Những vấn đề cần lưu ý khi tham gia chơi hụi

24/05/2020 - 21:30

BDK - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều trường hợp bể hụi, dẫn đến hậu quả xấu về kinh tế và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự địa phương. Người làm chủ hụi đa dạng và người tham gia chơi hụi (hụi viên) cũng có nhiều thành phần khác nhau.

Các giấy tờ, đơn yêu cầu giải quyết nợ hụi của người dân xã Tiên Long.  Ảnh: H. Đức

Các giấy tờ, đơn yêu cầu giải quyết nợ hụi của người dân xã Tiên Long.  Ảnh: H. Đức

Thường chủ hụi không có sổ ghi chép rõ ràng, hụi viên không có sổ sách hoặc biên nhận chứng minh việc họ đã đóng tiền cho chủ hụi. Do vậy, đến khi bể hụi, khả năng thu hồi số tiền của hụi viên đã đóng cho chủ hụi rất mong manh.

Pháp luật dân sự đã có những quy định rõ về hụi. Trong đó, nghiêm cấm việc tổ chức hụi để cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo quy định tại Điều 471 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định về họ, hụi, biêu, phường: Hụi là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh hụi và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

Điều 3 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19-2-2019 của Chính phủ quy định về nguyên tắc tổ chức hụi như sau: Việc tổ chức hụi phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật Dân sự. Việc tổ chức hụi chỉ được thực hiện nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia quan hệ về hụi. Không được tổ chức hụi để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Về hình thức thỏa thuận dây hụi, Điều 7 Nghị định số 19/NĐ-CP quy định: Thỏa thuận về dây hụi phải được được thể hiện bằng văn bản và được công chứng, chứng thực nếu hụi viên yêu cầu.

Về nội dung của văn bản thỏa thuận dây hụi, Điều 8 Nghị định số 19/NĐ-CP quy định phải đảm bảo những nội dung sau: Họ, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu; ngày, tháng, năm sinh; nơi cư trú của chủ hụi (nơi chủ hụi thường xuyên sinh sống hoặc nơi đang sinh sống nếu không xác định được nơi thường xuyên sinh sống); số lượng thành viên, họ, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của từng thành viên; phần hụi; thời gian diễn ra dây hụi, kỳ mở hụi; thể thức góp hụi, lĩnh hụi.

Ngoài các nội dung được quy định trên, văn bản thỏa thuận về dây hụi có thể có những nội dung như sau: Mức hưởng hoa hồng của chủ hụi trong hụi hưởng hoa hồng. Lãi suất trong hụi có lãi. Trách nhiệm ký quỹ hoặc biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác của chủ hụi. Việc chuyển giao phần hụi. Gia nhập, rút khỏi, chấm dứt dây hụi. Trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ. Nội dung khác theo thỏa thuận.

Mặt khác, Luật cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của thành viên, chủ hụi. Luật quy định việc ghi chép sổ hụi, về giấy biên nhận, thông báo về việc tổ chức dây hụi để góp phần ngăn chăn việc làm “hụi ma” nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Điều 12 Nghị định số 19/NĐ-CP quy định về sổ hụi như sau: Chủ hụi phải lập và giữ sổ hụi, trừ trường hợp có thỏa thuận về việc một thành viên lập và giữ sổ hụi. Trường hợp dây hụi không có chủ hụi thì các thành viên thỏa thuận giao cho một thành viên lập và giữ sổ hụi.

Sổ hụi có các nội dung như sau: Các nội dung của thỏa thuận về dây hụi quy định tại Khoản 1 Điều 8 của Nghị định này. Ngày góp phần hụi, số tiền đã góp hụi của từng thành viên. Ngày lĩnh hụi, số tiền đã lĩnh hụi của thành viên lĩnh hụi. Chữ ký hoặc điểm chỉ của thành viên khi góp hụi và lĩnh hụi. Các nội dung khác liên quan đến hoạt động của dây hụi.

Luật quy định, khi góp hụi, lĩnh hụi, nhận lãi, trả lãi hoặc thực hiện giao dịch khác có liên quan thì thành viên có quyền yêu cầu chủ hụi hoặc người lập và giữ sổ hụi cấp giấy biên nhận về việc đó.

Ngoài ra, Luật cũng quy định việc thông báo về việc tổ chức dây hụi (Điều 14 Nghị định số 19/NĐ-CP). Theo đó, chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi khi thuộc một trong các trường hợp sau: Tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên. Tổ chức từ hai dây hụi trở lên.

Về nội dung văn bản thông báo, phải đảm bảo các yếu tố sau: Họ, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của chủ hụi. Thời gian bắt đầu và kết thúc dây hụi. Tổng giá trị các phần hụi tại kỳ mở hụi. Tổng số thành viên.

Trong trường hợp có thay đổi về dây hụi đã thông báo thì chủ hụi phải thông báo bổ sung bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc thay đổi đó. Luật quy định, nếu chủ hụi không thực hiện nghĩa vụ thông báo việc tổ chức dây hụi cho UBND cấp xã thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.

H.Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN