Trưởng ban kinh tế Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Olivier Blanchard cho biết, nền kinh tế thế giới đã bắt đầu phục hồi, thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính song để duy trì sự ổn định này, các quốc gia vẫn cần tiếp tục nỗ lực hành động.
“Duy trì sự phục hồi của nền kinh tế sẽ đòi hỏi quá trình tái cân bằng một cách tinh tế, trong nội bộ một nền kinh tế cũng như giữa tất cả các quốc gia”, ông Blanchard đã nhấn mạnh trong bài báo với nhan đề “Duy trì sự phục hồi kinh tế thế giới”, đăng trên tờ Tài chính và Phát triển của IMF số ra tháng 9. Ông Blanchard cũng đồng thời lên tiếng cảnh báo các biện pháp dự kiến đưa thế giới thoát khỏi suy thoái nếu không được vận dụng một cách hiệu quả, sẽ có thể đưa nền kinh tế vào giai đoạn tồi tệ nhất trong vòng 9 thập kỷ gần đây.
“Trong tình hình suy giảm chung, cũng như từng lĩnh vực cụ thể như việc làm, đầu tư,… mọi diễn biến đều có thể thấy rõ. Sự suy giảm kinh tế thế giới hiện tại vẫn còn rất xa mới có thể trở lại bình thường”, ông lưu ý. Theo chuyên gia kinh tế của IMF, thế giới hiện chưa thể vượt qua khủng hoảng chưa từng có; sự phục hồi sẽ không hề đơn giản bởi cuộc khủng hoảng đã để lại những hệ quả rất sâu sắc, tác động tiêu cực tới cả cung và cầu trong rất nhiều năm sắp tới.
Ngày càng nhiều số liệu công bố gần đây cho thấy suy thoái hiện đang tới hồi kết. Rất nhiều nhà kinh tế hy vọng rằng nền kinh tế Mỹ, vốn là trung tâm của cuộc khủng hoảng tài chính, sẽ phục hồi trong quý ba năm nay. Tuy nhiên, ông Blanchard cho rằng sức tiêu thụ của Mỹ, chiếm tới 70% nền kinh tế của cường quốc này và phần lớn nhu cầu thế giới, sẽ không thể phục hồi nhanh chóng như thời kỳ trước khủng hoảng.
Nhà kinh tế hàng đầu của IMF nêu rõ để đối phó với khủng hoảng, các ngân hàng trung ương thường hạ lãi suất nhằm tác động tới cung - cầu và giá trị của đồng tiền. Ông Blanchard nhấn mạnh trong giai đoạn khủng hoảng, việc tăng trưởng thấp hơn bình thường một lúc nào đó cũng có thể tạo ra mức tăng trưởng mới cao hơn cho đến khi nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay tương đối đặc biệt do các hệ thống tài chính của nhiều nước phát triển đã bị phá vỡ, và cần nhiều thời gian để có thể khôi phục nó.