Chiều 14/11, tại Dinh Tổng thống Istana, Singapore đã diễn ra Phiên họp kín đầu tiên của các Nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 17. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tham dự Hội nghị.
Với chủ đề “Kết nối khu vực”, các Nhà Lãnh đạo đã thảo luận về định hướng thúc đẩy tiến trình liên kết kinh tế, tự do hóa thương mại và đầu tư tại châu Á – Thái Bình Dương. Hội nghị nhất trí thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực thông qua các biện pháp tự do hóa thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường kết nối dây chuyền cung ứng.
Tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã khẳng định tầm quan trọng của tăng cường liên kết kinh tế APEC, cho đây là “chìa khóa” của thành công, là nền tảng vững chắc để APEC duy trì vai trò ở khu vực và quốc tế. Theo đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh APEC cần tập trung thúc đẩy thực hiện các mục tiêu Bogo; đẩy mạnh và ưu tiên nâng cao năng lực hội nhập khu vực, khắc phục những trở ngại do chênh lệch trình độ phát triển như: giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ cao, công nghệ sạch.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề nghị các thành viên APEC cần cùng nhau tiếp tục nỗ lực giảm thiểu sự phân biệt đối xử trong thương mại đối với các thành viên đang phát triển, tận dụng các cơ chế liên kết khu vực và tiểu khu vực sẵn có, trong đó phát huy các chương trình kết nối hiện nay của ASEAN và liên kết khu vực cần song hành với thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương.
Sau Phiên họp kín, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC cũng đã có cuộc đối thoại với các đại diện Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) để trao đổi về các giải pháp tạo thuận lợi cho kinh doanh và đầu tư trong khu vực và ở Việt Nam. Đây là hoạt động thường niên của các Nhà Lãnh đạo APEC và được cộng đồng doanh nghiệp rất coi trọng.
Trước đó, buổi trưa, Chủ tịch nước dự bữa tiệc với các nhà lãnh đạo APEC.
Trong buổi sáng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tham dự Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC với chủ đề “Tái thiết nền kinh tế toàn cầu”. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là diễn giả chính tại phiên thảo luận về “Đầu tư phát triển tại các thị trường mới nổi”, một khía cạnh của quá trình tái thiết kinh tế toàn cầu.
Trước tham dự của hơn 800 Lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của 21 nền kinh tế thành viên APEC, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nêu rõ, châu Á- Thái Bình Dương là khu vực có nhiều nền kinh tế mới nổi năng động và thành công nhất, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của khu vực và thế giới.
Kể từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, thế giới đã chứng kiến sự bùng phát dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu và đóng góp đáng kể vào những thành tựu kinh tế ngoạn mục. Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có xu hướng suy giảm trong năm 2009 do khủng hoảng tài chính toàn cầu, song được dự báo sẽ phục hồi trở lại trong năm 2010 và tiếp tục tăng sau đó. Kết quả này chính là do các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp nhận thấy ngày càng rõ cơ hội đầu tư trên thế giới nói chung và tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi nói riêng.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, vấn đề đặt ra đối với các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi không chỉ là thu hút được đầu tư nước ngoài mà phải là thu hút được dòng vốn này một cách có hiệu quả. Từ thực tiễn của Việt Nam trong hơn 20 năm đổi mới, Chủ tịch nước nêu ra 3 kinh nghiệm nhằm thu hút hiệu quả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Theo đó, trước hết là cải thiện môi trường đầu tư đi đôi với những nỗ lực cải cách và phát triển doanh nghiệp trong nước. Chủ tịch nước khẳng định, thu hút đầu tư nước ngoài một cách có hiệu quả luôn là một định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam rất coi trọng hoàn thiện luật pháp, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, phát triển kết cấu hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Cùng với đó, Việt Nam tiến hành chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, coi đây là một định hướng xuyên suốt, tạo môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu: Việt Nam không chỉ mở cửa mạnh mẽ khu vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, mà cả các lĩnh vực dịch vụ, phát triển kết cấu hạ tầng cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Thực tiễn cho thấy, để thu hút FDI thực sự hiệu quả, việc tạo dựng một môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, giảm thiểu chi phí giao dịch và đặc biệt là đảm bảo ổn định chính trị, xã hội có ý nghĩa hơn nhiều so với các kích thích tài chính như giảm thuế, miễn thuế.
Kinh nghiệm thứ hai của Việt Nam được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nêu ra là phải gắn kết chính sách vượt qua khó khăn trong ngắn hạn với tạo dựng tiền đề tốt hơn cho phát triển bền vững trong dài hạn.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng cho rằng, cần có biện pháp hạn chế, giảm thiểu những rủi ro có thể phát sinh khi luồng vốn bên ngoài, trong đó có vốn đầu tư nước ngoài gia tăng.
Đề cập vấn đề của khu vực, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ sau Đại suy thoái 1929-1933 và đặt ra nhiều vấn đề mới đáng suy nghĩ, chúng ta phải coi trọng và tăng cường hợp tác, liên kết quốc tế, khu vực, mà APEC là một trụ cột quan trọng.
Tối ngày 14/11, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã tổ chức chiêu đãi trọng thể chào mừng các Lãnh đạo APEC. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng phu nhân và các thành viên chính thức của đoàn tham dự chiêu đãi.
Cũng trong ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có cuộc gặp song phương với Tổng thống Liên bang Nga Medvedev. Hai vị Lãnh đạo bày tỏ vui mừng về những phát triển tích cực trong quan hệ Việt nam – Liên bang Nga trong thời gian qua. Hai bên thảo luận về các định hướng và biện pháp tăng cường nhằm đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đi vào chiều sâu và thúc đẩy hợp tác song phương về kinh tế, khoa học- kỹ thuật, giáo dục đào tạo và năng lượng.
Hai nước khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại Diễn đàn APEC và các diễn đàn quốc tế khác. Tổng thống Nga hoan nghênh Việt Nam sẽ làm Chủ tịch ASEAN trong năm 2010, bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ hoàn thành tốt trọng trách của mình và khẳng định sẽ hợp tác với Việt Nam để thúc đẩy quan hệ đối thoại Nga – ASEAN.
Tổng Giám đốc toàn cầu về nghiên cứu và phát triển tập đoàn Microsoft ông Craig Mundie và Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Siemen ông Peter Loscher đã đến chào Chủ tịch nước.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cũng đã có các cuộc tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia và Bộ trưởng Ngoại giao Peru để trao đổi về tăng cường hợp tác song phương và phối hợp tại các diễn đàn đa phương./.