Đại biểu thảo luận tại hội nghị.
Dự thảo Luật DQTV (sửa đổi) có 8 chương với 50 điều luật. Đại biểu góp ý các vấn đề về: tên gọi, phạm vi điều chỉnh của luật; về vị trí, chức năng, của DQTV; nguyên tắc tổ chức, hoạt động của DQTV; tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp…
Đại biểu quan tâm góp ý sâu về vị trí, chức năng của DQTV, đa số ý kiến cho rằng quy định như Điều 3 (dự thảo) là hợp lý.
Đối với Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã (Điều 20 dự thảo Luật), đa số đại biểu đề nghị chọn phương án 1 là phù hợp với điều kiện của các địa phương như hiện nay.
Về huấn luyện quân sự cho DQTV (Điểm b, Khoản 1 Điều 28 dự thảo Luật), đại biểu đề nghị thời gian là từ 5 - 7 ngày đối với DQTV tại chỗ.
Về chế độ, chính sách đối với DQTV khi làm nhiệm vụ (Điểm a, Khoản 2 Điều 34 dự thảo Luật), đại biểu đề nghị Luật cần quy định rõ hơn, nhất thiết phải đảm bảo cho đối tượng này có thu nhập từ 320 - 350 ngàn đồng/ngày; vì trên thực tế ở cơ sở, kinh phí để chi bồi dưỡng là rất ít (so với một người lao động bình thường).
Về trách nhiệm của UBND các cấp (Điều 44 dự thảo Luật), đại biểu đề nghị cần có điều luật cụ thể quy định giao cho UBND cấp tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện công tác DQTV thống nhất chung trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, đại biểu thảo luận các vấn đề liên quan về: thôi thực hiện nghĩa vụ DQTV trước thời hạn, đưa ra khỏi danh sách DQTV; đăng ký công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV.
Dự thảo Luật XNC có 8 chương, 52 điều luật. Đại biểu thảo luận nhiều vấn đề liên quan về phạm vi điều chỉnh, bố cục của dự thảo Luật, nguyên tắc XNC.
Về bố cục của dự thảo Luật (Chương III), đại biểu đề nghị sắp xếp theo trình tự: cấp hộ chiếu phổ thông (Mục 1) rồi đến cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ (Mục II).
Tại Điều 5 (dự thảo Luật) quy định “Quyền và nghĩa vụ của công dân”, đại biểu đề nghị cần chỉnh sửa cho rõ ràng là “Quyền và nghĩa vụ của công dân trong hoạt động XNC”.
Đại biểu đề nghị sửa đổi quy định tại Điểm b, Khoản 1 Điều 5 dự thảo luật: “Người từ đủ 5 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không có gắn chíp điện tử” (thay vì là 14 tuổi như dự thảo), cho đồng nhất với quy định tại Điều 20 Bộ luật Dân sự hiện hành.
Đại biểu đề nghị, cần quy định rõ hơn đối với trường hợp chưa cấp giấy tờ XNC (Khoản 3 Điều 21 dự thảo Luật) và các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh (Khoản 9 Điều 36 dự thảo Luật).
Ngoài ra, đại biểu đã thảo luận các vấn đề liên quan về các hành vi bị nghiêm cấm, về giấy tờ XNC…
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, bà Trần Thị Thanh Lam ghi nhận các ý kiến đóng góp của đại biểu. Trên cơ sở này, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp ý kiến để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tin, ảnh: H.Đức