Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi (thứ 3, từ phải sang) trao bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích trong thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị.
Cách nay vừa tròn 45 năm, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đưa cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Để có được chiến thắng lịch sử này, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu đã trải qua một quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, đầy khó khăn, gian khổ, ác liệt, hy sinh và sự mất mác hết sức to lớn.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta giành được thắng lợi hoàn toàn, miền Bắc được giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng với dã tâm xâm chiếm và chia cắt đất nước ta lâu dài ở miền Nam, Mỹ nhảy vào thay chân Pháp, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, nhằm thực hiện âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và là căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Nam Á.
Mỹ và chính quyền tay sai đã thi hành nhiều chính sách tàn bạo như tăng cường khủng bố, đàn áp người theo cách mạng, dồn dân lập ấp chiến lược, tổ chức hàng loạt các cuộc càn quét tiêu diệt lực lượng cách mạng, lê máy chém khắp nơi để giết hại cán bộ và nhân dân ta. Bến Tre là một trong những chiến trường mà Mỹ - ngụy tiến hành thí điểm các hình thức chiến thuật, chiến lược quân sự rất thâm độc. Chúng đưa ra chiêu bài “tố cộng, diệt cộng”, ban hành Luật 10/59 “đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, nhằm cắt đứt mối quan hệ giữa nhân dân với người kháng chiến; đàn áp, khủng bố phong trào yêu nước, phong trào cách mạng; cả miền Nam tràn ngập nhà tù, trại giam, trại tập trung; cách mạng miền Nam bị dìm trong biển máu. Cũng trong giai đoạn này, những năm 1954 - 1959, phong trào cách mạng ở Bến Tre sa sút, nhiều tổ chức đảng tan rã, hàng ngàn cán bộ cách mạng và người dân bị địch bắn giết, tù đày, đã làm cho lòng căm thù giặc thêm sục sôi. Khi Nghị quyết số 15 của Trung ương ra đời, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đã quán triệt, triển khai, vận dụng sáng tạo làm nên cuộc Đồng khởi ngày 17-1-1960 long trời, lở đất, làm rung chuyển tận sào huyệt chính quyền Mỹ - Diệm, mở ra bước ngoặt mới cho cách mạng miền Nam, đưa cách mạng từ thế phòng ngự, giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, tiến công liên tục giành thắng lợi.
Cho đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, những thắng lợi trên các chiến trường Tây Nguyên, ven biển miền Trung, miền Đông Nam Bộ diễn ra nhanh chóng và sớm hơn dự kiến, đã thúc đẩy, tạo điều kiện cho Đảng bộ, dân và quân Bến Tre cùng đồng loạt nổi dậy tiến công. Đáp lời kêu gọi của UBND cách mạng tỉnh là: “Đoàn kết chặt chẽ, phát huy truyền thống anh hùng của ngọn cờ Đồng khởi, nhất tề đứng dậy, kiên quyết xông lên tấn công nổi dậy liên tục, quyết liệt hơn nữa, khắp nông thôn và thị xã, thị trấn, quyết tâm tiêu diệt bọn tay sai ngoan cố, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân…”, với tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa” quân và dân tỉnh nhà đã nhanh chóng triển khai chiến dịch, tấn công liên tục, mạnh mẽ vào các căn cứ quân sự, các chi khu, đồn bót của địch. Mặc dù Tỉnh trưởng của chính quyền cũ ra lệnh tử thủ, nhưng với sức mạnh tấn công thần tốc của ta, địch lần lượt đầu hàng, giao lại toàn bộ cơ sở chính quyền, quân đội và xã hội cho lực lượng cách mạng tiếp quản. Chỉ trong 2 ngày (30-4, 1-5), quân và dân Bến Tre đã tự lực giải phóng toàn tỉnh, góp phần vào thắng lợi chung, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chiến thắng 30-4-1975 là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước, là bản anh hùng ca bất tử về đức hy sinh và ý chí cách mạng kiên cường của quân và dân ta, là kết quả của đường lối và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân, tài thao lược quân sự của Đảng ta, là kết quả của chiến thuật tiến công thần tốc, bất ngờ, táo bạo của các lực lượng vũ trang nhân dân, là sự kết hợp giữa nổi dậy và tiến công, tiến công liên tục của quân - dân ta. Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đã kết thúc cuộc trường kỳ chiến đấu đầy hy sinh gian khổ. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã thực hiện đúng lời dặn trong Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới - độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội.
Đánh giá về kết quả và ý nghĩa thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng đã khẳng định: “Thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm vóc quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
Đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn, thực hiện Di chúc của Người, Đảng ta kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiến hành đường lối đổi mới trong gần 35 năm qua và đã giành được những thắng lợi to lớn, có tầm vóc và ý nghĩa hết sức quan trọng, ngày càng khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong bối cảnh đó, tỉnh Bến Tre từ một tỉnh nghèo, thoát khỏi chiến tranh với hậu quả để lại hết sức nặng nề, có thứ hạng phát triển kinh tế - xã hội thấp nhất nhì ở đồng bằng sông Cửu Long trong nhiều năm. Sau 45 năm giải phóng, với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, đến nay Bến Tre đã cơ bản thoát khỏi sự tụt hậu, vươn lên vị trí phát triển trung bình trong khu vực (năm 2019: đứng thứ hạng 8/13 tỉnh; có 6/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đánh giá mức sống của nhân dân đã vươn lên nhóm 5 tỉnh đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính… nằm ở tốp 10 tỉnh đứng đầu của cả nước).
