Sắp xếp tinh gọn bộ máy tổ chức Đoàn Thanh niên

13/04/2020 - 07:16

BDK - Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tiếp thu, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 39 ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Chương trình hành động số 28 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Đề án số 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sắp xếp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh theo Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII.

Tỉnh Đoàn tổ chức tuyên dương đảng viên trẻ tiêu biểu nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng.

Tỉnh Đoàn tổ chức tuyên dương đảng viên trẻ tiêu biểu nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng.

Gặp khó trong công tác cán bộ

Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn hiện có 35 đồng chí, Ban Thường vụ có 9 đồng chí, bộ phận thường trực có 3 đồng chí, trong đó có 1 Phó bí thư kiêm Giám đốc Trung tâm. Bộ máy cơ quan chuyên trách Tỉnh Đoàn có 7 đầu mối trực thuộc, gồm 5 ban, 1 văn phòng và Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi. Hiện Tỉnh Đoàn có 24 công chức. Hướng bố trí sắp xếp lại tổ chức bộ máy còn 4 phòng, ban và 1 đơn vị trực thuộc, giảm 2 ban, 2 trưởng ban, 2 phó trưởng ban. Từ năm 2017 đến nay cũng đã giảm 3 biên chế. Đã hợp nhất Ban Tổ chức - Kiểm tra và Ban Tuyên giáo thành Ban Xây dựng đoàn; hợp nhất Ban Thanh niên nông thôn, công nhân và đô thị với Ban Đoàn kết tập hợp thanh niên thành Ban Phong trào.

Toàn tỉnh có 7 bí thư huyện đoàn, 16 phó bí thư huyện đoàn với tổng số biên chế của huyện đoàn là 47. Đoàn Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh sau sáp nhập đã đi vào hoạt động ổn định với 62 tổ chức đoàn cơ sở trực thuộc. Thường trực Đoàn Khối gồm cả cán bộ chuyên trách nhưng thực hiện theo Đề án số 04 của Tỉnh ủy thì từ năm 2020 chỉ còn 1 biên chế hoạt động chuyên trách. Cấp xã hiện có 155 bí thư đoàn, 157 phó bí thư đoàn; trong đó, có 18 phó bí thư kiêm nhiệm chức danh, 19 các chức danh khác kiêm nhiệm phó bí thư.

Theo đánh giá chung, các đồng chí chuyên trách từ tỉnh đến cơ sở luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, xung kích, tình nguyện trong thực hiện các phong trào hành động cách mạng tại địa phương; nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Quốc Cường cho rằng, công tác cán bộ đoàn hiện nay còn nhiều khó khăn, nhất là các chức danh lãnh đạo các cấp còn hụt hẫng khá nhiều, nhiều bộ phận khuyết tới 5 đồng chí. Việc thực hiện Công văn số 3304 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về công tác cán bộ Đoàn thời gian qua từ tỉnh đến huyện chưa thực hiện được. Việc đề xuất rút công chức từ các ngành phải dưới 26 tuổi có năng khiếu về công tác đoàn, đủ điều kiện, tiêu chuẩn của vị trí việc làm để xin chủ trương điều động, tiếp nhận về công tác tại các cơ quan của Đoàn hoặc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ là rất khó vì không có nguồn cán bộ đủ tiêu chuẩn và điều kiện trên. Nguồn cán bộ đoàn kế thừa ở cấp xã, phường không đảm bảo.

“Thực trạng biên chế của Tỉnh Đoàn hiện nay thấp hơn so với yêu cầu thực tế công việc chuyên môn được giao. Đoàn Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh có tới 62 tổ chức đoàn với trên 2.500 đoàn viên, nếu chỉ có 1 đồng chí hoạt động chuyên trách thì sẽ rất khó khăn trong công tác triển khai tổ chức các chương trình công tác và các hoạt động phong trào. Việc thực hiện Nghị định số 34 của Chính phủ làm thay đổi rất lớn đến tình hình nhân sự phó bí thư đoàn các xã, phường, thị trấn, ảnh hưởng đến quá trình tiếp cận và duy trì công việc. Các đồng chí giữ chức vụ kiêm nhiệm nhưng chưa có chế độ phụ cấp kiêm nhiệm” - Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Quốc Cường cho biết thêm.

Từ việc mới ra người

Để công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của tỉnh trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã đề xuất Trung ương xem xét điều chỉnh độ tuổi cán bộ đoàn các cấp, nhất là cấp tỉnh, huyện; cần sửa đổi bổ sung quy chế cán bộ Đoàn theo Quyết định số 298 của Ban Bí thư nên tăng 2 tuổi đối với các chức danh khi bổ nhiệm. Có cơ chế đặc thù để áp dụng đối với cán bộ Đoàn cấp cơ sở khi được điều động lên cơ quan Đoàn cấp trên công tác, không nhất thiết phải đủ 60 tháng. Tạo cơ chế trong công tác tuyển dụng công chức đầu vào. Việc thực hiện Nghị định số 34 không nên để các chức danh khác kiêm nhiệm chức danh phó bí thư Đoàn, vì thực tế Đoàn thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động phong trào và thông qua đó để rèn luyện, tạo nguồn cán bộ Đoàn trẻ kế thừa.

Đối với công tác đào tạo và chế độ, chính sách cho cán bộ Đoàn, tiếp tục quan tâm và mạnh dạn trong công tác quy hoạch, bố trí đầu ra cho cán bộ Đoàn khi đến tuổi trưởng thành Đoàn. Có thể xem xét luân chuyển các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng các phòng ban chuyên trách tại cơ quan Tỉnh Đoàn khi hết tuổi đến nhận nhiệm vụ tại các xã, phường, thị trấn. Xem xét hỗ trợ chế độ phụ cấp kiêm nhiệm đối với các đồng chí Bí thư Xã Đoàn.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi trong cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn mới đây nhấn mạnh, việc xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn vừa đủ về số lượng, vừa nâng cao chất lượng là việc làm rất quan trọng của các cấp ủy Đảng, tổ chức Đoàn, để chúng ta vừa có đội ngũ đủ số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu công tác Đoàn và sẵn sàng cung cấp nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cho Đảng và hệ thống chính trị. Với tính chất quan trọng trên, các cấp ủy Đảng, các cấp bộ Đoàn, các cơ quan chuyên môn cần tập trung để không bị động, khó khăn trong công tác cán bộ, trong thực hiện nhiệm vụ. Quan điểm xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ, tức từ việc mới ra người. Tổ chức Đoàn vừa hoàn thành nhiệm vụ, vừa sẵn sàng cung cấp cán bộ cho Đảng, nên tập trung hơn cho công tác rèn luyện và đào tạo. Bằng đại học, lý luận chính trị chỉ là chuẩn thôi, quá trình đào tạo và tự rèn luyện phải được tổ chức và cá nhân không ngừng nỗ lực phấn đấu mới đáp ứng được nhu cầu hiện nay.

Bài, ảnh: Thu Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN