Mỹ hối thúc EU ngừng dự án Dòng chảy phương Bắc 2

05/12/2020 - 22:16

Mỹ đang kêu gọi Đức và Liên minh châu Âu (EU) ngừng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đưa khí đốt trực tiếp từ Nga tới Đức mà Washington coi là "công cụ chính trị" của Moskva.

Công trình lắp đặt đường ống trong dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" tại Lubmin, miền Đông Bắc Đức ngày 26-3-2019. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Công trình lắp đặt đường ống trong dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" tại Lubmin, miền Đông Bắc Đức ngày 26-3-2019. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu trên báo Handelsblatt của Đức ngày 5-12, quyền Đại sứ Mỹ tại Đức Robin Quinville nhấn mạnh: "Đã đến lúc Đức và EU cần áp đặt lệnh cấm xây dựng đường ống...". Theo Washington, đây không chỉ là một dự án kinh tế dơn thuần mà có thể là công cụ chính trị của Moskva, tiềm ẩn nguy cơ gây chia rẽ châu Âu. 

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 là đường ống trị giá 10 tỷ euro (khoảng11 tỷ USD) gần như sắp hoàn thiện dưới Biển Baltic và được xây dựng nhằm tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên vận chuyển từ Nga tới Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Từ lâu, Mỹ đã chỉ trích các quốc gia châu Âu phụ thuộc vào năng lượng từ Nga, đồng thời ban bố các biện pháp trừng phạt liên quan dự án trên. Dự án đã bị đình lại khoảng một năm trước, song việc xây dựng sẽ được tiếp tục vào cuối tuần này. Dự án hiện chỉ còn khoảng 6% trong tổng chiều dài 1.200 km của đường ống còn dang dở.

Ngoài tập đoàn khổng lồ Gazprom của Nga, các công ty quốc tế tham gia dự án bao gồm nhiều "ông lớn" của châu Âu như Wintershall và Uniper của Đức, Shell của Anh và Hà Lan, Engie của Pháp và OMV của Áo.

Quốc hội lưỡng viện Mỹ đã thông qua dự thảo ngân sách quốc phòng năm 2021, trong đó có các biện pháp trừng phạt mới đối với việc lắp đặt tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2. Các biện pháp mở rộng này được đưa vào dự luật về ngân sách quốc phòng của Mỹ. Các biện pháp này áp đặt hạn chế đối với các công ty bảo hiểm và tổ chức chứng nhận. Ngoài ra, các công ty cung cấp dịch vụ hiện đại hóa hoặc lắp đặt thiết bị hàn trên các tàu tham gia lắp đặt dự án cũng bị trừng phạt. Tổng thống Mỹ có thể bãi bỏ các biện pháp trừng phạt đối với một công ty cụ thể nếu nó liên quan đến lợi ích quốc gia.

Trong khi đó, chuyên gia phân tích Yuriy Korolchuk thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược của Ukraine cho rằng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn thành có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến Kiev, vì vận chuyển khí đốt của Nga qua đường ống ở Ukraine có thể giảm đáng kể.

Theo chuyên gia này, việc hoàn tất dự án sẽ đóng vòng vây khí đốt ở châu Âu và đảm bảo khí đốt cho các nước trước đây không được Dòng chảy phương Bắc hay Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ bao phủ. Do đó, vấn đề khí đốt sẽ được giải quyết cho CH Séc, Hungary và Italy. Trong điều kiện như vậy, việc vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine sẽ là "thừa". Và khối lượng chuyển tải có thể không đủ cung cấp ngay cả cho công ty Hệ thống chuyển tài khí đốt Ukraine.

Chuyên gia này dự kiến Dòng chảy phương Bắc 2 có thể hoàn công vào tháng 4 – 6-2021, vì 93% dự án đã hoàn thành.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN