BDK - Loại hình du lịch xanh không chỉ là một xu thế toàn cầu mà còn là một giải pháp cấp thiết giúp tỉnh bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị tài nguyên một cách bền vững. Thông qua phát triển du lịch xanh, chúng ta không chỉ bảo vệ môi trường sống mà còn tạo cơ hội nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện thu nhập cho người dân và nâng cao vị thế du lịch của tỉnh.
Du khách tham quan, trải nghiệm tại điểm du lịch Riverside Garden (thuộc Bến Tre Riverside Resort). Ảnh: CTV
Đa dạng hoạt động du lịch xanh
Ông Nguyễn Hữu Y Yên - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist cho biết: Du lịch xanh hiện đã và đang là xu hướng của du lịch thế giới. Hiện nay, du khách du lịch văn minh không chỉ là giữ vệ sinh nơi công cộng mà đã hướng tới và thực hành việc sử dụng các sản phẩm du lịch xanh, du lịch thân thiện với môi trường. Du khách đòi hỏi và đánh giá cao các điểm du lịch, các đơn vị lữ hành thực hành du lịch xanh để đáp ứng cho các tập đoàn du lịch quốc tế. Vì vậy, nếu tỉnh có định hướng bài bản về phát triển du lịch xanh thì sẽ góp phần gia tăng thêm sự tin tưởng, đánh giá cao từ du khách và xã hội.
Tại tỉnh, thời gian qua, du lịch xanh với các hoạt động quan tâm đến bảo vệ môi trường luôn là định hướng quan trọng mà các doanh nghiệp, cơ sở du lịch trên địa bàn tỉnh thực hiện, nhất là giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, yếu tố xanh trong du lịch đã được khai thác rất tốt.
Là một trong các cơ sở lưu trú chất lượng cao của tỉnh, Bến Tre Riverside Resort là cơ sở lưu trú được xếp hạng 4 sao. Thời gian qua, cơ sở đã thực hành các hoạt động theo tiêu chí xanh. Theo bà Trần Thị Hải Vân - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Hoàng Lam (Bến Tre Riverside Resort): Ngay từ thiết kế, chúng tôi đã dựa vào đặt trưng của Bến Tre để xây dựng khuôn viên resort xanh mát bởi dừa. Cơ sở luôn chú trọng chuyển tải cho du khách thông điệp xanh ngay từ những trải nghiệm đầu tiên đến các hoạt động xuyên suốt tại resort, thể hiện qua các yếu tố như: trang phục nhân viên, các vật dụng trang trí, món ăn từ dừa, gửi thông điệp bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng tại phòng nghỉ của khách, sử dụng xe đạp, xe điện để di chuyển. Quan trọng hơn hết là con người và ý thức chuyển đổi xanh của con người. doanh nghiệp thường xuyên tập huấn, hướng dẫn nhân viên hạn chế sử dụng vật liệu từ nhựa, thường xuyên dọn dẹp cảnh quan môi trường và trồng bần ven sông ở điểm du lịch để truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường đến toàn thể nhân viên, du khách và cộng đồng.
Hoàn thiện Bộ tiêu chí du lịch xanh
Nắm bắt được yêu cầu từ tình hình thực tế để phát triển du lịch xanh trên địa bàn tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh dự thảo Bộ tiêu chí du lịch xanh Bến Tre. Bộ tiêu chí đặt mục tiêu góp phần phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu đạt trạng thái trung hòa Carbon (Netzero). Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện việc giảm thiểu chi phí và tối ưu hóa lợi ích cho môi trường tự nhiên, cộng đồng địa phương, người lao động và các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch. Dự thảo Bộ tiêu chí đã được sự đóng góp ý kiến bước đầu của các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh, các chuyên gia và các trường đào tạo chuyên ngành du lịch.
Dự thảo bộ tiêu chí được xây dựng dành cho doanh nghiệp lữ hành, các homestay, khách sạn và các khu, điểm tham quan du lịch. Trong mỗi đối tượng cụ thể có nêu rõ các nhóm tiêu chí đối với từng chủ thể trong thực hiện các chỉ số cụ thể về công tác quản lý, hoạt động tại cơ sở, đơn vị gắn với bảo vệ môi trường. Mỗi chỉ số có mức điểm cụ thể để đánh giá, định lượng, kèm theo yêu cầu báo cáo, minh chứng.
Để hoàn thiện Bộ tiêu chí, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức tọa đàm để ghi nhận các ý kiến từ các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch của tỉnh. Các ý kiến đề nghị Bộ tiêu chí cần đảm bảo tính khoa học, thực tiễn và khả thi. Những tiêu chí về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và quản lý chất thải phải cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng. Đồng thời, các tiêu chí về sự tham gia của cộng đồng địa phương và việc bảo tồn di sản văn hóa, phản ánh đúng đặc trưng, tiềm năng và điều kiện của địa phương Bến Tre. Bên cạnh đó, cần một kế hoạch truyền thông bài bản, các chương trình tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật và cơ chế khuyến khích cụ thể, nâng cao nhận thức và năng lực cho các đơn vị kinh doanh du lịch, cộng đồng địa phương
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Trung cho biết: “Bộ tiêu chí du lịch xanh là một công cụ quan trọng, nhằm định hướng và đo lường sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Các tiêu chí này sẽ giúp khuyến khích các đơn vị kinh doanh du lịch áp dụng mô hình thân thiện với môi trường; đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và gìn giữ văn hóa địa phương; nâng cao ý thức của cộng đồng, du khách trong việc bảo vệ cảnh quan và môi trường”.
Một chiến lược phát triển chỉ thành công khi có sự chung tay của tất cả các bên liên quan. Trong đó, vai trò của các doanh nghiệp du lịch là đặc biệt quan trọng. Các doanh nghiệp không chỉ là những người thực thi mà còn là người sáng tạo, đưa ra những giải pháp đột phá, đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước trong việc áp dụng các tiêu chí này vào thực tế. Bên cạnh đó, sự ủng hộ và tham gia tích cực của cộng đồng địa phương là yếu tố then chốt. Chúng ta cần tạo điều kiện để người dân hiểu rõ lợi ích của du lịch xanh. Đồng thời, khuyến khích họ trở thành những “đại sứ du lịch” thực thụ, truyền cảm hứng cho du khách về lối sống xanh, bền vững.
“Thời gian qua, các cơ sở du lịch của tỉnh đã đạt được các kết quả rất tích cực trong phát triển du lịch xanh. Điển hình như dự án Netzero Tours của Công ty TNHH MTV Truyền thông và Du lịch C2T đạt Giải thưởng Quốc tế Kotler Awards 2024 trong lĩnh vực tiếp thị marketing cùng các điểm homestay tại Giồng Trôm và Bình Đại đạt được giải thưởng du lịch xanh, 5 điểm đến du lịch của tỉnh nằm trong top 50 điểm đến hấp dẫn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngành du lịch tỉnh luôn cố gắng khai thác các tài nguyên du lịch bản địa của tỉnh thành các sản phẩm du lịch xanh, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu hiện nay của du khách”.
(Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thị Ngọc Dung)