửa đổi) được thông qua gồm có 8 chương với 76 điều, trong đó có một số nội dung đáng chú ý như sau:
Thứ nhất, về quy định các giao dịch phải công chứng,tại khoản 1 Điều 3 của Luật Công chứng (sửa đổi) quy định: Giao dịch phải công chứng là giao dịch quan trọng, đòi hỏi mức độ an toàn pháp lý cao và được luật quy định hoặc luật giao Chính phủ quy định phải công chứng.
Thứ hai, tiêu chuẩn về độ tuổi bổ nhiệm công chứng viên, khoản 1 Điều 10 quy định: Là công dân Việt Nam không quá 70 tuổi. Và tại Điều 76 có quy định chuyển tiếp đó là: Công chứng viên quá 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn 2 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành; công chứng viên từ đủ 68 đến đủ 70 tuổi tại ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được hành nghề công chứng đến khi đủ 72 tuổi. Khi hết thời hạn nêu trên, công chứng viên đương nhiên miễn nhiệm.
Thứ ba, về đào tạo nghề công chứng, Điều 11 quy định: Người có bằng cử nhân luật hoặc thạc sĩ luật hoặc tiến sĩ luật được đăng ký tham dự khóa đào tạo nghề công chứng tại cơ sở đào tạo nghề công chứng.
Thời gian đào tạo nghề công chứng là 12 tháng. Những người sau đây có thời gian đào tạo nghề công chứng là 6 tháng: Người đã có thời gian từ đủ 5 năm trở lên làm thẩm phán; kiểm sát viên; điều tra viên; thẩm tra viên chính ngành Tòa án; chấp hành viên trung cấp, thẩm tra viên chính thi hành án dân sự; kiểm tra viên chính ngành kiểm sát; trợ giúp viên pháp lý hạng II; thanh tra viên chính ngành tư pháp; chuyên viên chính, pháp chế viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật; thừa phát lại, luật sư, đấu giá viên đã hành nghề từ đủ 05 năm trở lên; Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật; tiến sĩ luật; người đã là thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án; chấp hành viên cao cấp, thẩm tra viên cao cấp thi hành án dân sự; kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; trợ giúp viên pháp lý hạng I; thanh tra viên cao cấp ngành tư pháp; chuyên viên cao cấp, pháp chế viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.
Thứ tư, về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng, khoản 1 Điều 23 quy định: Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh; tại các đơn vị hành chính cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh, Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.
Chính phủ quy định danh mục các đơn vị hành chính cấp huyện được thành lập Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân và việc chuyển đổi loại hình Văn phòng công chứng tại các đơn vị hành chính cấp huyện này.
Thứ năm, về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, Điều 39 quy định:Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc.
Tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên hành nghề tại tổ chức mình. Việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên phải được duy trì trong suốt thời gian hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng.
Thứ sáu, về thẩm quyền công chứng giao dịch về bất động sản, tại Điều 44 quy định: Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản, thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng về bất động sản và công chứng việc sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, huỷ bỏ các giao dịch này theo quy định của pháp luật.
Thứ bảy, về địa điểm công chứng, Điều 46 quy định: Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng nếu người yêu cầu công chứng thuộc các trường hợp sau đây: Lập di chúc tại chỗ ở theo quy định của Bộ luật Dân sự; không thể đi lại được vì lý do sức khỏe; đang điều trị nội trú hoặc bị cách ly theo chỉ định của cơ sở y tế; đang bị tạm giữ, tạm giam; đang thi hành án phạt tù; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; có lý do chính đáng khác theo quy định của Chính phủ.
Luật Công chứng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025.