***
Đặc biệt, hôm nay với lòng thành kính và biết ơn vô hạn, chúng ta kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới, người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người bạn thân thiết của các dân tộc đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân chủ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tấm lòng yêu nước nồng nàn, thương dân sâu sắc - với tư chất thông minh và tài năng thiên bẩm, Người đã vượt qua những hạn chế về tư tưởng của các bậc cách mạng tiền bối, quyết chí ra đi để tìm đường cứu nước. Ngày 5-6-1911, từ Bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh) lên tàu ra đi tìm đường cứu nước. Gần 10 năm (từ năm 1911 đến 17-7-1920), Người bôn ba khắp năm châu, vừa học tập, vừa lao động, vừa nghiên cứu lý luận và nghiên cứu các cuộc cách mạng trên thế giới, đến khi đọc được Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người vui mừng khôn xiết vì đã tìm thấy con đường cứu nước và giải phóng dân tộc.
Sau khi tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, bằng trí tuệ uyên thâm của mình, Người đã nhận thức đúng xu thế phát triển tất yếu của xã hội loài người và tính chất mới của thời đại, mở ra từ Cách mạng Tháng Mười Nga. Người đã tìm thấy ở đó những vấn đề cơ bản của đường lối giải phóng dân tộc, gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Người quyết tâm thành lập Đảng Cộng sản để lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ròng rã gần 10 năm, từ 1921 đến khi Đảng ta ra đời (3-2-1930), Người ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, huấn luyện cán bộ, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức, soạn thảo Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước, đã lãnh đạo và đưa dân tộc Việt Nam đứng vào hàng ngũ các dân tộc tiên phong trên thế giới.
Sau 30 năm bôn ba khắp 5 châu để tìm đường cứu nước, ngày 28-1-1941, Người trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã đoàn kết, thống nhất, phát huy cao độ sức mạnh toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân ta đã vùng lên khởi nghĩa làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật đổ ách thống trị của thực dân phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đánh bại thực dân Pháp xâm lược, giải phóng miền Bắc, làm hậu phương vững chắc cho miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hơn 20 năm, để thực hiện lời mong ước của Người: Bắc - Nam sum họp một nhà.
Trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta; tưởng nhớ các đồng chí lãnh đạo cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì độc lập tự do của Tổ quốc và vì hạnh phúc của nhân dân.
Hôm nay, chúng ta kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Với chiến thắng ngày 30-4-1975, chúng ta đã thực hiện được khát vọng hòa bình; đã mang lại độc lập, tự do cho dân tộc và sự thống nhất non sông đất nước. Ngày nay, sau 45 năm giải phóng, thế hệ chúng ta sẽ phải thực hiện cho bằng được khát vọng phát triển; đưa tỉnh ta vươn lên khá - giàu sánh cùng khu vực và cả nước, người dân Bến Tre phải có cuộc sống hạnh phúc. Có như vậy, chúng ta mới thực hiện trọn vẹn mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh: đất nước được độc lập, nhân dân được tự do - hạnh phúc.
Đại biểu cắt băng khánh thành Di tích Cây da đôi ở xã Tân Xuân, huyện Ba Tri . Ảnh: Hữu Hiệp
Chúng ta phải tập trung thực hiện cho bằng được khát vọng phát triển, phải có khát vọng và tầm nhìn để thay đổi địa phương trong 5 - 10 năm tới. Với mục tiêu đó, chúng ta đang hoàn chỉnh Tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh Bến Tre đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 để triển khai thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tôi mong rằng toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tỉnh nhà sẽ luôn ra sức đoàn kết, thống nhất, đồng thuận, đồng lòng, tích cực tham gia thực hiện tốt các đề án, dự án, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng năm, từng giai đoạn để đạt cho bằng được mục tiêu, khát vọng đó là: Phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ và quy mô nền kinh tế thuộc nhóm khá khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đến năm 2030, Bến Tre sẽ có nền kinh tế phát triển khá thuộc tốp 5 của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và tốp 30 của cả nước; phấn đấu xây dựng tỉnh ta theo hướng tiên tiến, phát triển bền vững và tạo nên môi trường sống lý tưởng cho người dân.
