Khu di tích nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu

17/02/2017 - 07:28

Tổ chức lễ dâng hương hàng năm tại khu di tích. Ảnh: Nguyễn Hải

Cùng với Di tích (DT) Đồng Khởi Bến Tre, DT Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2499 xếp hạng DT Quốc gia đặc biệt (ngày 22-12-2016, đợt 7 năm 2016). Đến với khu DT Nguyễn Đình Chiểu là tìm về một địa danh văn hóa đầy tự hào của người Bến Tre.

Giá trị lịch sử, văn hóa

Để tôn kính và giáo dục cho hậu thế về tấm gương sáng của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, năm 1972, người Bến Tre đã xây dựng đền thờ cụ (tọa lạc tại Ấp 3, xã An Đức, huyện Ba Tri). Tuy nhiên, ban đầu chỉ là một đền thờ nhỏ, vì điều kiện tỉnh còn nhiều khó khăn, sau đó phát triển dần thành khu di tích. Năm 1990, nhân kỷ niệm 102 năm ngày mất nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, Khu di tích Đền thờ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đến năm 2000, tỉnh Bến Tre đã cho mở rộng, xây dựng đền thờ mới, khánh thành ngày 1-7-2002 (đền thờ cũ vẫn được giữ song song đền thờ mới), có diện tích trên 13 ngàn mét vuông.

Ông Trần Văn Nghĩa - người có 27 năm trông coi, quản lý tại di tích cho biết, ban đầu cũng nhiều khó khăn về nhân sự và điều kiện hoạt động, song được tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm, dần dần, các hoạt động đi vào ổn định và chỉn chu. Hiện đền thờ đã được xây dựng khang trang, hằng ngày, đội ngũ quản lý đều chăm sóc cây xanh, quét dọn sạch sẽ, thắp hương đền thờ, trực đón khách tham quan và luôn có thuyết minh khi khách có yêu cầu. Nơi đây cũng là địa điểm được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các lễ hội vào Ngày Văn hóa truyền thống 1-7 hàng năm với nhiều hoạt động sôi nổi, thu hút đông đảo người dân đến viếng, thắp hương, tham gia các hoạt động. Nhiều năm qua, khu di tích đã tiếp đón rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, có nhiều vị nguyên thủ quốc gia đã đến và ghi lại dòng lưu niệm tại đây.

Di tích mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Nguyễn Hải

Ngoài sách vở để giáo dục trong trường phổ thông, các buổi tuyên truyền lịch sử của các ngành, các cấp thì có thể nói, khu di tích Nguyễn Đình Chiểu được xem là nơi giáo dục thực tiễn, tập hợp những tư liệu quý về nhà thơ. Đền thờ chính là nơi để các thế hệ bày tỏ lòng tôn kính với ông, từ đây đã khơi gợi nguồn cảm xúc, trân quý giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của tỉnh nhà nói chung. Không chỉ có ngày lễ mà hầu như mỗi ngày đều có học sinh, sinh viên và khách thập phương đến viếng, tham quan. Với không gian thoáng đãng, trang nghiêm và thư thái, nhiều sĩ tử đã chọn nơi đây để làm nơi ôn bài, đồng thời cũng là hy vọng trước anh linh của cụ giáo Nguyễn Đình Chiểu thì những cố gắng học tập sẽ đạt được thành quả tốt đẹp.

Là một trong những học sinh - sinh viên đã từng nhiều lần đến tham quan khu di tích và tham gia vui chơi lễ hội truyền thống văn hóa tại đây, em Nguyễn Thị Thanh Trúc - Lớp Y sĩ 16C, Trường Trung cấp Y tế Bến Tre chia sẻ: “Khi còn học phổ thông, em đã được học về tiểu sử và một số tác phẩm văn thơ của Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, trong đó em rất thích tác phẩm truyện thơ Lục Vân Tiên. Và khi em có dịp đến đây thắp hương, tham quan tại đền thờ của cụ thì trong lòng em có rất nhiều cảm xúc, vì ngoài việc là một nhà thơ yêu nước, cụ còn là một người thầy thuốc có tâm, giàu lòng thương người. Em hiện đang theo học ngành y nên ngoài việc học tập tốt chuyên môn, thì rèn luyện tâm đức, y đức cũng là một yếu tố quan trọng. Cụ Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng, là một trong những bậc tiền bối của ngành y để cho các thế hệ noi theo, trong đó có chúng em”.

