Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh như vậy khi đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng năm 2011 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra trong trong 2 ngày 25 và 26/9.
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe báo cáo, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2011, tình hình thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Đánh giá đúng thực trạng
Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2011, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ đánh giá đúng thực trạng, khẳng định những kết quả đạt được, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế yếu kém cần khắc phục.
Theo Thủ tướng, những kết quả tích cực bước đầu đạt được, trước hết là lạm phát giảm dần. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2011 tăng 0,82% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm và là lần thứ 2 liên tiếp mức tăng chỉ số giá dưới 1%. Thu, chi ngân sách đạt kết quả tốt, nhiều khả năng chúng ta sẽ giảm được bội chi dưới chỉ tiêu đề ra (5,3%) trong năm 2011.
Các thành viên Chính phủ đề xuất cần tiếp tục có các giải pháp mạnh mẽ hơn để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, thận trọng
Tổng kim ngạch xuất khẩu tính chung 9 tháng năm 2011 đạt trên 70 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu 9 tháng năm 2011 bằng xấp xỉ 9,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước và so với kế hoạch đề ra. Tỷ lệ nhập siêu 9 tháng năm 2011 thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu phấn đấu theo Nghị quyết 11 (không quá 16%).
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9/2011 ước tăng 2,1/% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2010. Tính chung 9 tháng năm 2011, IIP tăng khoảng 7,8% so với cùng kỳ năm 2010.
Trong 9 tháng đầu năm 2011, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo giá cố định ước tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2010.
Cán cân thanh toán tổng thể trong 9 tháng năm 2011 và dự báo cả năm là thặng dư; dự trữ ngoại tệ tăng lên; lãi suất còn cao nhưng đã kiểm soát được và có xu hướng giảm; tổng cầu giảm trong đó chủ yếu là giảm đầu tư công.
Bên cạnh đó, nợ quốc gia vẫn trong phạm vi an toàn; chúng ta tiếp tục duy trì được sản xuất, quý sau cao hơn quý trước; nếu trong quý IV duy trì được tăng trưởng bằng quý III, chúng ta sẽ giữ được mức độ tăng trưởng 6% trong năm 2011; nông nghiệp được duy trì và phát triển; khu vực hàng hóa, dịch vụ, du lịch tăng mạnh.
Công tác an sinh xã hội vẫn được đảm bảo, các huyện nghèo tiếp tục được đầu tư, tỷ lệ hộ nghèo giảm; nhà ở cho sinh viên, người thu nhập thấp được quan tâm chỉ đạo đầu tư xây dựng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đây chỉ là những kết quả tích cực bước đầu do kinh tế vĩ mô vẫn còn chưa vững chắc, bấp bênh, phía trước dự báo “những khó khăn, thách thức rất lớn” do kinh tế thế giới suy giảm sẽ ảnh hưởng tới đầu tư nước ngoài, ODA, khách du lịch… đến Việt Nam.
Lạm pháp còn cao; nợ xấu tăng lên ở các ngân hàng cổ phần; sức ép về tỷ giá vào cuối năm; nhập siêu lớn; dự trữ ngoại tệ có tăng thêm nhưng chưa đạt yêu cầu; doanh nghiệp còn gặp khó khăn, hàng tồn kho lớn; đời sống của người thu nhập thấp, trong đó nổi cộm là đời sống người lao động ở các khu công nghiệp làm ngành nghề dệt may, da giầy; đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa; thiên tai, dịch bệnh xảy ra…
Các Bộ, ngành, địa phương cần hết sức quan tâm, tập trung chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết những khó khăn này trong những tháng cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Trong 3 tháng cuối năm 2011, ưu tiên hàng đầu vẫn là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất để duy trì tăng trưởng hợp lý; chú ý bảo đảm an sinh xã hội. |
Tiếp tục quyết liệt thực hiện Nghị quyết 11
Về nhiệm vụ trọng tâm trong 3 tháng cuối năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, ưu tiên hàng đầu vẫn là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất để duy trì tăng trưởng hợp lý; chú ý bảo đảm an sinh xã hội.
Theo đó, nhiệm vụ trước tiên vẫn là thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, không nới lỏng tiền tệ. Các ngân hàng thương mại giảm lãi suất xuống theo chiều hướng giảm dần của chỉ số giá tiêu dùng. Kiểm soát tỷ giá hiệu quả để không gây biến động lớn.
Về cung tiền, tăng dư nợ tín dụng ở mức khoảng 15 – 17%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 12%. Quan tâm tới thanh khoản ngân hàng, giám sát chặt chẽ các hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại, nhất là về nợ xấu; kiểm soát tốt cho vay nợ bất động sản. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an kiểm soát chặt chẽ hơn nữa thị trường “chợ đen” về ngoại hối, thị trường vàng…
Về thu chi ngân sách và đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu kiên quyết không ứng trước vốn ngân sách năm 2012, cùng với đó là thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 11 về cắt giảm đầu tư công.
Quyết liệt thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, trước hết là sản xuất nông nghiệp; trong công nghiệp tiến hành rà soát, thúc đẩy các dự án, nhất là việc dồn vốn cho các dự án sắp hoàn thành, các dự án thực sự cấp bách.
Cùng với đó là đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu các mặt hàng được coi là thế mạnh của Việt Nam, giảm nhập siêu. Việc giảm nhập siêu cần thực hiện hiệu quả các giải pháp tăng cường xuất khẩu, bằng các hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại, thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống thiên tai, lũ lụt trong mùa mưa bão; tăng cường công tác quản lý đê điều, hồ đập thủy điện; bảo vệ vững chắc an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; tiếp tục làm tốt công tác an sinh xã hội trong đó lưu ý tới vấn đề về lao động việc làm, y tế, giáo dục; công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông… Ngay đầu phiên họp ngày 26/9, Thủ tướng đã chỉ đạo một số giải pháp cụ thể ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 4, yêu cầu gọi tàu thuyền vào nơi trú bão, sẵn sàng sơ tán dân khỏi những nơi có nguy cơ mất an toàn…
Sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Qua nghe báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2006-2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành chức năng đưa ra phương án sắp xếp, tái cơ cấu từng doanh nghiệp nhà nước; thiết kế cơ chế quản lý xác định rõ chủ sở hữu với trách nhiệm rõ ràng trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động và công tác cán bộ của doanh nghiệp nhà nước.
Thủ tướng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước thoái vốn đã đầu tư ngoài ngành, dứt khoát không tham gia hoạt động ngân hàng, công ty tài chính, công ty kinh doanh chứng khoán.
Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh bằng những biện pháp mạnh mẽ hơn
Trong thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, các thành viên Chính phủ đề xuất cần tiếp tục có những giải pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có các giải pháp mạnh mẽ hơn để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, thận trọng…
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, các Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đề nghị các địa phương cần hết sức quan tâm tới công tác phòng, chống lụt bão; công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi; hỗ trợ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đề xuất cần quan tâm hơn nữa công tác đảm bảo an sinh xã hội, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa; dự trữ đủ cơ số thuốc chữa bệnh, cây, con giống để cung ứng kịp thời cho các vùng không may bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh.
Nhiều thành viên Chính phủ cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo sơ kết, tổng kết về mô hình doanh nghiệp nhà nước. Khẳng định việc cổ phần hóa, tái cấu trúc, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước là một chủ trương đúng đắn, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề xuất cần sớm xây dựng đề án tổng thể cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, có lộ trình rõ ràng thực hiện cổ phần hóa đối với các doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ cần có những biện pháp kiên quyết trong việc xử lý, giải quyết dứt điểm các doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài.
Nhận định hiện nay hoạt động đầu tư công còn dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề nghị cần thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác kiểm soát đầu tư công, tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó tập trung vào những công trình có ý nghĩa phúc lợi xã hội lớn, quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản.
Các Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Vũ Văn Ninh, Hoàng Trung Hải; Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã phân tích các nguyên nhân dẫn đến lạm phát tăng cao, trong đó có nguyên nhân từ bên ngoài, nguyên nhân từ nội tại nền kinh tế, nguyên nhân do điều hành… và cho rằng, việc kiềm chế lạm phát phải được thực hiện bằng các giải pháp đồng bộ cả về trước mắt cũng như về lâu dài; đề nghị Chính phủ không nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa; thực hiện hiệu quả các giải pháp cắt giảm đầu tư công; thúc đẩy xuất khẩu, giảm nhập siêu; cần quyết liệt hơn nữa trong chống đầu cơ, tăng giá; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, minh bạch, công khai chính sách nhằm chống lạm phát tâm lý, lạm phát kỳ vọng…
Các cơ quan chức năng cần chỉ đạo quyết liệt hơn công tác cải cách hành chính, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tránh những thương vong đáng tiếc xảy ra do tai nạn giao thông; làm tốt công tác phân phối, lưu thông hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu vào dịp cuối năm; chống tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, bất hợp pháp…