Nhà luyện tập thể thao xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm hoạt động hiệu quả.
Cơ sở vật chất văn hóa
Qua nhiều năm xây dựng và phát triển, đến nay, hệ thống thiết chế VH đã phủ khắp các địa phương từ tỉnh đến ấp. Theo thống kê của ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VH,TT&DL), toàn tỉnh có 968 ấp, khu phố thuộc 157 xã, phường, thị trấn. Hiện tại, có 257 thiết chế văn hóa - thể thao (VH-TT) ấp (đạt 100 chỗ ngồi) đi vào hoạt động. Năm 2020, ngành tiếp tục đề xuất và được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ kinh phí nâng cấp, sửa chữa 40 thiết chế VH-TT ấp. Dự kiến, cuối năm 2020, toàn tỉnh có 297 ấp thuộc các xã nông thôn mới (NTM) trong tỉnh có các thiết chế VH (tỷ lệ 33,64%). 968/968 ấp, khu phố đều được UBND xã quyết định thành lập Ban chủ nhiệm để đảm bảo điều hành hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của thiết chế VH-TT và làm cơ sở hưởng phụ cấp kiêm nhiệm theo quy định.
Đối với thiết chế VH-TT cấp xã, toàn tỉnh có 49/142 xã NTM có cơ sở vật chất đảm bảo cho Trung tâm VH-TT và Học tập cộng đồng (HTCĐ). Các xã chưa xây dựng NTM, mặc dù chưa có thiết chế VH-TT cấp xã đạt chuẩn (hội trường trên 200 chỗ ngồi và 5 phòng chức năng), nhưng đều khắc phục khó khăn, tạm thời sử dụng hội trường VH đã có làm Trung tâm VH-TT và HTCĐ để tổ chức các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ quy định. Các phường văn minh đô thị và thị trấn VH không có diện tích xây dựng thiết chế VH-TT đạt chuẩn, được bố trí liên kết sử dụng chung với các thiết chế VH-TT cấp tỉnh, huyện đóng trên địa bàn hoặc sử dụng liên phường, xã.
Tại cuộc làm việc thông tin với Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh gần đây, Phó giám đốc Sở VH,TT&DL Trần Thị Kiều Tôn đã đánh giá, bước đầu hoạt động sự nghiệp VH-TT, truyền thanh ở cấp xã có khởi sắc, nhất là các hoạt động văn hóa văn nghệ, đội nhóm, câu lạc bộ sở thích, hoạt động thể dục thể thao.... Các hình thức hoạt động tuyên truyền, tổ chức hoạt động giao lưu, liên hoan văn nghệ, hội thao các môn thể thao, hoạt động các câu lạc bộ…. Các địa phương gắn kết được một số hoạt động của các ngành, đoàn thể tại địa phương, tại thiết chế VH-TT xã, ấp. Nội dung, hình thức hoạt động đi vào nền nếp, phong phú loại hình và có tác dụng tích cực đến đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư. Một vài thiết chế VH-TT cấp xã phát huy tốt công tác xã hội hóa, bổ sung nguồn kinh phí cho các hoạt động và thu hút người dân tại địa phương tham gia sinh hoạt.
Hiện 9/9 huyện, thành phố đều thành lập Trung tâm VH-TT và Truyền thanh, trong đó 5/9 trung tâm cấp huyện được đầu tư xây dựng đảm bảo hoạt động (gồm: Châu Thành, Bình Đại, Chợ Lách, Thạnh Phú và TP. Bến Tre). Còn huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc chưa xây dựng trung tâm theo quy chuẩn, Trung tâm VH-TT Giồng Trôm xây dựng năm 1988 đến nay đã trên 30 năm, hiện đang xuống cấp trầm trọng. Huyện Ba Tri cải tạo rạp chiếu phim trước đây làm trung tâm. Chợ Lách hiện đang nâng cấp sửa chữa hội trường đạt 350 chỗ ngồi theo quy chuẩn trung tâm VH-TT cấp huyện (để đạt tiêu chí huyện NTM). Cấp tỉnh có Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh được khởi công xây dựng mới từ năm 2009, đến nay cơ bản hoàn thành các hạng mục công trình và đang trong quá trình hoàn thiện các hạng mục phụ. Các đơn vị cũng đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ trong các hoạt động chuyên môn, góp phần phát triển VH tại các địa phương.