Niềm vui và tự hào

Ông Trần Văn Nghĩa cho biết, với tầm vóc giá trị lịch sử, văn hóa, về tư tưởng yêu nước và nhân cách sáng ngời của cụ, với những nỗ lực trong sự quan tâm đầu tư, trùng tu tôn tạo di tích của các cấp, các ngành, ông cũng đã nghĩ rằng di tích sẽ sớm được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Và khi nghe tin điều đó thành hiện thực, ông thực sự rất vui mừng, tự hào. Vì đây là yếu tố để khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa của đền thờ ở một vị trí rất xứng đáng, từ đây sẽ có thêm nhiều cơ hội để giới thiệu di tích rộng rãi đến khách trong nước, quốc tế, góp phần vào việc tôn vinh hình ảnh đẹp và ý nghĩa của đất và người Bến Tre đến nhiều nơi.

Cùng cảm xúc trên, kiến trúc sư Phạm Anh Minh (từng là cán bộ Công ty Tư vấn - Thiết kế xây dựng Bến Tre) - người đã thiết kế bản vẽ xây dựng đền thờ mới sau này của cụ Nguyễn Đình Chiểu - đã bày tỏ niềm vui khi nghe tin khu di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Ông cho biết, khi thiết kế đền thờ, ông đã nghiên cứu kỹ tư liệu về cụ Nguyễn Đình Chiểu, cũng như vùng đất Ba Tri. Ông kính ngưỡng cụ từ trước và cho mãi về sau, sau khi kết thúc công việc, hàng năm, ông đều đặn về viếng và thắp hương tại đền thờ nhân dịp ngày sinh, ngày mất của cụ. Không những thế, tại tư gia của ông (TP. Hồ Chí Minh), ông còn có hẳn một bàn thờ cụ Nguyễn Đình Chiểu và hàng năm đều tổ chức lễ cúng giỗ cho cụ, ông muốn xem mình như con cháu của cụ để nhắc nhở và noi gương cụ suốt đời.

Trở lại với di tích, khi được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt, người dân Bến Tre ai cũng rất vui mừng, tự hào và càng thêm yêu quý, trân trọng lịch sử, trong đó có những danh nhân văn hóa như cụ Nguyễn Đình Chiểu đã tô điểm cho quê hương Bến Tre thêm rạng rỡ. Ngày thường, di tích đã chỉn chu nhiều mặt, nay lại càng đặc biệt hơn như trồng thêm cây xanh, trang trí thêm cho một số hạng mục của di tích, chuẩn bị tổ chức nhiều hoạt động đón chào sự kiện đặc biệt vừa nêu… Di tích đã và đang đón rất nhiều lượt khách đến tham quan, tìm hiểu.

Anh Nguyễn Hoàng Tuấn - cộng tác viên Trung tâm Văn hóa tỉnh là một trong những diễn viên múa đã từng được hóa thân tái hiện lại hình tượng cụ Nguyễn Đình Chiểu tại một số lần Liên hoan hóa trang Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga (trong khuôn khổ Lễ hội văn hóa 1-7 do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức tại khu di tích Nguyễn Đình Chiểu). Anh chia sẻ: “Khi được tin di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt, là một người dân Bến Tre, tôi cũng lấy làm tự hào, vinh dự. Tôi cùng các anh chị em đội ngũ diễn viên Trung tâm Văn hóa tỉnh sẽ tiếp tục hết lòng cống hiến tài năng cho các hoạt động lễ hội tỉnh nhà nói chung, cũng như các lễ hội truyền thống văn hóa nói riêng cùng các hoạt động kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của cụ Nguyễn Đình Chiểu”.

Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN