|
Bia tiến sĩ ở Văn miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: ST |
Theo thư tịch cổ hiện được bảo tồn tại thư viện Hán Nôm, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam thì Văn miếu được xây dựng từ đời vua Lý Thái Tổ niên hiệu Thuận Thiên (1010) tại kinh thành Thăng Long nước Đại Việt.
Năm 1070, vua Lý Thánh Tông lấy Văn miếu làm nơi dạy hoc cho thái tử. Năm 1076, vua Lý Nhân Tông chính thức thành lập Quốc Tử Giám. Từ cái mốc lịch sử ấy, trường học cao nhất của dân tộc ta ra đời.
Đến đời Trần, năm 1236, Trần Thái Tông đổi Quốc Tử Giám thành Quốc Tử Viện để dạy con em nhà vua và con em các quan văn. Năm 1243, lại đổi về tên Quốc Tử Giám, nhưng phải đến năm 1252, con em các nhà thường dân mà tuấn tú mới được đặc cách vào học ở đây cùng với con cái vua quan. Năm 1257, nơi này mang tên mới là Quốc Học Viện. Sang đầu đời Lê lại đổi thành Thái Học Đường.
Mặc dầu từ sau khi thành lập Quốc Tử Giám (1076), các triều đại tiếp theo có đổi tên, nơi này vẫn là cơ quan Đại học duy nhất của cả nước, đào tạo nhiều người có học vị cao cấp và cũng là nơi thường kỳ tiến hành các buổi bình văn, thu hút đông đảo các nho sĩ nổi tiếng cả kinh thành.
Chứng tích ghi nhận học vị là những tấm bia tiến sĩ.
Vào niên hiệu Hồng Đức năm 1482, Lê Thánh Tông, một ông vua nổi tiếng về văn học, vị nguyên súy Tao Đàn về cả hai phương diện thơ văn bác học và Quốc Âm, là người đầu tiên đã cho dựng bia để khắc tên những người đỗ tiến sĩ từ khoa thi năm 1442.
Từ khoa thi ấy đến khoa thi năm 1789; nghĩa là trải qua các đời Lý, Trần, Lê, Mạc (không kể Nguyễn), tổng số khoa thi là 149 với 2.413 tiến sĩ. Thông lệ mỗi khoa dựng một bia, vậy hiện thời chỉ còn 82 bia.
Trong số những người thi đỗ, không kể một số người chìm đắm vào vũng bùn quan trường, số vinh thân phì gia, lại có bao nhiêu người đỗ cao rồi về ở ẩn, làm nghề dạy học đào tạo nên thế hệ hậu sinh yêu nước thương dân; phải kể đến nhiều danh nhân từng cống hiến lớn lao vào lịch sử vẻ vang của dân tộc, trong đó có nhà toán học Lương Thế Vinh, nhà bác học Lê Quý Đôn, nhà sử học Ngô Sĩ Liên, nhà chính trị học, quân sự học, văn học Ngô Thì Nhậm…
Nói đến Văn miếu Quốc Tử Giám với những di vật quý giá là các bia tiến sĩ, không thể không nhắc đến những người có công lao tu sửa và xây dựng 21 tấm bia tiến sĩ.
Người ấy là Nguyễn Quý Đức. Ông sinh năm 1646 trong một gia đình nghèo có học ở làng Thiên Mỗ, nay là Đại Mỗ, huyện Từ Liêm (Hà Nội). Cha làm nghề bán dầu tháp (dầu ta), mẹ làm ruộng. Ông húy là Tộ, tự là Thế Nhân, hiệu là Đường Thiên. Từ nhỏ, Đức đã siêng năng học tập và có tiếng là trò giỏi, con ngoan. Năm Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Trị (1676) đỗ Thám Hoa, năm Chính Hòa 12 (1691) được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc đàm phán. Rồi làm quan đến Thượng thư Bộ lại, kiêm Đông Các đại học sĩ tước Liễm Quận công. Năm Chính Hòa 18 (1697), ông được vua Lê Hi Tông giao cho cùng Lê Hi Toàn tu bổ lại Quốc Tử Giám và biên soạn sách bản kỷ tục biên. Khi mất (1720) ông được tặng Thái Tể, phong làm phúc thần thờ tại đền Đại Mỗ.
Sự nghiệp trước thuật và chấn hưng sử học, văn học và giáo dục của Nguyễn Đức Quý thật khá rạng rỡ, phụ trách làm Quốc Sử, ông đã thể hiện một phương pháp khoa học đúng đắn, rõ ràng và nghiêm túc. Đề tựa sách Việt sử thì chặt chẽ. Về thơ ông có Thi Châu tập, Hoa Trình thi tập và Quốc Âm thi tập. Trong đó, Hoa Trình thi tập biểu lộ tư tưởng yêu nước nồng nàn, tinh thần tự hào dân tộc sâu sắc. Còn tập thơ Quốc Âm (làm sau khi về trí sĩ), lại đậm đà tình yêu quê hương và nhân dân lao động nghèo khổ, đặc biệt có nhiều bài thơ viết về người phụ nữ rất cảm động.
Trong suốt thời gian đứng đầu Quốc Tử Giám, bên cạnh việc chú ý lựa chọn nhân tài giúp ích cho đất nước, ông đã dồn tâm sức vào tu sửa nơi đây với quy mô to lớn hơn: xây điện Đại Thành và hai bên tả hữu vu, Nhà nước bấy giờ cấp cho có 1.000 quan tiền, ông đã đi vận động quyên góp để hoàn thành việc lớn. Rồi năm 1717, ông lại đứng ra trông coi việc dựng 21 tấm bia tiến sĩ để khỏi mai một tên tuổi những người thi đỗ trong suốt 21 khoa thi, từ khoa Bính Thân, niên hiệu Thịnh Đức 4, đời Lê Thần Tông (1656) đến khoa Ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh 11, đời Lê Dụ Tông (1715).
Hiện ở Văn miếu Quốc Tử Giám còn 21 tấm bia trên và tên tuổi ông Nguyễn Đức Quý vẫn còn đó, mãi mãi gắn liền với di tích lịch sử văn hóa quan trọng này giữa lòng Thủ đô Hà Hội – ngàn năm vạn vật đất Thăng Long.