Phát huy các thiết chế văn hóa
Theo nhận định của ngành chuyên môn, việc phát huy thiết chế VH-TT cơ sở đã được đầu tư xây dựng còn không ít hạn chế. Trong đó, chưa phát huy hết chức năng hoạt động của thiết chế; khó kêu gọi xã hội hóa các loại hình hoạt động VH-TT; nguồn kinh phí chi cho hoạt động tính trên số dân còn thấp; cơ sở vật chất của một số Trung tâm VH-TT và Truyền thanh huyện xây dựng đã lâu (từ hơn 22 năm) nay đã xuống cấp. Từ đó, hạn chế hoạt động, đặc biệt vào mùa mưa. Hiện toàn tỉnh có 74 sân bóng đá 11 người. Hầu hết các sân đều xuống cấp...
Công tác xã hội hóa được triển khai thực hiện nhưng cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn. Hiện các thiết chế VH-TT cấp xã đều cho thuê mướn chủ yếu như: tổ chức hội thảo, hội nghị khách hàng, giới thiệu sản phẩm, mở các lớp võ thuật, Yoga, Aerobic, các trò chơi trẻ em…, nhưng nguồn thu không đáng kể (chủ yếu dùng để thanh toán điện, nước). Một số xã như: Tân Trung, Định Thủy (Mỏ Cày Nam) cho thuê để phục vụ hội họp, tập huấn các lớp kỹ năng, tuyên truyền bảo hiểm xã hội, ca nhạc, hội chợ… Tân Hào (Giồng Trôm) cho thuê hội trường để tập thể dục dưỡng sinh và vật lý trị liệu. Xã Phú Hưng, Sơn Đông (TP. Bến Tre) cho thuê hội trường phục vụ các đám tiệc. Tất cả nguồn thu đều nộp ngân sách và sử dụng nâng cấp, sửa chữa và bổ sung phương tiện, trang thiết bị cho hoạt động VH-TT khi có yêu cầu, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân tại địa phương.
Riêng thiết chế VH-TT cấp huyện, thành phố, các trung tâm VH-TT và TT cấp huyện hầu hết cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn mượn, thuê để tổ chức: họp mặt, hội nghị... (được hỗ trợ một ít chi phí điện, nước). Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh cho thuê các phòng năng khiếu dạy múa, hát; điểm tập võ thuật ngoài trời và một vài sự kiện nhỏ của các đơn vị khác; mặt bằng vui chơi, giải trí cho trẻ em.... Các khoản thu nộp ngân sách nhà nước, trích lại 40% để chi phục vụ cho hoạt động khác (nhân viên hợp đồng, điện, nước, sửa chữa nhỏ…).
Nhìn chung, thiết chế VH-TT trên toàn tỉnh đều có nhu cầu cho thuê để tạo nguồn thu ngoài ngân sách chi hỗ trợ cho hoạt động chuyên môn và nâng cấp, bổ sung trang thiết bị, dụng cụ.... để đảm bảo hoạt động, trong lúc nguồn kinh phí được cấp còn hạn hẹp. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu thuê mướn của các tổ chức, cá nhân bên ngoài không nhiều, không thường xuyên, còn nhỏ lẻ, nên nguồn thu chỉ dành cho hoạt động dọp dẹp hội trường, vệ sinh…
Ngành VH,TT&DL đã đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh xem xét tạo cơ chế cho hệ thống thiết chế VH-TT trong hệ thống ngành được cho thuê mặt bằng làm dịch vụ giải khát tại: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, Bảo tàng tỉnh, Cà phê Sách tại Thư viện Nguyễn Đình Chiểu, Trung tâm Thể dục - Thể thao, Sân vận động, một số điểm Di tích Quốc gia trên địa bàn tỉnh (có yêu cầu). Ngoài ra, tạo cơ chế tư nhân tham gia vào các hoạt động, lĩnh vực như: cho thuê các loại hình giải trí trò chơi trẻ em, tổ chức các lớp năng khiếu, các lớp võ, lớp dạy thể dục, yoga, hát với nhau nghe, tổ chức các đám tiệc (tiệc cưới, sinh nhật…), các cuộc hội thảo, hội nghị để tạo nguồn thu cho các thiết chế VH-TT các cấp, góp phần phát huy hiệu quả các thiết chế VH-TT, tạo nhu cầu hưởng thụ cho người dân.
Ngành VH,TT&DL đã đề nghị HĐND tỉnh quan tâm từng giai đoạn có xem xét tăng tỷ lệ đầu tư kinh phí xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, trang cấp trang thiết bị thông tin - văn nghệ cho thiết chế VH-TT các cấp (tỉnh, huyện, xã, ấp)… nhằm tạo điều kiện tổ chức hoạt động, khai thác đúng mức thiết chế VH-TT đã được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu và xu thế phát triển chung, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. |
Bài, ảnh: Ánh Nguyệt