Kỷ niệm 46 năm chiến thắng Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn (1-1979 - 1-2025), bài 2:

Ý nghĩa lịch sử và bài học cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay

06/01/2025 - 13:22

BDK.VN - Chiến dịch Tà Lơn với lực lượng Hải quân làm nòng cốt, đã trở thành cột mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Đây không chỉ là chiến dịch quân sự đầu tiên mà Hải quân tham gia ở quy mô lớn mà còn là biểu tượng của ý chí tự cường và khát vọng bảo vệ chủ quyền đất nước trong hoàn cảnh đầy thử thách. Với thắng lợi của chiến dịch này đã góp phần quan trọng làm thay đổi thế trận có lợi cho ta, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tác chiến trên bộ cũng như trên biển diễn ra sau đó giành thắng lợi.

Trận đổ bộ tiến công đánh chiếm đảo Tà Lơn của Hải quân nhân dân Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Sự thắng lợi của chiến dịch đã khẳng định đường lối chiến tranh nhân dân và sự lãnh đạo tài tình của Đảng, sự chỉ đạo kịp thời, đúng đắn, trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân; là thắng lợi của nghệ thuật quân sự nói chung và nghệ thuật quân sự Hải quân nói riêng, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng chủ lực và nhân dân địa phương, tạo nên sức mạnh của chiến tranh nhân dân, nền quốc phòng toàn dân trên chiến trường sông, biển.

Qua chiến dịch, một lần nữa khẳng định về sự rèn luyện bản lĩnh chính trị, ý trí quyết tâm, lòng dũng cảm kiên cường, tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động, mưu trí, sáng tạo, vượt qua khó khăn gian khổ, ác liệt của bộ đội Hải quân, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đây là chiến công tiêu biểu, có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề thuận lợi, cổ vũ cán bộ, chiến sỹ khắc phục mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giúp Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng.

Bên cạnh đó, Chiến dịch cũng là minh chứng rõ nét về đường lối, quan điểm đối ngoại và tư tưởng chỉ đạo “giúp bạn là tự giúp mình” của Đảng, chính sách đoàn kết quốc tế của Nhà nước, Quân đội nhân dân Việt Nam được thể hiện cụ thể thông qua tinh thần sẵn sàng nhận và quyết tâm hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quốc tế, góp phần củng cố, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị gắn bó giữa ba dân tộc và nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Giá trị lịch sử của chiến thắng Chiến dịch Đổ bộ đường biển Tà Lơn luôn là một thực tiễn sinh động, có ý nghĩa lịch sử to lớn, tính thời đại sâu sắc. Đó cũng là cơ sở lý luận và thực tiễn quý báu để Hải quân nhân dân Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, bổ sung hoàn thiện huấn luyện các phương án đổ bộ đường biển, đặc biệt phương án đổ bộ đường chiến cấp chiến dịch với nhiều lực lượng trong và ngoài Quân chủng tham gia. 

Vùng 2 Hải quân huấn luyện, diễn tập trên biển năm 2024. Ảnh: Văn Đường

Trong giai đoạn cách mạng mới, tình hình thế giới, khu vực sẽ có những biến động khó lường, việc tranh giành ảnh hưởng và cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc tăng lên, tranh chấp chủ quyền biển, đảo trong khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Quân chủng đang bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Để thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biển hiện nay, Quân chủng Hải quân đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu; trong đó có việc vận dụng, phát triển những bài học, kinh nghiệm từ Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn tháng 1-1979.

