Kỷ niệm 46 năm chiến thắng Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn (1-1979 - 1-2025), bài 1:

Đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển của Hải quân Nhân dân Việt Nam

05/01/2025 - 11:49

BDK.VN - Chiến dịch Tà Lơn (1-1979) không chỉ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển của Hải quân Nhân dân Việt Nam mà còn là minh chứng cho tinh thần quả cảm, sự đoàn kết và nghệ thuật quân sự sáng tạo. Thành công của chiến dịch không chỉ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ mà còn để lại những bài học quý báu về chiến lược, tinh thần nhân văn và trách nhiệm quốc tế.

Tàu Hải quân 403, thuộc Hạm đội 171 vận chuyển xe thiết giáp lội nước BTR-50P của Quân đoàn 3 làm nhiệm vụ trong Chiến dịch Tà Lơn, tháng 1-1979. Ảnh: Tư liệu

Tàu Hải quân 403, thuộc Hạm đội 171 vận chuyển xe thiết giáp lội nước BTR-50P của Quân đoàn 3 làm nhiệm vụ trong Chiến dịch Tà Lơn, tháng 1-1979. Ảnh: Tư liệu

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, niềm vui thống nhất đất nước chưa được trọn vẹn, ngày 3-5-1975, tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xary đã xua quân tiến công đảo Phú Quốc của Việt Nam. Chúng nổ súng khiêu khích nhiều nơi trên biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia; ngang nhiên đánh chiếm đảo Thổ Chu, tàn sát, giết hại gần 1.000 người dân thường Việt Nam. “Tính từ ngày 30-4-1975 đến tháng 6-1977, địch đã xâm phạm biên giới Việt Nam hơn 2.000 lần, giết hại hơn 4.000 đồng bào, chiến sĩ ta”[1]. Đến đầu năm 1978, cuộc xung đột biên giới đã biến thành một cuộc chiến tranh thực sự, 19 sư đoàn quân Pôn Pốt - Iêng Xary đã tiến công xâm lược Việt Nam. Hàng ngàn người Việt Nam đã bị chúng tàn sát dã man, nhiều làng mạc, thị trấn bị tàn phá.

Trên đất nước Campuchia chúng thi hành chính sách diệt chủng hết sức khủng khiếp và tàn bạo có một không hai trong lịch sử. Ba triệu người Campuchia đã bị giết chết, 4 triệu người khác bị giam hãm vào các trại tập trung trá hình. Đất nước Campuchia bị tàn phá nặng nề, tiêu điều, xơ xác. Trước sự tàn sát, khủng bố của bọn Pôn Pốt - Iêng Xary, lòng căm thù của nhân dân Campuchia càng nung nấu và đỉnh cao, là việc bùng lên ngọn lửa đấu tranh của lực lượng cách mạng yêu nước chân chính, cùng với nhân dân cả nước quyết đánh đổ bọn đao phủ Pôn pốt - Iêng Xary, cứu dân tộc khỏi hoạ diệt vong.

Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ra đời và quy tụ được các lực lượng, khi nhận thấy sự thất bại của bọn Pôn Pốt - Iêng Xary trước quân và dân Việt Nam trên tuyến biên giới đã kịp thời ra lời kêu gọi các lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia đứng lên đánh đổ bọn phản động, giải phóng đất nước. Mặt trận cũng đã “Thiết tha kêu gọi nhân dân và chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các đoàn thể quần chúng và các tổ chức dân chủ trên thế giới đang đấu tranh vì hoà bình, dân tộc, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội hãy tích cực ủng hộ và giúp đỡ mọi mặt cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân chúng tôi”[2].

Đáp ứng nguyện vọng thiết tha của quân và dân Campuchia, với quan điểm “Giúp bạn là tự giúp mình”, đồng thời cũng là để tiêu diệt tận gốc mầm tai họa xâm lăng từ phía biên giới Tây Nam của Tổ quốc, một số đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam được lệnh của Đảng và Chính phủ đã kề vai sát cánh với các lực lượng cách mạng Campuchia chiến đấu. Trong đó, Hải quân Nhân dân Việt Nam được lệnh mở hướng tiến công, bảo vệ bên sườn, phối hợp với binh chủng hợp thành tác chiến trên hướng ven biển, đảm nhiệm mũi tiến công đánh chiếm cảng Kompong Som, quân cảng Ream, làm chủ vùng biển, ven biển, cắt đứt con đường huyết mạch, chia cắt Đông Nam Campuchia, giải phóng đất đai, dân cư, sau đó truy quét tàn quân địch. Tiến hành cuộc đổ bộ đường biển Tà Lơn là một trong những hoạt động tác chiến nổi bật của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Bãi đổ bộ Tà Lơn dài khoảng 300m, nằm dưới chân núi Tà Lơn thuộc tỉnh Kampot cách thị xã Kampot khoảng 20km về phía Đông, cách cảng Kompong Som khoảng 90km về phía Tây. Địa hình, thời tiết, khí hậu thủy văn khu vực này rất phức tạp, không thuận lợi cho hoạt động tác chiến. Lực lượng địch trong khu vực có Sư đoàn 164 Hải quân và Trung đoàn 17 Biên phòng cùng các lực lượng thuộc đặc khu Kompong Som và tỉnh Koh Kong, với tổng quân số khoảng trên 5.000 tên, 172 tàu thuyền các loại, pháo mặt đất, súng cối, các trạm radar và hệ thống công sự, trận địa kiên cố.

