Phong trào tự làm trang thiết bị dạy nghề

24/06/2019 - 06:09

BDK - Trong bối cảnh nguồn kinh phí dành cho mua sắm trang thiết bị dạy nghề ở các cơ sở đào tạo nghề hạn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học, tỉnh đã đẩy mạnh phát huy sáng kiến thông qua các hội thi tự làm trang thiết bị dạy nghề trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thiết bị thực hành phun sơn đạt giải nhì tại hội thi. Ảnh: ĐLĐ

Thiết bị thực hành phun sơn đạt giải nhì tại hội thi. Ảnh: ĐLĐ

Phát huy sáng kiến

Từ năm 2017 đến nay, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) trên địa bàn tỉnh chỉ được cấp khoảng 4 tỷ đồng để đầu tư mua sắm trang thiết bị và cả nâng cấp sửa chữa. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá, các trang thiết bị đồ dùng dạy học một số nghề như: điện gia dụng, máy tính, may công nghiệp, được trang bị khá lâu nên lạc hậu và hư hỏng nhiều.

Một trong những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng trang thiết bị trong hoạt động đào tạo nghề là phát triển phong trào sáng kiến, sáng tạo, cải tiến, chế tạo, phát triển các trang thiết bị phục vụ đào tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Qua đó, có thêm các trang thiết bị dạy nghề phù hợp với chương trình đào tạo trình độ giáo viên, học viên. Hội thi thiết bị đào tạo tự làm tỉnh Bến Tre năm 2019 có 10 thiết bị, mô hình ở 5 nhóm nghề: điện - điện tử, công nghệ ô tô, may thời trang và may công nghiệp, cắt gọt kim loại, quản trị mạng máy tính tham gia dự thi. Kết quả: Mô hình điều khiển trạm trộn dùng PCL S7-200 của Trường Cao đẳng Đồng Khởi giành giải nhất hội thi, Thiết bị thực hành phun sơn của Trường Trung cấp Công nghệ Bến Tre giải nhì, giải ba thuộc về Mô hình lắp đặt thiết bị và quản trị mạng của Trường Cao đẳng Đồng Khởi và 7 giải khuyến khích.

Trong lĩnh vực đào tạo nghề cần có những mô hình thực tế để học sinh dễ tiếp thu, tạo sự hứng thú so với học trên mô hình ảo; học sinh sau khi tốt nghiệp, ra môi trường làm việc, tiếp cận máy móc nhanh, dễ làm việc hơn. Đại diện nhóm tác giả Mô hình điều khiển trạm trộn dùng PLC S7 - 200, thầy Ngô Văn Ẩn - Phó trưởng khoa điện Trường Cao đẳng Đồng Khởi chia sẻ: “Xuất phát từ nhu cầu giảng dạy và đi tham quan các đơn vị sản xuất, bây giờ họ toàn xài tự động hóa, không sử dụng lao động thủ công nữa. Do đó, trường cần các trang thiết bị để đào tạo ra đội ngũ công nhân lành nghề, khi ra trường có thể đáp ứng được ngay các yêu cầu của công nghiệp hóa”.

Mô hình điều khiển trạm trộn dùng PLC S7 - 200 là mô hình trạm trộn, chủ yếu trộn thức ăn cho gia súc, gia cầm hoặc trộn phân bón làm cơ sở dạy cho học sinh dễ tiếp cận thực tế bên ngoài. Mô hình có chi phí vật tư chưa tới 20 triệu đồng, đáp ứng nhu cầu giảng dạy của các mô-đun tự động hóa: PLC cơ bản, PLC nâng cao, điều khiển điện khí nén của ngành Điện công nghiệp và Điện tử công nghiệp tại các trường trung cấp, cao đẳng. Mô hình này đã đoạt giải nhất Hội thi thiết bị đào tạo tự làm tỉnh Bến Tre năm 2019, diễn ra vào cuối tháng 5-2019.

Thiết bị thực hành phun sơn của nhóm tác giả Trường Trung cấp Công nghệ Bến Tre đoạt giải nhì Hội thi thiết bị đào tạo tự làm tỉnh Bến Tre năm 2019. Thiết bị được Ban giám khảo đánh giá là “có khả năng ứng dụng cao trong các trường dạy nghề bởi có thể giải quyết vấn đề độc hại của sơn đối với giáo viên và học sinh khi thực hành sơn, ứng dụng kỹ thuật mới vào dạy học, giảm thời gian chuẩn bị, giảm kinh phí vật tư dạy học”. Thiết bị thực hành phun sơn được ứng dụng giảng dạy các môn học/mô-đun sau: sơn ô tô cơ bản, bảo dưỡng và sửa chữa hệ thống di chuyển.

Hiệu quả bước đầu

Hội thi thiết bị đào tạo tự làm tỉnh Bến Tre qua hai lần tổ chức đã góp phần khuyến khích, đẩy mạnh phong trào tự làm thiết bị đào tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hội thi cũng cung cấp cho cơ quan quản lý thông tin để đánh giá đúng thực trạng thiết bị đào tạo tại các cơ sở trên địa bàn từ đó có những giải pháp đầu tư trang thiết bị một cách phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế. Ông Nguyễn Anh Dũng - Trưởng phòng Dạy nghề Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay: Bến Tre đã có một số trang thiết bị đạt giải trong lần 1 và dự thi cấp quốc gia, những thiết bị đó đã đáp ứng tốt nhu cầu giảng dạy ở Trường Cao đẳng Đồng Khởi và Trung cấp nghề Bến Tre, góp phần giảm chi phí thiết bị mua sắm cho trường.

Thạc sĩ Nguyễn Công Đắc - giảng viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long nhận xét: “Các mô hình dự thi có áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các vấn đề liên quan nội dung trong chương trình dạy học, các mô hình thiết bị vận hành tốt, phù hợp điều kiện giảng dạy, đảm bảo tính an toàn. Chi phí thấp, đáp ứng yêu cầu của nhà trường trong bối cảnh kinh phí hạn hẹp”. Vị giám khảo này kể, ông thích nhất là Thiết bị thực hành phun sơn tự động, vì rất gọn và đặc biệt giảm chi phí đào tạo. “Nếu không có những mô hình như thế này thì chi phí giảng dạy cao, vệ sinh công nghiệp không được đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn của cả thầy và trò”, Thạc sĩ Nguyễn Công Đắc chia sẻ.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang đẩy mạnh phong trào sáng kiến, chế tạo thiết bị tự làm phục vụ công tác đào tạo, bởi họ cho rằng đào tạo nghề phải có mô hình giảng dạy gần giống thực tế. Qua đó, đào tạo được đội ngũ công nhân lành nghề, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo kế hoạch của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo các cấp trình độ là 11 ngàn người, trong đó: cao đẳng 800 người; trung cấp 2,1 ngàn người; sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng trên 8 ngàn người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 58%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ là 29%.

Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN