BDK.VN - Chiều 6-12-2024, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Dịch vụ và Công nghệ Môi trường (đơn vị tư vấn) tổ chức hội thảo khoa học “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa (RTN), RTN đại dương tỉnh”, với sự tham dự của đại diện Công an tỉnh; đại diện một số sở, ngành tỉnh; chuyên viên Phòng TN&MT các huyện, thành phố phụ trách lĩnh vực chất thải rắn, lãnh đạo các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.
Trung tâm Nghiên cứu Dịch vụ và Công nghệ môi trường đã trình bày các báo cáo: “Đánh giá hiện trạng phát sinh RTN, RTN đại dương tỉnh và đề xuất các giải pháp giảm thiểu RTN ở tỉnh”. Báo cáo “Đánh giá hiện trạng vi nhựa trong nước biển và trầm tích ven biển tỉnh, đề xuất các giải pháp kiểm soát vi nhựa”. Báo cáo “Dự báo khối lượng RTN, RTN đại dương đến năm 2030”. Báo cáo “Nghiên cứu và đánh giá tác động RTN, RTN đại dương đến các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh: Kinh tế vườn - kinh tế biển - du lịch”.
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Dịch vụ và Công nghệ môi trường, hiện trạng phát sinh RTN chủ yếu từ chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) từ các hộ gia đình, cơ quan, trường học, các cơ sở y tế, khu dịch vụ nhà hàng, khách sạn, chợ, khu vực công cộng, khu cụm công nghiệp,…
Tổng khối lượng RTN phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 74,44 tấn/ngày.
Trong đó, ở đô thị 28,19 tấn/ngày, chiếm khoảng 37,87% lượng RTN toàn tỉnh; nông thôn 46,25 tấn/ngày, chiếm khoảng 62,13% lượng RTN toàn tỉnh.
RTN thu gom, tái chế chiếm khoảng 10%, phần còn lại được chôn lấp tại các bãi rác. Hiện RTN chưa được phân loại tốt và lẫn vào trong rác thải sinh hoạt. Rác thải sinh hoạt thông thường được xử lý và đốt phát thải là chủ yếu.
Điều này dẫn đến các tác động xấu đến môi trường và đời sống con người như: Phát thải vi nhựa ra môi trường, làm tổn hại cấu trúc và đặc tính của đất, động thực vật, gây ô nhiễm nguồn nước và không khí. Các tác động này ngày càng rõ rệt và ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khoẻ người dân.
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Vấn đề quan tâm được đặt ra là những năm gần đây cùng với sự phát triển của ngành du lịch, công nghiệp, nông nghiệp và quá trình đô thị hoá trên địa bàn tỉnh, lượng RTN phát sinh ngày càng lớn, gây áp lực lớn cho việc thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh.
Hiện quy trình xử lý rác thải còn nhiều lỗ hổng, quy trình công nghệ xử lý RTN còn lạc hậu, hiệu suất kém, chưa được xử lý, phân loại, tái sử dụng một các triệt để.
Bên cạnh đó, ô nhiễm RTN còn do người dân chưa thật sự quan tâm đến việc phân loại RTN; việc phân loại hay vứt ra đúng nơi quy định chưa được ngành giáo dục sát sao nghiêm khắc.
Phó giám đốc Sở TN&MT Võ Văn Ngoan phát biểu tại hội thảo.
Theo Phó giám đốc Sở TN&MT Võ Văn Ngoan, Bến Tre nổi bật với ba ngành kinh tế mũi nhọn: Kinh tế vườn, kinh tế biển và du lịch.
Tuy nhiên, sự gia tăng RTN đã gây ra các tác động tiêu cực. Đặc biệt, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững các ngành này.
Vì vậy, việc đánh giá tác động của RTN đến các lĩnh vực này là rất cần thiết để xây dựng các giải pháp quản lý bền vững. Nghiên cứu đã sử dụng các phương pháp khảo sát và phân tích để đánh giá nguồn gốc, mức độ ảnh hưởng và đặc điểm của RTN tại Bến Tre.
Kết quả ghi nhận, trong kinh tế vườn, RTN như: Bao bì phân bón, màng phủ đất làm giảm chất lượng đất và năng suất cây trồng.
Trong kinh tế biển, ngư cụ nhựa, bao bì thủy sản và rác thải từ vận tải hàng hải gây hại cho sinh vật biển, làm giảm sản lượng thủy sản.
Trong du lịch, RTN như: Chai lọ, túi nilon và dụng cụ dùng một lần làm mất mỹ quan, giảm sức hấp dẫn của các điểm đến. RTN chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại rác được khảo sát.
Nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp như: Tăng cường quản lý, thu gom rác hiệu quả, thúc đẩy tái chế và giảm thiểu rác nhựa rò rỉ ra môi trường…
“Nhiệm vụ đánh giá thực trạng nguồn phát sinh, công tác quản lý và tác động của RTN, RTN đại dương đến sự phát triển các ngành mũi nhọn của tỉnh, dự báo khối lượng RTN, RTN đại dương phát sinh đến năm 2030 để làm cơ sở đề xuất các giải pháp giải quyết vấn đề về RTN, RTN đại dương gắn với phát triển kinh tế tuần hoàn tỉnh giai đoạn 2025 - 2030, thực thi có hiệu quả giảm thiểu RTN theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường”, Theo Phó giám đốc Sở TN&MT Võ Văn Ngoan nhấn mạnh.