Tàu HQ 501, thuộc Hạm đội 171 tiến vào khu vực đổ bộ giải phóng đảo KoKong, sáng 6-1-1979. Ảnh: Tư liệu

Tàu HQ 501, thuộc Hạm đội 171 tiến vào khu vực đổ bộ giải phóng đảo KoKong, sáng 6-1-1979. Ảnh: Tư liệu

Thực hiện kế hoạch tác chiến, 22 giờ ngày 6-1-1979, Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn bắt đầu. Lực lượng hải quân gồm 3 bộ phận: Lực lượng đánh chiếm bãi đổ bộ, chốt giữ đầu cầu chính, chặn địch phản kích, bảo đảm cho đội hình đổ bộ tiến về Bắc Kompong Som; lực lượng đổ bộ đánh chiếm địa hình có giá trị làm bàn đạp tiến công giải phóng Kompong Som; lực lượng dự bị sẵn sàng thay thế lực lượng chính, đổ bộ phát huy chiến quả. Phối hợp với hướng đổ bộ Tà Lơn, pháo tầm xa của Vùng 5 từ Phú Quốc, Hòn Đốc đồng loạt bắn chế áp trận địa hỏa lực của địch trên đất liền và các đảo trong khu vực, ngăn địch chi viện cho Tà Lơn.

Do ta giữ được bí mật nên cơ bản cuộc đổ bộ lên Tà Lơn thành công, chỉ một phần binh khí kỹ thuật gặp khó khăn, chậm tiến độ, phải điều chỉnh. Trong đêm 6, rạng sáng 7-1, khi các tàu và phương tiện đổ bộ tiến vào bờ, các biên đội tàu của Lữ đoàn 127, Hạm đội 171 chiến đấu quyết liệt với các nhóm tàu địch, bắn chìm, bắn cháy nhiều chiếc, đẩy lui các đợt phản kích của chúng, sau đó tổ chức chốt chặn, tuần tiễu vòng ngoài, bảo vệ an toàn hai bên sườn đội hình đổ bộ của ta. Để phân tán sự chú ý của địch, ta còn sử dụng tàu nghi binh tại khu vực Kompong Som, cơ động, pháo kích vào quân cảng Ream, tạo thuận lợi cho lực lượng đổ bộ chiến đấu lên bờ và phát triển tiến công. Sau khi chiếm được Tà Lơn, ta tiếp tục đổ bộ tiến công giải phóng cảng Kompong Som và quân cảng Ream.

Tuy nhiên, do địch phản kháng mạnh, lực lượng bộ binh lại đến muộn so với hiệp đồng, quá trình đổ bộ cũng gặp nhiều khó khăn tại bãi nên lực lượng đổ bộ hầu như phải độc lập chiến đấu và chịu tổn thất. Do vậy, ngày 7-1, Quân chủng Hải quân sử dụng lực lượng dự bị (2 tiểu đoàn của Lữ đoàn 101) thay thế các tiểu đoàn bị tổn thất của Lữ đoàn 126, tiếp tục đổ bộ lên Tà Lơn. Lực lượng này cùng với bộ phận đã lên bờ, đơn vị bạn cũng đã cơ động đến, với sự chi viện hỏa lực của không quân ta, Bộ đội Hải quân đã hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị bạn tiến công giải phóng toàn bộ thị xã và cảng Kompong Som, làm chủ toàn bộ khu vực quân cảng Ream vào ngày 10-1, kết thúc thắng lợi chiến dịch.

Kết quả, ta đánh bại và làm tan rã Sư đoàn 164 hải quân, Trung đoàn 17 biên phòng cùng các lực lượng địch phòng thủ trong khu vực; tiêu diệt, bắt sống hơn 2.800 tên; bắn chìm, bắn cháy, phá hủy gần 70 tàu thuyền, hàng trăm khẩu súng, pháo; thu nhiều đạn dược, phương tiện, vật tư chiến tranh; làm tan rã cơ bản lực lượng hải quân địch, giải phóng toàn bộ vùng biển, đảo và duyên hải Đông Nam Campuchia từ Tà Lơn đến quân cảng Ream, kéo sang phía Tây Kompong Som, với chiều dài gần 100km, chiều sâu hơn 30km.

(Còn tiếp)

Văn Đường

----------------------

[1]. Báo cáo tại Hội nghị Quân ủy Trung ương mở rộng ở TP. Hồ Chí Minh tháng 6-1977. Hồ sơ số 1022 Quân ủy Trung ương.

[2]. Tuyên bố của Ủy ban Trung ương Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ngày 02.12.1978 .

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN