Mô hình trồng táo của ông Lê Văn Là.
Khi Chủ tịch UBND xã Đại Hòa Lộc Trương Công Lý thông tin mô hình trồng táo của ông Ba Là, chúng tôi rất ngạc nhiên. Theo Chủ tịch UBND xã, ông Ba Là rất “kín tiếng” nên mô hình trồng táo của ông ít được người dân trong vùng biết đến. Được sự đồng ý của ông, chúng tôi cùng Chủ tịch UBND xã Đại Hòa Lộc đến tham quan mô hình này tại Tổ nhân dân tự quản số 3, ấp Mắc Miễu.
Ông Ba Là cho biết, từ mấy chục năm về trước, vùng đất này vốn dĩ là đất trồng lúa, chỉ sản xuất được 1 vụ và rất kém hiệu quả. Bà con đã dần chuyển sang các mô hình sản xuất khác như đào ao nuôi tôm công nghiệp, trồng cỏ chăn nuôi bò, dê, trồng dừa… Riêng ông Ba Là, qua nắm bắt và tìm tòi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài truyền hình, ông quan tâm đến mô hình trồng táo, vì theo ông, với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng của vùng đất này rất phù hợp cho cây táo sinh trưởng. Nghĩ là làm, từ diện tích đất trồng lúa hơn 1,4ha của gia đình, ông Ba Là mạnh dạn đầu tư trồng 600 gốc táo, đến nay, vườn táo của ông gần 30 năm tuổi. Khi chúng tôi đến, thời điểm này, vườn táo của ông đang trong giai đoạn “tái sinh” - sau khi kết thúc vụ, táo sẽ được cắt hết cành để tạo cành cho vụ mới.
Ông Ba Là cho biết, trong năm, táo cho trái từ tháng 5 đến tháng 11 (AL) và được tính là 2 vụ trong năm. Táo là loại cây trồng rất ít tốn công chăm sóc, phân thuốc, nhất là hạn chế tưới nước, ngay cả trong mùa nắng. Điều này rất phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay. Với 600 gốc táo, bình quân mỗi năm cho thu hoạch được hơn 30 tấn, giá dao động từ 40 - 70 ngàn đồng/ký, cho thu nhập khá cao.
“Táo của ông Ba Là trồng trên vùng đất này có độ giòn, ngọt, trái to được các thương lái ở ngoài huyện, tỉnh đến thu mua và đáp ứng được các tiêu chí cho xuất khẩu. Hiện nay, chúng tôi đang hướng dẫn ông xây dựng thương hiệu và đây cũng sẽ là sản phẩm OCOP của địa phương”, Chủ tịch UBND xã Đại Hòa Lộc Trương Công Lý cho biết thêm.
Là nông dân sản xuất giỏi của huyện và xã, ông Ba Là rất chịu khó, thích tìm tòi và thường xuyên đi tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả ở các tỉnh, thành trong nước. Khi chúng tôi đến, ông Ba Là cho biết, ông vừa cùng đứa con trai đi tham quan mô hình trồng táo ở tỉnh Ninh Thuận và một vài địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cây táo trong giai đoạn “tái sinh”, sau khi đâm cành thì tuyển chọn cành nào có sinh trưởng tốt, to khỏe thì nuôi dưỡng, bấm tàn, kéo tán, mỗi gốc chỉ để từ 2 - 3 cành. Kinh nghiệm của người trồng táo, cành táo không cao quá đầu người, thường những cành táo được “kéo” tán rộng ra, càng gần với mặt đất thì càng cho trái nhiều hơn, to hơn. Sau khi tham quan học hỏi và từ mùa vụ năm nay, ông đã quyết định áp dụng mô hình canh tác mới và đầu tư gần 500 triệu đồng để phủ lưới toàn diện tích táo trồng theo mô hình trong nhà kín. “Trồng theo mô hình này, năng suất và chất lượng sẽ cao gấp đôi, mẫu mã đẹp, trái to đáp ứng được nhu cầu thị trường”, ông Ba Là cho biết thêm.
Bài, ảnh: T. Lập