Lớp học bán hòa nhập Trường Tiểu học Phú Túc

19/04/2023 - 05:39

BDK - Lớp đặc biệt dành cho trẻ khuyết tật tại Trường Tiểu học Phú Túc (Châu Thành) được tỉnh triển khai thí điểm từ năm học 2019-2020. Đây là lớp học hỗ trợ hình thức bán hòa nhập trong trường bình thường theo mô hình của Nhật do Hội Trợ giúp trẻ em Việt Nam - Nhật Bản chuyển giao. Qua gần 5 năm thực hiện, tuy còn nhiều khó khăn nhưng hình thức giáo dục này đạt hiệu quả. Học sinh trong lớp học bán hòa nhập đã tiến bộ hơn rất nhiều so với ban đầu.

Học sinh lớp học bán hòa nhập Trường Tiểu học Phú Túc.

Học sinh lớp học bán hòa nhập Trường Tiểu học Phú Túc.

Lớp học đặc biệt

Lớp bán hòa nhập tại Trường Tiểu học Phú Túc không đông đúc, hoạt náo như các lớp học bình thường. Các em học sinh là những trẻ bị tâm thần nhẹ và tự kỷ, khả năng tiếp thu chậm hơn các bạn cùng trang lứa. Lớp học ban đầu có 9 em, năm học 2022-2023 có 1 em được lên lớp, 1 em do hoàn cảnh khó khăn xa trường nên đã chuyển về xã Phú Đức học. Hiện lớp còn 7 em, tuy cùng học một lớp nhưng khác nhau độ tuổi, có em lớn hơn 2 tuổi so với cấp học.

Đối với lớp đặc biệt này, giáo viên chủ nhiệm tập trung dạy 2 môn Toán và tiếng Việt, trong đó chú trọng dạy các em biết đọc, biết viết và làm các phép tính cộng, trừ, nhân, chia từ dễ đến khó, sử dụng hình ảnh trực quan để giúp các em dễ tiếp thu kiến thức. Hiện nội dung học của các em theo chương trình sách giáo khoa lớp 5 hiện hành. Các môn học khác như: Thể dục, Mỹ thuật, Âm nhạc, tiếng Anh, sinh hoạt đội các em được học cùng các lớp bình thường.

Trong quá trình giảng dạy, giáo viên điều chỉnh nội dung sao cho phù hợp với khả năng nhận thức của các em nhưng vẫn đảm bảo kiến thức kỹ năng quy định. Trên cơ sở nắm được năng lực nhận thức của từng em, giáo viên xây dựng kế hoạch, vận dụng phương pháp dạy học cũng như tổ chức dạy phù hợp giúp rèn luyện, hình thành thói quen trong học tập, sinh hoạt cho các em.

Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 nhận nhiệm vụ giảng dạy lớp học bán hòa nhập. Cô Lê Thị Mai Huệ cho biết: Năm đầu tiên tiếp nhận lớp cô gặp rất nhiều khó khăn. Các em chậm hơn các bạn cùng trang lứa, có những bạn chưa biết gài nút áo. Khi vào lớp, giáo viên vừa là cô vừa là người mẹ dạy học và dạy tất cả công việc trong gia đình. Các em không có sự chú ý tập trung, đòi hỏi sự kiên nhẫn rất lớn từ giáo viên.

Chị Võ Thị Việt Hiền (thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành) phụ huynh bé Phúc Hào - học sinh lớp bán hòa nhập cho biết: Những đứa trẻ này không phải dễ dạy nhưng mà thầy cô rất yêu thương, dịu dàng, chịu khó với các em. Nếu không có lớp học bán hòa nhập, con tôi không được như ngày hôm nay. Hiện bé biết đọc, biết viết, dù chưa bằng các bạn học sinh khỏe mạnh nhưng đủ là niềm vui, hạnh phúc lớn của người mẹ.

Quan tâm đầu tư cho lớp học

Phòng học lớp bán hòa nhập có phần hơn nhỏ so với các phòng học khác do nhà trường trưng dụng phòng nghỉ của giáo viên để trang trí, kê bàn làm phòng học. Trong phòng nhỏ nhưng chứa đựng biết bao tâm huyết, sự yêu thương, chia sẻ của nhà trường và giáo viên đối với các em kém may mắn này.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Túc Nguyễn Văn Thái cho biết: Nhà trường tạo mọi điều kiện tốt nhất trong dạy - học, đối xử công bằng các em với học sinh khác. Trong gần 5 năm thực hiện mô hình lớp học bán hòa nhập, trường tự chăm lo cho các em, hỗ trợ đóng tiền bảo hiểm. Trong thời gian học trực tuyến cần phương tiện học, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm tự vận động giúp các em có phương tiện học. Khó khăn hiện nay là lớp học chưa được đầu tư và hỗ trợ cơ sở vật chất, dụng cụ học tập từ các nguồn bên ngoài nhà trường.

Theo đánh giá của thầy Nguyễn Văn Thái, sau gần 5 năm thực hiện mô hình, học sinh được hưởng thụ và hòa nhập, các em có thể học như các bạn học sinh bình thường, được đảm bảo kiến thức chuẩn theo lớp đang học. 7 học sinh của lớp hiện rất tự tin để bước lên học lớp 6. Tuy nhiên, các em có phần bị hạn chế kỹ năng giao tiếp. Các em chỉ thu gọn mình trong môi trường có 7 bạn học chung. Điều này làm gia tăng sự mặc cảm khi học chung toàn trường vì các em biết được mình là nhóm học sinh phải học tách riêng, kém trí với các bạn, khó hòa nhập cùng bạn bè trong trường.

Để tạo điều kiện cho nhà trường vận động học sinh bị khuyết tật ra lớp, giúp các em hòa nhập được với môi trường sống, Trường Tiểu học Phú Túc đề xuất tiếp tục duy trì lớp học bán hòa nhập nhưng đến giai đoạn đủ điều kiện cho tách các em cho hòa nhập để tránh ảnh hưởng tâm lý của trẻ. Đồng thời quan tâm bổ sung biên chế cho nhà trường để đủ giáo viên dành riêng cho lớp bán hòa nhập. “Hiện nay, giáo viên dạy lớp bán hòa nhập không có chế độ chính sách nào khác so với giáo viên dạy lớp học bình thường. Do đó, lãnh đạo các cấp xem xét có chế độ chính sách cho giáo viên dạy lớp bán hòa nhập để các cô an tâm công tác vì thời gian, công sức đầu tư cho lớp và công tác giảng dạy cho các em là rất lớn”, ông Nguyễn Văn Thái kiến nghị.

Bài, ảnh: P. Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN