Tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc ngày 17-6-2019, Philippines đã nêu vụ tàu cá nước này bị tàu Trung Quốc đâm chìm, đồng thời cảm ơn sự giúp đỡ của Việt Nam.
"Bỏ rơi người khác trong cơn hoạn nạn là một tội ác", Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr nhận định trong khi Tổng thống nước này Rodrigo Duterte cho rằng vụ chìm tàu của Philippines chỉ là "một vụ tai nạn trên biển".
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. Ảnh: Liên Hợp Quốc
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr đã đưa vụ tàu Filipino của nước này bị tàu Trung Quốc đâm chìm ra cuộc họp của Liên hợp quốc ngày 17-6-2019, đồng thời chỉ trích “hành động vô nhân đạo” khi bỏ rơi người khác trong cơn hoạn nạn.
Ông Locsin cũng bày tỏ cảm ơn ngư dân Việt Nam đã cứu giúp 22 thuyền viên Philippines trong vụ va chạm chìm tàu ngày 9-6-2019 ở khu vực Bãi Cỏ Rong.
"22 thuyền viên của tàu Filipino đã bị bỏ rơi trên biển cho tới khi một thuyền của Việt Nam đưa họ lên tàu. Chúng tôi sẽ mãi biết ơn và mãi nợ đối tác chiến lược Việt Nam về hành động đúng đắn và nhân đạo này", ông Locsin phát biểu trong một sự kiện tối 17-6-2019 ở trụ sở Liên hợp quốc tại New York.
Bài phát biểu của ông Locsin tại Liên hợp quốc được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Philippines Duterte cho rằng vụ chìm tàu chỉ là một "tai nạn trên biển".
Trong bài phát biều này, Ngoại trưởng Locsin cho biết tai nạn chìm tàu của Philippines nên được giải quyết bằng con đường ngoại giao, đồng thời nhấn mạnh đến tính đạo đức và tính pháp lý của sự việc cũng như hành động cấp thiết khi cứu người trong cơn hoạn nạn trên biển.
Ngoại trưởng Locsin cũng dẫn ra 3 điểm về trách nhiệm của một thuyền trưởng theo Điều 98 - Công ước của Liên hợp quốc về luật Biển (UNCLOS) đối với nghĩa vụ giúp đỡ gồm:
- Giúp đỡ bất kỳ ai đang gặp nguy khốn trên biển.
- Hết sức nhanh chóng đến cứu những người đang bị nguy cấp nếu như được thông báo những người này cần được giúp đỡ, trong chừng mực mà người ta có thể chờ đợi một cách hợp lý là thuyền trưởng phải xử lý như thế.
- Trong trường hợp xảy ra tai nạn đâm va, giúp đỡ chiếc tàu kia, đoàn thủy thủ và hành khách của nó và, trong phạm vi có thể, cho chiếc tàu đó biết tên và cảng đăng ký của tàu mình, và cảng gần nhất mà tàu mình sẽ cập bến.
Ông Locsin cũng khẳng định nghĩa vụ cứu giúp người gặp nạn trên biển trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong trường hợp có va chạm trên biển, là nghĩa vụ phổ cập đã được quy định trong không chỉ Công ước Luật biển mà còn trong nhiều điều ước quốc tế đa phương khác như các Công ước của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO); nhấn mạnh đây không chỉ là nghĩa vụ của các quốc gia mà của cả người dân các nước và cần được thực hiện bằng hành động cụ thể.
Nguồn: vov.vn