Trước hết, nhận thức rõ đổ bộ đường biển là loại hình tác chiến phức tạp, quyết liệt, khó khăn gian khổ, thử thách rất lớn về tinh thần, ý chí chiến đấu của bộ đội. Thắng lợi của Chiến dịch Tà Lơn 46 năm trước trong điều kiện vũ khí, trang bị (VKTB) còn hạn chế đã cho thấy lòng quả cảm, đức hy sinh và sự kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha anh. Phát huy truyền thống đó, ngày nay, Quân chủng Hải quân càng phải coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng bản lĩnh vững vàng, ý chí quyết tâm chiến đấu cao và niềm tin chiến thắng cho bộ đội, tin vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tin vào lãnh đạo, chỉ huy, VKTB và nghệ thuật tác chiến của ta, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thứ hai, trong tác chiến bảo vệ Tổ quốc khi có tình huống xảy ra, đổ bộ đường biển và chống đổ bộ đường biển vẫn sẽ là một trong những loại hình tác chiến phổ biến, đối tượng tác chiến thường có ưu thế về VKTB, phương tiện đổ bộ, khả năng kiểm soát trên không, trên biển, dưới ngầm... Với VKTB hiện có và đang được đầu tư hiện đại, để thắng địch cần phải có nghệ thuật tác chiến phù hợp. Muốn vậy, ngoài làm tốt công tác huấn luyện bộ đội, Quân chủng Hải quân phải quán triệt đường lối quân sự của Đảng, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, nghệ thuật quân sự Việt Nam, đẩy mạnh nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, hoàn thiện hệ thống lý luận nghệ thuật quân sự hải quân, phù hợp với nhiệm vụ, sự phát triển về tổ chức, lực lượng và VKTB. Nghiên cứu vận dụng những kinh nghiệm trong Chiến dịch Tà Lơn; đồng thời, chủ động nghiên cứu, dự báo đúng âm mưu, thủ đoạn, đổ bộ đường biển của địch khi chúng gây chiến tranh xâm lược hoặc đánh chiếm biển, đảo, làm cơ sở bổ sung, điều chỉnh các phương án tác chiến đổ bộ đường biển và chống đổ bộ đường biển, bảo đảm chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống.

Thứ ba, cần ưu tiên xây dựng, kiện toàn tổ chức, biên chế, con người, VKTB, phương tiện cho các đơn vị tàu vận tải đổ bộ, hải quân đánh bộ, phòng thủ đảo, phòng thủ căn cứ theo hướng “tinh, gọn, mạnh”. Nghiên cứu nắm chắc địa hình, khí hậu, thủy văn các khu vực biển, đảo; dự báo khu vực địch có thể đổ bộ; tích cực cải tạo, tận dụng thế có lợi của điều kiện tự nhiên để bố trí vật cản chống đổ bộ, các thiết bị chiến trường, xây dựng các căn cứ, hệ thống công sự trận địa trên đảo và trên đất liền hiểm hóc, liên hoàn, vững chắc, kháng lực tốt, có khả năng phòng thủ dài ngày, chuyển hóa thế trận linh hoạt, có thế đánh và thế giữ khi tác chiến xảy ra.

Thứ tư, các cụm lực lượng hải quân cần huấn luyện, diễn tập, luyện tập thuần thục phương án tác chiến đổ bộ đường biển và chống địch đổ bộ đường biển cho các đơn vị tàu vận tải đổ bộ, hải quân đánh bộ, phòng thủ đảo, phòng thủ căn cứ theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, “sát nhiệm vụ, đối tượng tác chiến, chiến trường, tổ chức biên chế, VKTB”. Tăng cường huấn luyện hiệp đồng giữa các lực lượng; huấn luyện thuần thục chiến thuật từng người, phân đội đến hiệp đồng tác chiến quân, binh chủng. Chú trọng huấn luyện đêm, huấn luyện dã ngoại dài ngày trên biển, đảo, huấn luyện trong điều kiện phức tạp, diễn tập vòng tổng hợp, thực binh đối kháng. Qua đó nâng cao trình độ chỉ huy, hiệp đồng, xử trí tình huống cho người chỉ huy và cơ quan, trình độ kỹ thuật, chiến thuật và khả năng chịu đựng sóng gió cho bộ đội.

Thứ năm, làm tốt công tác bảo đảm mọi mặt, đặc biệt là bảo đảm tác chiến. Những tổn thất trong Chiến dịch Tà Lơn, một phần nguyên nhân là do ta chưa làm tốt công tác bảo đảm trinh sát nắm địch, địa hình, thủy văn, bảo đảm hàng hải... Từ bài học đó, Quân chủng Hải quân cần nghiên cứu xây dựng các phương án bảo đảm tác chiến, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho tác chiến đổ bộ đường biển và chống đổ bộ đường biển ngay từ thời bình. Ưu tiên bảo đảm cho đơn vị chiến đấu, đơn vị làm nhiệm vụ trên biển, đảo, nơi khó khăn gian khổ. Chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ; tổ chức bảo đảm toàn diện, kịp thời, thông suốt, chính xác, linh hoạt, khoa học, hiệu quả; nghiên cứu hoàn thiện các phương thức bảo đảm, đặc biệt trong điều kiện chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, mức độ hủy diệt lớn, chiến trường bị chia cắt, phong tỏa...

46 năm đã trôi qua, nhưng những bài học mà Chiến thắng chiến dịch Tà Lơn vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc; là cơ sở để các cấp, ngành tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Nhất là với Quân chủng Hải quân phải nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, xây dựng Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc từ hướng biển.

Văn Đường

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN