Mỹ dự định thành lập mạng lưới vệ tinh theo dõi vũ khí siêu thanh Nga, Trung Quốc

21/05/2020 - 20:37

Mỹ dự định phóng 150 vệ tinh có thể theo dõi vũ khí siêu thanh trong quỹ đạo từ 2024. Các nhà quan sát cho biết động thái này nhằm hỗ trợ Lầu năm Góc kiểm soát tài sản trong vũ trụ và theo sát hoạt động của Trung Quốc.

Mạng lưới vệ tinh sẽ giúp Mỹ chặn vũ khí do Trung Quốc và Nga phóng. Ảnh: AP

Mạng lưới vệ tinh sẽ giúp Mỹ chặn vũ khí do Trung Quốc và Nga phóng. Ảnh: AP 

Cơ quan Phát triển Vũ trụ Mỹ (SDA) trong tháng 5 đề xuất tìm kiếm một nhà thầu thiết kế và sản xuất 8 vệ tinh có cảm biến theo dõi được vũ khí siêu thanh.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết những vệ tinh này nằm trong kế hoạch của SDA cho đến năm 2022. Mục tiêu của cơ quan này là sở hữu hàng trăm vệ tinh hoạt động quỹ đạo thấp. Trong 2 năm tới, SDA dự kiến bổ sung thêm những vệ tinh tiên tiến hơn.

Trong khi đó, Cơ quan Phòng vệ Tên lửa Mỹ (MDA) vào tháng 2 đề nghị tìm kiếm nhà thầu có thể thiết kế và sản xuất tên lửa đánh chặn phòng vệ trước mối đe dọa từ vũ khí siêu thanh.

Chuyên gia He Qisong tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải đánh giá kế hoạch vệ tinh sẽ giúp quân đội Mỹ theo dõi những vũ khí được phát triển bởi hai đối thủ then chốt là Trung Quốc và Nga.

Ông He Qisong nói: “Mạng lưới 150 vệ tinh là một phần thuộc kế hoạch của Mỹ để phóng hơn 42.000 vệ tinh lên quỹ đạo và theo dõi mọi thứ, bao gồm vũ khí siêu thanh, tên lửa chống vệ tinh và những công nghệ tiên tiến khác mà Nga và Trung Quốc sở hữu”.

Ông He Qisong bổ sung: “Với hỗ trợ từ mạng lưới vệ tinh theo dõi của SDA, MDA sẽ có thêm cơ hội đánh chặn và hạ mọi vũ khí do Trung Quốc và Nga phóng đến”.

Công ty SpaceX dự kiến phóng hơn 42.000 vệ tinh lên quỹ đạo để thành lập dịch vụ mạng internet không dây có tên gọi Starlink.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bên cờ của Lực lượng Vũ trụ mới. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump bên cờ của Lực lượng Vũ trụ mới. Ảnh: Reuters 

Ông He Qisong nói SDA có thể hợp tác với SpaceX và điều này hỗ trợ Cơ quan Tên lửa Quốc phòng xây dựng hệ thống đánh chặn vũ khí. Ông He Qisong bổ sung rằng hệ thống vệ tinh SDA có thể nằm trong chiến lược phòng thủ tên lửa mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ năm 2019, kế hoạch có hơi hướng giống với dự án phòng không Star Wars do Tổng thống thứ 40 Ronald Reagan khởi xướng trong năm 1983 - đóng vai trò “khiên chắn” trên vũ trụ bảo vệ lãnh thổ Mỹ trước các cuộc tấn công hạt nhân. Mỹ khi đó còn cân nhắc đưa Liên Xô trở thành đối tác trong "Sáng kiến Quốc phòng Chiến lược", còn gọi là dự án Star Wars. Dự án này chính thức bị xóa sổ năm 1993 bởi công nghệ quá phức tạp và đòi hỏi chi phí tốn kém.

Vào tháng 12-2019, Mỹ đã thành lập Lực lượng Vũ trụ, một kế hoạch nằm trong mục tiêu của Tổng thống Trump nhằm lấy lại và duy trì vị thế trong vũ trụ.

SDA cũng được thành lập trong tháng 3-2019 nhằm đáp trả chỉ trích rằng quân đội Mỹ không theo kịp những cải tiến diễn ra trong ngành công nghiệp vũ trụ. SDA được trao thẩm quyền để giảm bớt các thủ tục và mua các công nghệ vũ trụ mang tính thương mại. SDA sẽ trở thành một phần của Lực lượng Vũ trụ từ tháng 10-2022.

Theo ông He Qisong, Lầu Năm Góc sẽ sở hữu thêm nhiều vệ tinh do các công ty dân sự phát triển để tăng cường kiểm soát. Trong ngày 6-5, chính quyền Tổng thống Mỹ Trump đã đề xuất khai thác Mặt Trăng dựa trên thỏa thuận hợp tác quốc tế do Mỹ tài trợ có tên Hiệp ước Artemis. Tuy nhiên, cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga lại không phải là đối tác sớm của Hiệp ước này.

Nguồn: Báo Tin tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN