Quốc gia châu Âu đầu tiên cân nhắc rời WHO sau Mỹ và Argentina

07/02/2025 - 11:54

Sau Mỹ và Argentina, đến lượt Hungary cân nhắc rời khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Biểu tượng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN

Biểu tượng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN

Văn phòng Thủ tướng Viktor Orbán ngày 6-2 theo giờ địa phương cho biết chính phủ nước này đang xem xét khả năng rút lui khỏi tổ chức y tế toàn cầu.

Việc Hungary nêu ý tưởng này xuất hiện ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút Washington khỏi WHO gần như ngay lập tức sau khi nhậm chức vào tháng 1. Đến ngày 5-2, Tổng thống Argentina Javier Milei cũng tuyên bố rút khỏi tổ chức này.

Ông Gergely Gulyás, Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Thủ tướng Hungary, phát biểu với báo giới: “Nếu quốc gia quyền lực nhất thế giới quyết định rời khỏi một tổ chức quốc tế, thì tôi nghĩ chính phủ Hungary cần cân nhắc kỹ lưỡng xem có nên theo bước đi này hay không”.

Ông Gulyás nhấn mạnh “Hungary có thể đi đến kết luận rằng không cần thiết phải rút lui, nhưng cũng có thể đưa ra quyết định khác. Dù thế nào, đây cũng là điều đáng cân nhắc”.

Cùng ngày, một nghị sĩ cấp cao của Nga cũng lên tiếng ủng hộ việc rời khỏi WHO.

“Đã đến lúc phải điều tra kỹ lưỡng các hoạt động của WHO tại Nga. Trong quá trình điều tra, Nga nên ít nhất tạm dừng tư cách thành viên. Hoặc, tốt hơn nữa, chúng ta nên nói lời tạm biệt luôn”, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia (Quốc hội) Pyotr Tolstoy viết trên Telegram. Ông Tolstoy là thành viên của đảng Nước Nga Thống nhất do Tổng thống Vladimir Putin lãnh đạo.

Tổng thống Trump và các đồng minh từng nhiều lần cáo buộc WHO can thiệp vào chủ quyền quốc gia, chịu ảnh hưởng quá mức từ Trung Quốc và xử lý kém hiệu quả đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bác bỏ những cáo buộc này trong bài phát biểu trước các nước thành viên hôm 3-2.

“Là một cơ quan thuộc Liên hợp quốc (LHQ), WHO hoạt động một cách trung lập và phục vụ tất cả các quốc gia, tất cả mọi người”, ông Tedros khẳng định. Ông cũng nhấn mạnh rằng khi các quốc gia đưa ra yêu cầu vượt quá sứ mệnh hỗ trợ y tế toàn cầu của WHO, tổ chức này sẽ từ chối "một cách lịch sự".

Trước đó, ngày 3-2, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã phản bác các lý do mà Tổng thống Donald Trump đưa ra để rút Mỹ khỏi WHO, đồng thời một lần nữa kêu gọi Washington xem xét lại quyết định này.

Ông Tedros lần lượt phân tích các lý do được nêu trong sắc lệnh của ông Trump về việc rút khỏi tổ chức, được ký ngay trong những giờ đầu tiên sau khi ông trở lại Nhà Trắng hôm 20-1. Người đứng đầu WHO đồng thời nêu bật những gì cơ quan y tế LHQ đã và đang thực hiện trong từng lĩnh vực.

Về cải cách và đóng góp tài chính, ông Tedros bác bỏ nhận định trong sắc lệnh của ông Trump cho rằng WHO đã "thất bại trong việc thông qua các cải cách cấp thiết". Ông nhấn mạnh trong 7 năm qua, WHO đã thực hiện "những cải cách sâu rộng và toàn diện nhất trong lịch sử tổ chức".

Liên quan tới cáo buộc WHO đòi hỏi các khoản đóng góp quá cao từ Mỹ một cách bất hợp lý, Ông Tedros nhấn mạnh tổ chức đã và đang nỗ lực mở rộng cơ sở các nhà tài trợ. Người đứng đầu WHO cho biết việc chuyển dịch cân bằng từ các khoản đóng góp tự nguyện, chiếm phần lớn nguồn thu của WHO, sang phí thành viên thường xuyên sẽ giải quyết vấn đề "phụ thuộc quá mức" vào các nhà tài trợ lớn.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN