Phát huy bài học “tạo lực, hợp lực” trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945

19/08/2011 - 08:06

Khi đánh giá ý nghĩa to lớn mang tính dân tộc, tính giai cấp, tính thời đại, tính quốc tế của Cách mạng tháng Tám, Hồ Chủ tịch đã khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

Trong rất nhiều bài học kinh nghiệm vô giá được đúc kết từ thành công của Cách mạng tháng Tám có bài học về nghệ thuật “tạo lực, hợp lực”, tư tưởng đại đoàn kết và vai trò công tác vận động quần chúng để thực sự cách mạng là sự nghiệp của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thu hoạch lúa ở xã Giao Hòa (Châu Thành). Ảnh: H.Hiệp

 

Từ bài học “tạo lực, hợp lực” để tạo sức mạnh tổng hợp

Trong đường lối cách mạng của Đảng xuyên suốt từ trước đến nay, tạo lực và hợp lực để xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng, củng cố nền tảng công-nông-binh, trí thức luôn được quan tâm hàng đầu. Lực là sức mạnh của tinh thần và vật chất, hợp lực là phát huy sức mạnh tổng hợp của từng người, từng giới, từng đơn vị, địa phương và cả nước, là kết hợp sức mạnh toàn quân toàn dân, sức mạnh của dân tộc kết hợp sức mạnh của thời đại, sức mạnh của truyền thống và sức mạnh của chính nghĩa. Cách mạng tháng Tám thành công còn bắt nguồn từ tài năng thao lược lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, kết hợp sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Trong Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa gửi đến đồng bào cả nước, Hồ Chủ tịch đã khẳng định và hiệu triệu: “Vì có đoàn kết mới có lực lượng, có lực lượng mới giành được độc lập tự do… Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Thực dân Pháp xâm lược nước ta từ năm 1858. Nhiều phong trào yêu nước do sĩ phu, trí thức lãnh đạo đều bị thực dân khủng bố, dìm trong bể máu. Khai thác thuộc địa, thực hiện chính sách ngu dân, đặt ra vô vàn thứ thuế vô lý là cách mà thực dân Pháp dùng để cai trị người Việt Nam và các nước thuộc địa khác. Thâm độc hơn, thực dân Pháp chia nước ta làm ba miền với ý đồ “chia để trị”, lại bắt người Việt Nam đi làm lính đánh thuê ở các nước, các châu lục khác. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930 đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ và tất yếu của giai cấp công nhân Việt Nam gắn với quá trình vận động đi lên của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sau 30 năm (1911-1941) đi tìm đường cứu nước đã trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đấu tranh gian khổ, vượt qua thử thách, chuẩn bị những tiền đề quan trọng cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám. Chỉ với hơn 15 ngày, Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám thành công trên phạm vi cả nước. Lịch sử dân tộc bước sang trang mới. Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

“Độc lập cho dân tộc, ruộng đất cho dân cày” là khẩu hiệu hành động của cách mạng. Nhân dân Bến Tre mà chủ yếu là nông dân đã từng bước giác ngộ cách mạng và trở thành lực lượng cách mạng. Với tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, ngày 25-8-1945, khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám tại Bến Tre đã thành công, Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh ra mắt đồng bào vào sáng ngày 26-8-1945 tại Sân vận động tỉnh.

15 năm sau (năm 1960), bài học “tạo lực, hợp lực” trong Cách mạng tháng Tám đã được Đảng bộ và nhân dân Bến Tre vận dụng sáng tạo và thành công trong phong trào Đồng Khởi năm 1960. Lúc đó, lực chủ yếu là sức mạnh tinh thần, sự đoàn kết đồng tâm hiệp lực của quần chúng cách mạng với hình thức đấu tranh chính trị, dùng mưu dùng kế đánh địch, lấy súng giặc diệt giặc, dùng nghi binh và chiến thuật binh vận để giành thắng lợi. Đó chính là thực hiện thành công phương châm hành động hình thành thế trận “hai chân, ba mũi”, trong đó lấy lực lượng đấu tranh chính trị của quần chúng làm nòng cốt, tạo động lực khởi đầu cho phong trào nổi dậy đồng loạt. Lực lượng cách mạng thêm mạnh khi các đội vũ trang hình thành trên cơ sở tự lực cánh sinh là chính, lấy súng giặc diệt giặc. Hoạt động trên mặt trận binh vận, địch vận làm phân hóa kẻ thù, khai thác kịp thời thông tin nội tuyến để có cách thức giữ gìn lực lượng, phòng ngự chủ động và khi thời cơ đến tiến công, tiến công địch liên tục để đạt cho kỳ được mục tiêu cách mạng đề ra.

Đến việc vận dụng bài học “tạo lực, hợp lực” trong thế trận hôm nay

Qua bài học “tạo lực, hợp lực” hay “ba mũi giáp công” được tổng kết từ phong trào Đồng Khởi, Tỉnh ủy Bến Tre khi phát động phong trào “Đồng Khởi mới” luôn quan tâm đến việc vận dụng bài học này trong điều kiện hoàn cảnh mới trên từng lĩnh vực. Xu thế hội nhập quốc tế và khu vực tạo điều kiện cho quê hương xứ Dừa thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Chính sách thông thoáng của Nhà nước tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển nhanh, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng khá cùng với các hoạt động trao đổi thương mại, hợp tác quốc tế, mở rộng dịch vụ du lịch, tăng cường đối ngoại nhân dân… Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, cùng với cả nước, nhân dân Bến Tre đang tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, bài học “tạo lực, hợp lực” càng được phát huy hiệu quả hơn. Nông nghiệp, nông dân và nông thôn là ba vấn đề nằm trong khái niệm tổng thể “tam nông”. Cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp cũng đồng thời mang đến cho người nông dân tài sản, quyền sống, quyền lao động sản xuất với tư cách người làm chủ. Người nông dân là chủ thể của sản xuất nông nghiệp và không gian văn hóa nông thôn. Người nông dân Bến Tre theo Đảng làm cách mạng và trở thành lực lượng chính trị quan trọng, từng bước trưởng thành khi chuyển hóa mang bản chất giai cấp công nhân. Vừa qua, Tỉnh ủy Bến Tre ban hành Nghị quyết số 03 về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến 2020, nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của vấn đề “tam nông”, không chỉ là đặc biệt quan tâm công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn mà cả vấn đề nâng cao chất lượng sống về vật chất, tinh thần, văn hóa đối với nông dân. Xưa kia, các thế hệ cha ông khai hoang, lập nghiệp trên mảnh đất ba dải cù lao, đã đặt tên cho quê hương là Bến Tre. Những xóm làng bình yên có lũy tre xanh bao bọc chống bão giông. Nơi ấy sinh ra những vị anh hùng, danh nhân. Nơi ấy tre làng trở thành vũ khí lợi hại cùng con người đánh giặc. Người nông dân làm ra lúa gạo, sáng tạo các món ăn truyền thống mang hồn Việt. Người nông dân có lúc xếp cuốc cày, tạm gác nghề nông để lên đường tranh đấu. Bàn tay cầm cuốc cũng là bàn tay cầm súng diệt thù, bảo vệ non sông. Người nông dân cũng là chủ thể của sáng tạo văn hóa. Trong tín ngưỡng, tâm thức người Việt Nam luôn ghi tạc lòng biết ơn với bậc “Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ”, bởi “cây có cội, nước có nguồn”. Cho đến tận bây giờ, người Bến Tre luôn kính cẩn khi bước vào đình làng, Đền thờ các anh hùng liệt sĩ vị quốc vong thân. Nông nghiệp tại Bến Tre tiếp tục duy trì bước tăng trưởng khá nhờ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn đúng hướng. Sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa thủy sản, cây trái không ngừng tăng về sản lượng, nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, tăng cường sức tiêu thụ trong nước và phục vụ xuất khẩu. Quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tại Bến Tre có nhiều chuyển biến đáng mừng. Tỉ trọng kinh tế nông - lâm - thủy sản có xu hướng giảm dần trong quá trình tăng dần tỉ trọng kinh tế công nghiệp - xây dựng - thương mại - dịch vụ. Bộ phận nông dân chuyển sang làm công nghiệp và dịch vụ ngày càng nhiều. Bằng các chính sách hỗ trợ vốn, tăng cường khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra giống mới năng suất cao, độ rủi ro thấp, sản phẩm nghề nông tại địa phương đã và đang tiếp tục khẳng định thương hiệu hàng hóa, giữ vững và mở rộng thị trường…

Hợp lực trong thế trận bảo vệ quốc phòng - an ninh trong giai đoạn cách mạng hiện nay là thực hiện chiến thuật “phòng ngự trong thế công” được đúc kết từ phong trào Đồng Khởi năm 1960. Đó chính là sự hợp lực của các lực lượng vũ trang và toàn dân, của bộ đội - công an - bộ đội biên phòng, của nghệ thuật quân sự Việt Nam và kinh nghiệm đấu tranh và nổi dậy của người dân Bến Tre trong kháng chiến. Gắn bó với nhân dân, vì hạnh phúc của nhân dân. Đặc biệt, Chiến lược Biển của Đảng, Nhà nước đã và đang đặt ra những nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển, bảo vệ chủ quyền lãnh hải Tổ quốc, bảo vệ nguồn tài nguyên quí giá nhiều tiềm năng phát triển kinh tế Bến Tre về thủy sản, du lịch, năng lượng. Do vậy, các lực lượng vũ trang địa phương có kế hoạch triển khai hiệu quả Đề án tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ Biển…

Bài học về “tạo lực, hợp lực” trong Cách mạng tháng Tám chính là bài học về đoàn kết và sức mạnh đoàn kết, là bài học về hiệu quả công tác dân vận, phụ vận, thanh vận để toàn dân tham gia việc nước. Đoàn kết, hợp lực tạo ra hiệu quả thực tiễn. Bài học quý báu đó đã và đang được Đảng bộ và nhân dân Bến Tre kế thừa và phát triển trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động quần chúng trong tình hình mới khẳng định: “Công tác quần chúng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng; là khâu đầu tiên quyết định hiệu quả của mọi phong trào; là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững an ninh - quốc phòng tại địa phương”.

Thanh Chiến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN