Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng

24/12/2024 - 13:21

BDK.VN - Sáng 24-12-2024, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Ủy viên Trung ương Đảng - Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chủ trì hội nghị. Dự Hội nghị tại điểm cầu Bến Tre có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh.

Hội nghị được nghe dự thảo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Theo đó, trong 5 năm qua, toàn ngành Thanh tra đã triển khai hơn 37.000 cuộc thanh tra hành chính và hơn 935.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. 

Qua thanh tra, phát hiện vi phạm về kinh tế trên 658.300 tỷ đồng, hơn 28.300ha đất; kiến nghị thu hồi gần 559.000 tỷ đồng và hơn 5.500ha đất; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính gần 13.000 tập thể, gần 15.900 cá nhân… 

Cơ quan Điều tra Công an các cấp thụ lý điều tra 2.990 vụ án với hơn 7.500 bị can phạm tội về tham nhũng. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp thụ lý, kiểm sát giải quyết 3.510 nguồn tin về tham nhũng, chức vụ; Tòa án nhân dân các cấp thụ lý, xét xử sơ thẩm trên 2.900 vụ án về các tội danh tham nhũng…

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, chỉ ra những hạn chế, tồn tại và góp ý kiến vào giải pháp thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới. Trong đó, tập trung vào các giải pháp kiểm soát tài sản, thu nhập và việc phát hiện, xử lý tổ chức đảng, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực; phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; xây dựng và thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn về tài chính và quản lý, sử dụng tài sản công…

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho rằng, tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Một số giải pháp phòng, chống tham nhũng hiệu quả còn chưa cao như: Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu hạn chế; công tác quản lý cán bộ, đảng viên để phòng, chống tham nhũng vẫn phải tăng cường. 

Cơ chế kiểm soát quyền lực đối với tổ chức và người có chức vụ, quyền hạn chưa đủ mạnh. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng chưa cao. Việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng như: Kiểm soát xung đột lợi ích; kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả...

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đề nghị thời gian tới, các bộ, ban, ngành, các địa phương cần tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện tốt chương trình công tác, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các nghị quyết, chỉ thị, văn bản của Trung ương có liên quan.

Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra truy tố, xét xử, thi hành án; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực; tăng cường thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

                                                                         Tin, ảnh: Thu Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN