Du khách thích thú tham quan vườn dưa lưới công nghệ cao tại Khu du lịch Phú An Khang. Ảnh: T.Minh
Trong vài năm trở lại đây, du lịch tham quan vườn cây ăn trái, du lịch Homestay liên tục được hình thành, thu hút nhiều lượt khách trong và ngoài nước, tạo nên làn gió mới cho du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, làm du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp ở tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, rời rạc, thiếu liên kết, do đó chưa khai thác hết tiềm năng của loại hình công nghiệp “không khói” này. Thời gian tới, các ngành, các cấp của tỉnh cần sớm có những chính sách, định hướng đưa loại hình này phát triển lâu dài và bền vững.
Thay đổi nhận thức của nông dân
Là đất cù lao, với những dòng sông chở nặng phù sa, góp phần cùng người nông dân với kinh nghiệm sản xuất, tạo nên những vườn cây xum xuê trái ngọt quanh năm. Đó là một trong những điểm nổi bật mà du khách muốn tìm đến với tỉnh để được chiêm ngưỡng, khám phá, tìm hiểu thêm về vùng đất này.
Ngày trước, để chụp được tấm ảnh, quay được hình ảnh trong vườn bưởi, vườn sầu riêng, vườn chôm chôm là điều hết sức khó khăn. Người trồng cho rằng quay phim, chụp ảnh là điều kiêng kỵ, ảnh hưởng đến vườn cây. Nhưng giờ đây, việc này chẳng những không gây hại mà còn giúp người dân có thêm nguồn lợi.
Ông Trần Văn Mười Một, ấp Tân Quy, xã Tân Phú có mảnh vườn 2.000m2 trồng chôm chôm. Bắt đầu từ năm ngoái, ông Mười Một hợp tác với điểm du lịch Quê ta để đón khách tham quan. “Có dịp được đi du lịch ở một số nơi, tôi thấy người ta làm du lịch kiểu này rất hay và đem lại hiệu quả kinh tế. Tôi về áp dụng ngay. Quả thực sau hơn 1 năm thực hiện, mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình cao hơn là việc cứ đến vụ chôm chôm lại phải bán cho thương lái với giá bấp bênh”, ông Mười Một cho biết.
Với người nông dân từ xưa vốn quen với việc sản xuất, vì vậy để vừa sản xuất vừa làm du lịch với họ là cả quá trình thay đổi nhận thức. Để làm du lịch thành công, họ không chỉ là một người nông dân thật thà mà còn phải có kiến thức, học thêm kinh nghiệm để đổi thay tư duy, đổi thay cách làm dịch vụ để thu hút được khách.
Nông dân Nguyễn Văn Mười, chủ Homestay Mười Nở không biết lập website hay tận dụng mạng xã hội như thế nào để quảng bá Homestay của mình cho khách tìm đến. Tuy nhiên, ông Mười chia sẻ: “Tôi nghĩ làm nghề gì cũng phải có tâm và thật thà. Hơn 7 năm làm du lịch, ngoài tham gia các lớp tập huấn về làm du lịch, an toàn thực phẩm do xã tổ chức, các thành viên trong gia đình tôi vẫn học từng ngày, vẫn quan sát cách nhìn, cách ăn của khách để thay đổi, phục vụ họ tốt hơn”.
Có lẽ chính cái tâm và sự thật thà của ông Mười mà giờ đây, mỗi tháng Homestay Mười Nở đón từ 600 - 1.000 lượt khách tham quan, ăn uống, lưu trú. Từ chỗ ban đầu Homestay Mười Nở chỉ tận dụng gian nhà ở của mình để cho khách ở với 4 chiếc giường, thì nay ông Mười mở thêm 6 phòng, nhà vệ sinh sạch sẽ để đáp ứng nhu cầu của khách đến ở, nhưng có lúc vẫn không đáp ứng đủ.
Còn anh Lê Quốc Thắng - chủ điểm du lịch Quê ta, ấp Tân Quy, xã Tân Phú đã tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, dựa vào lợi thế mạng xã hội để quảng bá, tìm kiếm khách đến với điểm du lịch của mình. “Vợ chồng mình quay clip giới thiệu cho khách từng vườn cây, từng loại trái theo mùa rồi đưa lên facebook, zalo để khách lựa chọn, đặt mua vé mà không phải mất công đến nơi mới tìm hiểu”, anh Thắng cho biết.
Tìm hướng đi phù hợp
Không phải người nông dân nào cũng nhận thấy được ưu điểm của việc sản xuất nông nghiệp kết hợp với làm du lịch sẽ nâng cao giá trị của sản phẩm mình làm ra. Một phần do kỹ năng làm du lịch của chính người dân còn hạn chế bởi xưa nay người nông dân quen sản xuất hơn là làm dịch vụ.
Vì vậy, các cấp chính quyền, ngành du lịch và nông nghiệp cần tuyên truyền cho người nông dân nhận ra rằng làm du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp không chỉ là chuyện làm kinh tế dừng lại trong mái nhà, vườn cây mà còn vượt ra khỏi không gian đó. Mô hình du lịch canh nông sẽ góp phần giúp quảng bá, giới thiệu với du khách về quê hương, con người Bến Tre thân thiện, gần gũi và những loại đặc sản ngon, đậm bản sắc xứ Dừa.
Tỉnh có lợi thế riêng rất lớn là có trên 70.000ha dừa và “vương quốc” hoa kiểng, trái cây nổi tiếng khắp cả nước. Đây là tiềm năng để phát triển du lịch gắn với nông nghiệp. Hiện mô hình du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp ở tỉnh chưa đồng bộ, chưa tương xứng với những lợi thế mà tỉnh đang có.
Vấn đề làm sao để cùng liên kết thực hiện rải vụ để có nông sản đa dạng phục vụ khách du lịch quanh năm và làm thế nào để việc sản xuất ra sản phẩm vừa an toàn, vừa bảo vệ môi trường cần được chú trọng. Ngoài ra, để tăng thêm thu nhập cho bà con thì cần phải có sự liên kết giữa các điểm du lịch nhằm mở rộng, đa dạng các chuỗi giá trị gia tăng.
Đó là cách mà anh Lê Quốc Thắng, xã Tân Phú đã áp dụng lâu nay. Không dừng lại ở việc tận dụng khu vườn của mình để làm du lịch, anh Thắng còn liên kết với hơn 40 nhà vườn khác để luân phiên phục vụ khách. Anh Thắng cho biết: Có những lúc vườn này đến thời điểm xử lý sâu bệnh thì phải có vườn khác dự phòng hoặc vườn này trái cây chưa chín thì có vườn khác để khách chọn.
Nhận thấy phát triển mô hình du lịch canh nông nhiều triển vọng nên UBND xã Tân Phú, huyện Châu Thành đang xây dựng đề án để nhân rộng mô hình du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp ở ấp Tân Bắc và Hàm Luông. Mỗi điểm du lịch mới ra đời, xã lại tổ chức mở lớp để tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, phục vụ khách cho nhân viên ở các điểm.
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách khẳng định, việc liên kết giữa các điểm du lịch là thật sự cần thiết. Ví dụ, mỗi điểm du lịch nên có những sản phẩm, mặt hàng riêng, đặc trưng để du khách muốn được đi hết những điểm này. Như vậy, sẽ tạo được tour để du khách tìm hiểu, tham quan.
Cũng theo Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, thời gian tới, để mô hình du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp tạo được điểm nhấn, ấn tượng với du khách thì phải xây dựng vùng trái cây sạch, phải có những điểm dịch vụ để khách đến tham quan thưởng thức những trái cây đặc biệt hơn những vùng khác. Song song đó, những điểm này phải có dịch vụ kèm theo, như chỗ nghỉ ngơi, khu vườn để khách tự tay tham gia trải nghiệm cùng người dân sản xuất, đem những sản phẩm tạo ra để về làm kỷ niệm.
Cần sự vào cuộc của ngành chức năng
Du lịch canh nông là loại hình làm ăn khá mới mẻ đối với người nông dân, góp phần nâng cao giá trị nông sản, rút ngắn với những ngành nghề khác. Để tránh việc người nông dân làm du lịch nông nghiệp tự phát thì cần sự hỗ trợ từ ngành chuyên môn về kiến thức và kinh nghiệm trong làm du lịch. Sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp và du lịch sẽ góp phần phát triển thế mạnh của từng địa phương, đưa du lịch nông nghiệp phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có của tỉnh.
Theo ông Trương Quốc Phong - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, thời gian tới cần đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong mô hình phát triển du lịch nông nghiệp (bà con nông dân, doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý du lịch, nông nghiệp, thương mại), có kế hoạch quảng bá, xây dựng thương hiệu, bản đồ du lịch nông nghiệp… để tạo ra những sản phẩm du lịch nông nghiệp có chất lượng, tính chuyên nghiệp cao, góp phần đưa du lịch nông nghiệp phát triển bền vững và lâu dài.
Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tham mưu trình UBND tỉnh ban hành quyết định quy định chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư về hoạt động du lịch và hỗ trợ cơ sở vật chất phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Hy vọng rằng, khi quy định này được ban hành là điều kiện thuận lợi góp phần phát triển du lịch tỉnh, nhất là loại hình du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp
Tuệ Minh