Nam Phi hủy bỏ 2 triệu liều vaccine COVID-19 do sự cố nhiễm bẩn

14/06/2021 - 12:46

Giới chức Nam Phi tuyên bố vứt bỏ 2 triệu liều vaccine Johson & Johnson sau khi nguyên liệu sản xuất vaccine tại một nhà máy sản xuất ở Baltimore (Mỹ) gặp sự cố nhiễm bẩn.

Nam Phi vứt bỏ 2 triệu liều vaccine COVID-19 do sự cố nhiễm bẩn. Ảnh: Reuters

Nam Phi vứt bỏ 2 triệu liều vaccine COVID-19 do sự cố nhiễm bẩn. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin RT (Nga), Cơ quan Quản lý Sản phẩm Y tế Nam Phi (SAHPRA) đã quyết định không triển khai tiêm chủng đối với 2 triệu liều vaccine Johnson & Johnson đang được lưu trữ tại một cơ sở ở thành phố Gqeberha, vì nguyên liệu sản xuất chúng đã bị ảnh hưởng bởi sự cố nhiễm bẩn tại nhà máy ở Baltimore (Mỹ).

Quyết định này được đưa ra sau khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết hàng triệu liều vaccine được sản xuất tại cơ sở Emergent BioSolutions của Johnson & Johnson tại thành phố Baltimore của nước này không phù hợp để sử dụng. 

“Dựa trên những gì đã được FDA công bố, các lô vaccine đang được lưu trữ tại Gqeberha của chúng tôi đã bị ảnh hưởng. Các lô vaccine này tương ứng khoảng 2 triệu liều", Quyền Bộ trưởng Y tế Nam Phi Mmamoloko Kubayi-Ngubane nói hôm 13-6. 

Bà cho biết thêm rằng những liều vaccine này chưa và sẽ không được sử dụng để tiêm chủng cho người Nam Phi. Giám đốc điều hành SAHPRA, Tiến sĩ Boitumelo Semete, cũng xác nhận lô vaccine này "không thể được phân phối rộng rãi." 

Trong khi đó, cơ quan giám sát y tế Nam Phi cho hay trong một tuyên bố rằng một lô mới gồm khoảng 300.000 liều vaccine COVID-19 của hãng Johnson & Johnson đã được FDA chấp thuận và sẽ được chuyển đến Nam Phi vào một thời điểm nào đó. Cơ quan này không tiết lộ chính xác ngày các lô hàng được chuyển đến. Tuy nhiên, ông Semete thừa nhận rằng sự cố với vaccine của Johnson & Johnson đã có tác động tiêu cực đáng kể đến chiến lược triển khai vaccine của Nam Phi. 

Tính đến ngày 13-6, Nam Phi, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 ở châu Phi, đã ghi nhận khoảng 1,7 triệu ca mắc COVID-19 và trên 57.000 ca tử vong. Tuy nhiên, đất nước có số dân khoảng 58,5 triệu người mới chỉ tiêm 183.000 liều vaccine cho người dân, tính ngày 9-6, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Nam Phi cũng là một trong những quốc gia đang vận động từ bỏ bằng sáng chế đối với vaccine COVID-19 để cho phép tất cả quốc gia sản xuất các phiên bản chung với chi phí thấp.

"Nếu muốn cứu người và chấm dứt đại dịch, chúng ta cần mở rộng và đa dạng hóa sản xuất, đưa các sản phẩm y tế vào điều trị, chống lại và ngăn chặn đại dịch cho càng nhiều người càng tốt", Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nói tại cuộc họp với các nước G7 ở Anh hôm 13-6.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN