Sáng 7-2-2025, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì cuộc họp về dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính (sau khi hợp nhất, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy).
Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ của VTV
Tổng Giám đốc VTV Nguyễn Thanh Lâm cho biết, theo phương án mới nhất, sau khi sắp xếp, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ giảm từ 27 đầu mối xuống còn 22 đơn vị thuộc các khối giúp việc Tổng Giám đốc, khối đơn vị chuyên ngành, đảm bảo tinh gọn theo đúng tỷ lệ (18,5%).
Tại cuộc họp, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính thống nhất cao với nội dung giải trình của VTV, nhất là về nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức; cho rằng Đài Truyền hình Việt Nam đã thực hiện rất bài bản, theo đúng chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật.
Đánh giá cao báo cáo, giải trình của Đài Truyền hình Việt Nam và các ý kiến của đại diện các bộ, ngành, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đã cho ý kiến về số lượng các đơn vị trực thuộc VTV, trong đó có Thời báo VTV; việc thực hiện nhiệm vụ truyền hình đối ngoại, cơ chế tài chính hoạt động của VTV; xử lý tài sản sau khi tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của các đài truyền hình… , Phó thủ tướng đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Chính phủ theo đúng kế hoạch.
Sắp xếp xong công việc phải chạy
Báo cáo về dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính (hợp nhất Bộ Tài chính với Bộ Kế hoạch và Đầu tư; sáp nhập Bảo hiểm xã hội Việt Nam; chuyển một số chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia về Bộ Tài chính), Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, quan điểm xây dựng nghị định đảm bảo thực hiện đúng chủ trương, định hướng, chính sách của Đảng và Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý tài chính.
Kế thừa và cơ cấu lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được quy định tại Nghị định số 14/2023/NĐ-CP và Nghị định số 89/2022/NĐ-CP đảm bảo bao quát toàn bộ lĩnh vực quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tài chính - ngân sách, kinh tế - đầu tư và các lĩnh vực khác có liên quan.
Đồng thời, sắp xếp, hợp nhất các tổ chức, đơn vị của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đảm bảo nguyên tắc một tổ chức thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao cho một đơn vị chịu trách nhiệm chính; sáp nhập Bảo hiểm xã hội Việt Nam thành một đầu mối thuộc Bộ Tài chính; đồng thời thực hiện cơ cấu các tổ chức bên trong của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, kết thúc mô hình tổng cục tại các tổng cục và tương đương, chuyển thành đơn vị cấp cục thuộc Bộ; xây dựng bộ máy bên trong tinh gọn, giảm đơn vị tham mưu, quản lý nội ngành, giảm cấp trung gian, đảm bảo đủ thẩm quyền để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Rà soát chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc 2 bộ, tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị liên quan, Bộ Tài chính hợp nhất các tổ chức hành chính trùng nhau về chức năng, nhiệm vụ từ 10 đơn vị thành 5 đơn vị; hợp nhất, sáp nhập các tổ chức hành chính có chức năng gắn kết, liên thông hoặc tương đồng từ 20 đơn vị thành 8 đơn vị; giữ nguyên các tổ chức hành chính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ hoặc có tính chất đặc thù (12 đơn vị).
Theo tính toán sơ bộ, sau khi hợp nhất 2 bộ, sáp nhập Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào Bộ Tài chính, số lượng đầu mối giảm khoảng 3.600 đầu mối, tương ứng 37,7% so với số lượng đầu mối các đơn vị, tổ chức của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện nay.
Trong đó, giảm 2 đầu mối cấp Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 6 đầu mối cấp tổng cục; 98 đầu mối cấp vụ, cục và tương đương thuộc Bộ; 336 đầu mối cấp vụ, cục và tương đương thuộc tổng cục; khoảng 3.100 đầu mối từ cấp phòng, chi cục và tương đương thuộc vụ, cục và tương đương thuộc Bộ trở xuống…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Khẳng định hai Bộ đã phối hợp rất tốt, thực hiện khẩn trương, nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn bộ máy và thống nhất phương án, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, hiện dự thảo Nghị định không còn vấn đề gì có ý kiến khác nhau.
Ông cũng nhấn mạnh, chúng ta đang chuẩn bị tâm thế mới bước vào kỷ nguyên mới, muốn vậy phải có một bộ máy mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, thông suốt trên dưới, ngang dọc để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra. Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính mới cần kế thừa chức năng, nhiệm vụ của hai bộ và các cơ quan liên quan, bảo đảm không bỏ sót, không chồng lấn, vận hành thông suốt, hiệu quả.
Các ý kiến tại cuộc họp đều lưu ý đến việc sắp xếp cán bộ phải đảm bảo công khai, minh bạch, hợp lý, hợp tình, đúng người, đúng việc; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, công tác tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan đơn vị; nhanh chóng triển khai các giải pháp đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất để Bộ Tài chính mới có thể đi vào vận hành ngay, hoạt động suốt, đồng bộ, hiệu quả.
Đánh giá cao tinh thần tiên phong, cách mạng của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan liên quan trong việc xây dựng phương án, sắp xếp, tinh gọn bộ máy (đề xuất giảm tới 46% đầu mối), Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh Bộ Tài chính mới là bộ “cốt lõi” - “mạch máu” của nền kinh tế, “sắp xếp xong thì công việc phải chạy”.
Phó thủ tướng đề nghị hai Bộ và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, bảo đảm không để bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, phạm vi công tác để bộ máy mới vận hành trơn tru, hiệu quả.
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng cho ý kiến về các nội dung liên quan đến việc sáp nhập Bảo hiểm xã hội Việt Nam; tổ chức phòng trong một số vụ đặc biệt; tổ chức hệ thống cơ quan thống kê, thanh tra chuyên ngành; đơn vị sự nghiệp; tiếp nhận, sắp xếp bố trí nhân sự, bảo đảm cơ sở vật chất… cho hoạt động của Bộ Tài chính mới.