***
Kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp nhắc nhở chúng ta về việc học tập và làm theo tấm gương của Người. Cuộc đời, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ mãi mãi là tấm gương sáng để chúng ta học tập và làm theo. Từ tấm gương của Bác, sắp đến chúng ta phải học tập và làm theo như thế nào để xây dựng toàn Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh ta thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, có đủ đức đủ tài để đủ sức thực hiện khát vọng sánh vai, đưa tỉnh ta phát triển cùng với các tỉnh bạn trong khu vực và cả nước? Việc xây dựng Đảng “là đạo đức, là văn minh”, cần tập trung những trọng tâm gì và phải làm như thế nào? Đó là những nội dung chúng ta cùng suy nghĩ để cùng thống nhất nhận thức và cùng thực hiện cho đồng bộ trong thời gian tới. Tôi đề nghị:
Trước hết, toàn đảng bộ tập trung thực hiện nghiêm túc, có chất lượng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị của Trung ương. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ là học tập tư tưởng lý luận mà phải chú ý học tập cả phương pháp, phong cách, đạo đức và lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phải đi sâu học tập phong cách - nổi bật là phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách diễn đạt (nói và viết), phong cách ứng xử, phong cách sống của Người.
Các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân. Đưa việc học tập và làm theo Bác Hồ trở thành công việc thường xuyên, hàng ngày của mỗi tổ chức, cá nhân, đơn vị với nhiều nội dung phong phú và thiết thực, gắn với chức trách, nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên; gắn với kết quả thực hiện nghị quyết, nhiệm vụ hàng năm và cả nhiệm kỳ; lấy kết quả, sản phẩm làm thước đo, làm căn cứ đánh giá cán bộ và từng cấp ủy, tổ chức đảng. Đổi mới phong cách làm việc, nói đi đôi với làm, thực hiện nghiêm túc quy định về những điều đảng viên không được làm. Động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng.
Kế đến, cùng với việc triển khai các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương 4 khóa XII và các nghị quyết về công tác xây dựng Đảng của Trung ương, chúng ta phải hết sức coi trọng việc nâng cao văn hóa chính trị của cán bộ, đảng viên. Cơ sở và nội dung để nâng cao văn hóa chính trị là nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối của Đảng. Tập trung xây dựng và phát triển ý thức dân chủ trong mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương và cơ sở; quán triệt và thực hiện nghiêm quy chế dân chủ cơ sở; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ ở tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, trước hết là thực hiện dân chủ trong Đảng, trong mỗi cấp ủy, tổ chức đảng để cán bộ, đảng viên phát huy dân chủ và nêu cao trách nhiệm xã hội của bản thân.
Sau cùng, trước yêu cầu nâng cao uy tín, vị thế của Đảng ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới, để xây dựng Đảng thực sự là đạo đức, là văn minh, chúng ta cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
* Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, cần làm tốt việc giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về xây dựng Đảng thực sự là đạo đức, là văn minh. Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục của tổ chức với tự giáo dục của từng cán bộ, đảng viên.
m Đạo đức ở đây là đạo đức cách mạng; là: cần - kiệm - liêm chính - chí công vô tư. Từng cấp ủy, tổ chức đảng phải tổ chức, hướng dẫn và kiểm tra để mỗi cán bộ, đảng viên rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng, trong công việc và trong sinh hoạt đời sống; trong đó hết sức chú ý đến tính nêu gương của cán bộ lãnh đạo đối với cán bộ, đảng viên, của đảng viên đối với quần chúng.
* Về văn minh, đó là trình độ và tính cách mạng, tính nhân văn của cấp ủy và từng đảng viên. Trình độ phải không ngừng được nâng lên ngang tầm nhiệm vụ chính trị, nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế và thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tính cách mạng là luôn đổi mới sáng tạo hướng đến sự phát triển và sự phát triển phải phục vụ con người, mang lại hạnh phúc cho nhân dân (đó là tính nhân văn).
* Để xây dựng đảng là đạo đức, là văn minh thì từng cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên phải thực hiện nghiêm, có hiệu quả các nội dung trên thông qua duy trì nền nếp và nâng cao chất lượng sinh hoạt; thực hiện nghiêm các nguyên tắc: tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong - gương mẫu của từng cán bộ, đảng viên; gắn bó mật thiết và chịu sự giám sát của nhân dân... Từng chi bộ, đảng bộ cơ sở chấp hành nghiêm nguyên tắc, chế độ quy định về quản lý đảng viên; kết hợp chặt chẽ giữa quản lý của tổ chức đảng với tự quản lý của đảng viên, giữa quản lý đảng viên với quản lý cán bộ, giữa quản lý nội bộ đảng với tổ chức quần chúng tham gia quản lý, giữa quản lý của tổ chức đảng nơi công tác với nơi cư trú để nắm chắc, đánh giá, nhận xét chính xác.
Phát huy mạnh mẽ truyền thống quê hương Đồng khởi, tinh thần Chiến thắng 30-4, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bến Tre quyết tâm đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quyết tâm xây dựng Đảng bộ Bến Tre trong sạch, vững mạnh, thật sự “là đạo đức, là văn minh” như lời dạy của Người; quyết tâm đưa Bến Tre phát triển nhanh và bền vững, cùng với cả nước phấn đấu hoàn thành ước nguyện của Người “Xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
(Trích diễn văn kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2020);
130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2020)
và 109 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2020)
của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi. Tựa đề do Ban biên tập đặt)