Luật Trưng cầu ý dân có hiệu lực từ 1-7: Dân quyết là trên hết

30/06/2016 - 07:16

Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố (Ảnh minh hoạ)

Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân. Mọi cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả đó.

Luật Trưng cầu ý dân được Quốc hội thông qua ngày 25-11-2015 gồm 8 chương, 52 điều sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày mai, 1-7-2016.

Dân quyết

Luật quy định, cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất ¾ tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu.

Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành; đối với trưng cầu ý dân về Hiến pháp quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật này phải được 2/3 số phiếu hợp lệ tán thành.  

Sau khi nhận và kiểm tra báo cáo kết quả trưng cầu ý dân của UBND cấp tỉnh và giải quyết những khiếu nại, tố cáo (nếu có), Ủy ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết xác định kết quả trưng cầu ý dân trong cả nước và phải được công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân.

Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm báo cáo Quốc hội về kết quả trưng cầu ý dân tại kỳ họp gần nhất để Quốc hội quyết định các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện kết quả trưng cầu ý dân.

Về hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân, Luật thể hiện rõ: Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố.

Mọi cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân.

Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức và bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh kết quả trưng cầu ý dân.

Ai đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân?

Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân.

Trường hợp có từ 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên kiến nghị Quốc hội quyết định việc trưng cầu ý dân về cùng một vấn đề thì Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm tổng hợp các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, chuẩn bị hồ sơ theo quy định trình Quốc hội xem xét, quyết định. 

Trước khi trình Quốc hội, đề nghị trưng cầu ý dân phải được Hội đồng Dân tộc, Ủy ban có liên quan của Quốc hội thẩm tra.

Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về đề nghị trưng cầu ý dân theo quy định. Khi xét thấy đề nghị đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Luật này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa nội dung quyết định việc trưng cầu ý dân vào dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội tại kỳ họp gần nhất để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Không tổ chức bỏ phiếu ở nước ngoài

Luật quy định trưng cầu ý dân được thực hiện trong phạm vi cả nước. Ngày bỏ phiếu là ngày Chủ nhật, do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định và được công bố chậm nhất là 60 ngày trước ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân.

Việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân bắt đầu từ 7h-19h cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ trưng cầu ý dân có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5h hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 21h cùng ngày.

Trường hợp ở khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân đã có 100% cử tri trong danh sách thực hiện việc bỏ phiếu thì việc bỏ phiếu ở khu vực bỏ phiếu đó có thể kết thúc sớm nhưng không được trước 15h cùng ngày.

Luật cũng quy định không tổ chức lại việc trưng cầu ý dân về nội dung đã được trưng cầu ý dân trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày kết quả trưng cầu ý dân được công bố.

Không tổ chức trưng cầu ý dân trong thời gian ban bố tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày bãi bỏ tình trạng chiến tranh, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước. 

Liên quan danh sách cử tri và khu vực bỏ phiếu, trong điều kiện hiện nay, công dân Việt Nam ở nước ngoài có địa bàn cư trú rải rác ở nhiều quốc gia khác nhau, việc đi lại, liên hệ với các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cũng còn xa xôi, gặp nhiều khó khăn; điều kiện kỹ thuật của chúng ta chưa bảo đảm để tiến hành tổ chức cho công dân Việt Nam ở nước ngoài bỏ phiếu trưng cầu ý dân nên không quy định tổ chức.

Trường hợp cử tri là công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong thời gian Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân cho đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ thì vẫn được ghi tên vào danh sách cử tri, nhận thẻ cử tri để thực hiện quyền biểu quyết trưng cầu ý dân./.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN