Lan tỏa tinh thần đền ơn đáp nghĩa

22/07/2022 - 05:47

BDK - Những chị em ở Tổ Phụ nữ nhân ái Phường 4, TP. Bến Tre đã gói tình cảm của mình vào việc may mền ô vuông, mền được may tỉ mỉ từ hàng trăm mảnh vải vụn để trao tặng các gia đình chính sách với tấm lòng biết ơn. Nét đẹp phong trào đền ơn đáp nghĩa tại tỉnh lan tỏa với biết bao việc làm đáng trân trọng.

Bà Trương Thị Ngọc Vân và nhiều chị em phụ nữ ở Tổ Phụ nữ nhân ái phường 4, TP. Bến Tre may mền từ vải vụn.

Bà Trương Thị Ngọc Vân và nhiều chị em phụ nữ ở Tổ Phụ nữ nhân ái phường 4, TP. Bến Tre may mền từ vải vụn.

Tổ Phụ nữ nhân ái Khu phố 2, Phường 4, TP. Bến Tre vừa tổ chức chuyến về nguồn tại xã An Đức, huyện Ba Tri nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7-2022. Cô Trương Thị Ngọc Vân, 74 tuổi, cán bộ hưu trí, Tổ trưởng Tổ Phụ nữ nhân ái Khu phố 2, Phường 4 cho biết: “Đây là năm thứ 7, Tổ Phụ nữ nhân ái tổ chức chuyến về nguồn dịp 27-7 nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và nâng cao nhận thức đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” theo lời Bác Hồ dạy đối với công lao to lớn của các thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng”.

Với 26 chị em, đa số là cán bộ hưu trí, thợ may, buôn bán nhỏ, nội trợ, các chị trong Tổ Phụ nữ nhân ái Khu phố 2 xin vải vụn từ các tiệm may về cắt ra để may mền, quần áo, khẩu trang tặng cho những nơi cần. Từ hàng trăm ngàn mảnh vải vụn, các chị, các cô trong tổ đã tỉ mỉ may thành những chiếc mền ô vuông, mền tranh hình bản đồ Việt Nam. Tại trụ sở hành chính xã An Đức, thành viên Tổ Phụ nữ nhân ái tặng quà cho 30 hộ gia đình chính sách và 10 em học sinh. Mỗi phần quà gồm nhu yếu phẩm, tập học sinh, mền tự may và tiền mặt 200 ngàn đồng. Ngoài ra, còn tặng cho Trường Tiểu học An Đức 1 chiếc mền tranh tự may hình bản đồ nước Việt Nam có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Được biết, kinh phí để tặng quà được các thành viên trong Câu lạc bộ “Học tập làm theo gương Bác” Phường 4, TP. Bến Tre và Tổ Phụ nữ nhân ái Khu phố 2, Phường 4 đóng góp từ nguồn tiết kiệm nuôi heo đất, hụi tương trợ và một số cá nhân khác hỗ trợ.

Các thành viên trong tổ ân cần hỏi thăm sức khỏe của các thành viên gia đình chính sách đến nhận quà. Ông Nguyễn Văn Lớn, thương binh ¾ ngụ xã An Đức, nói: “Dịp Tết, lễ lớn thì UBND xã thường mời tôi lên nhận quà. Được Nhà nước quan tâm như vậy tôi mừng lắm. Tôi bị thương với nhiều vết đạn trên người, tại nhiều chiến trường khác nhau, ngày còn trẻ, tôi chỉ có một tâm nguyện là được mạnh khỏe để chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc...”.

Hiện toàn tỉnh có trên 144 ngàn người có công được ghi nhận, tôn vinh. Trong đó, 35.648 liệt sĩ với 6.949 thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng; 18.734 thương bệnh binh; 1.111 cán bộ lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa; 95 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 15.647 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc được tặng thưởng huân chương, huy chương kháng chiến.

Cùng với 12.198 người và gia đình có công giúp đỡ cách mạng. 3.715 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. 4.046 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày và 43.411 người hưởng chế độ theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg và Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg; 3.166 người tham gia kháng chiến được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 3.876 bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Công tác trợ cấp ưu đãi hàng tháng và các chế độ khác có liên quan cho người có công được thực hiện đúng, đủ, kịp thời. Hiện nay tỉnh đang quản lý và thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng cho trên 19.855 đối tượng chính sách, với kinh phí trên 35 tỷ đồng.        

Bên cạnh việc thực hiện các chính sách ưu đãi cho người có công, công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được quan tâm. Hàng năm, các sở, ban, ngành tỉnh, các huyện, thành phố vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa xây dựng nhà tình nghĩa cho người có công. Từ năm 2017 đến nay, đã vận động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa với số tiền trên 12 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ xây mới, sửa chữa cho 1.951 hộ gia đình người có công với cách mạng (xây dựng mới 1.932 căn, sửa chữa 19 căn).

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong công cuộc đổi mới đất nước, phong trào toàn dân chăm sóc người có công tiếp tục được đẩy mạnh. Vai trò của MTTQ và các đoàn thể từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn là hết sức quan trọng trong công tác vận động toàn dân góp công sức trong các phong trào chăm sóc người có công. Ủy ban MTTQ đã chủ trì, phát động cuộc vận động trên phạm vi của tỉnh, được các tổ chức và nhiều cá nhân tham gia tự nguyện với tinh thần trách nhiệm và tình cảm sâu sắc.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh là tổ chức có thành viên trong hầu hết của mọi hộ gia đình chính sách. Tỉnh hội đã có nhiều chương trình, việc làm tình nghĩa như nhận chăm sóc đỡ đầu cho cha mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, thương binh nặng, con liệt sĩ mồ côi. “Hội rất quan tâm, vận động nguồn lực phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, vợ liệt sĩ, xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách. Những hoạt động thường xuyên và liên tục hướng đến người có công, xuất phát từ tình cảm truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện sự trân trọng đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất đất nước”, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Võ Ái Hòa chia sẻ.

Bài, ảnh: T. Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN