Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc tại Geneva, tại phiên đối thoại. Ảnh: Anh Hiển/Vietnam+
Đồng thời, Đại sứ khẳng định Việt Nam cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc và Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc để giải quyết các vấn đề nhân quyền.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, phát biểu tại phiên đối thoại với Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc về Báo cáo về tình hình nhân quyền hằng năm, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai chia sẻ mặc dù Việt Nam cũng như các quốc gia khác đối mặt với nhiều thách thức trong thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền nhưng Việt Nam vẫn quyết tâm đảm bảo người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền con người.
Đại sứ nhấn mạnh Việt Nam ưu tiên tập trung củng cố pháp quyền, minh bạch, an ninh và an toàn xã hội cũng như tiến hành các cải cách cần thiết về pháp lý và kinh tế nhằm hỗ trợ cho quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 và phát triển bao trùm, bền vững.
Bên cạnh đó, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai khẳng định Việt Nam cam kết thúc đẩy đối thoại thực chất và hợp tác hiệu quả với tất cả các quốc gia thành viên và các cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc; ủng hộ các nguyên tắc cơ bản về phổ quát, công bằng, khách quan, không chọn lựa và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia; đối thoại và hợp tác thực chất cũng như tuân thủ các nguyên tắc nêu trên là cách thức hiệu quả nhất để thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền.
Trước đó, trình bày báo cáo về tình hình nhân quyền hằng năm, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, ông Volker Türk nhấn mạnh nhân quyền là nền tảng của Liên hợp quốc, đến nay các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã thành lập một hệ sinh thái các cơ quan về nhân quyền, trong đó có 10 cơ quan công ước nhân quyền; Hội đồng Nhân quyền, trong đó có cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR), các thủ tục đặc biệt, và Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc.
Ông Volker Türk cho rằng trong bối cảnh kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình Hành động Vienna, và tình hình ở nhiều nơi xung đột bùng phát, chương trình nghị sự về phát triển bền vững có nguy cơ chệch hướng, ô nhiễm môi trường đe dọa nhân loại, hợp tác giữa các quốc gia với hệ thống sinh thái các cơ quan nhân quyền quốc tế có vai trò quan trọng đối với việc thúc đẩy nhân quyền, trong đó 95 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cho phép Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc đặt văn phòng hoặc các hình thức hiện diện khác trên thực địa.
Cũng trong phát biểu, Cao ủy Volker Türk khẳng định UPR là cơ chế rà soát về nhân quyền và không vi phạm chủ quyền của các quốc gia; kêu gọi các quốc gia nỗ lực để triển khai các khuyến nghị được đưa ra theo cơ chế UPR; cho rằng các quốc gia nhìn chung đã hợp tác tích cực với các thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền, bao gồm việc đón các thủ tục đặc biệt vào thăm.
Ngoài ra, Cao ủy Volker Türk bày tỏ quan ngại về tình trạng đe dọa và trả đũa nhằm vào những người hợp tác với Liên hợp quốc.
Tại khóa họp 53 của Hội đồng Nhân quyền từ ngày 19-6 đến 14-7, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia trên cương vị thành viên nhiệm kỳ 2023-2025, trong đó một chủ đề trọng tâm của Việt Nam là quyền con người trong biến đổi khí hậu.
Việt Nam cùng Bangladesh và Philippines sẽ đồng tổ chức phiên thảo luận chuyên đề về biến đổi khí hậu và quyền con người với chủ đề “Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với việc hiện thực hóa đầy đủ quyền lương thực”; đồng thời, sẽ giới thiệu dự thảo Nghị quyết năm 2023 về biến đổi khí hậu và quyền con người, với chủ đề “Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sinh kế và ảnh hưởng của những tác động này đối với quyền con người.”
Đây là nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người được Việt Nam, Bangladesh và Philippines giới thiệu hằng năm kể từ năm 2014, để Hội đồng Nhân quyền xem xét, thông qua với trọng tâm mỗi năm tập trung vào từng chủ đề cụ thể, như quyền trẻ em, quyền sức khoẻ, quyền của người di cư, quyền phụ nữ… trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Sự tham gia tích cực của Việt Nam trong việc xây dựng và thông qua nghị quyết này cũng như trong các hoạt động của nhóm nòng cốt phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời góp phần thực hiện chính sách đối ngoại chủ động, tích cực, có trách nhiệm với các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh đó, đoàn Việt Nam sẽ chủ trì, phối hợp với một số đối tác tiến hành tổ chức thảo luận chuyên đề về chống bạo lực, phân biệt đối xử và quấy rối dựa trên cơ sở giới tính tại nơi làm việc, đồng thời tích cực tham dự các phiên thảo luận của khóa họp cũng như các tham vấn dự thảo nghị quyết, các sự kiện bên lề.
Nguồn: Vietnam+