Sẽ kiểm tra thông tin gần 200 cá nhân, tổ chức Việt trong Hồ sơ Panama

11/05/2016 - 05:45

Một phần Hồ sơ Panama sẽ được công bố dưới dạng dữ liệu tìm kiếm. Ảnh: CNN

Vụ việc này thu hút sự quan tâm của dư luận. Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính khẳng định sẽ kiểm tra thông tin này.

Sáng 10-5, trong hồ sơ Panama của Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) có thông tin gần 200 cá nhân, tổ chức ở Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Vụ việc này thu hút sự quan tâm của dư luận. Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính khẳng định sẽ kiểm tra thông tin này.

Dữ liệu "Hồ sơ Panama" được công bố đã chỉ rõ cá nhân, doanh nghiệp có liên quan tới vụ việc này, trong đó riêng tại Việt Nam có khoảng gần 200 cá nhân, tổ chức. Cụ thể, tài liệu này công khai danh tính 23 cá nhân, tổ chức trung gian; 19 công ty vỏ bọc được thành lập ở nước ngoài và 185 địa chỉ chủ yếu là tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đây chỉ là một phần trong 200.000 doanh nghiệp ở nước ngoài do các cá nhân giàu có trên thế giới lập ra mà Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế đã công bố.

Sau khi Hồ sơ Pananma được công bố, một số doanh nhân người Việt Nam đã lý giải vì sao mình có tên trong danh sách và cho rằng việc có mặt trong danh sách này là bình thường, sử dụng công ty nước ngoài không phải là hành vi phạm tội. Chưa có bất kỳ quốc gia nào cấm hành động mở công ty ở nước ngoài để quản lý tài sản.

Hiện nay, nhiều quỹ đầu tư, cả ở Việt Nam và thế giới sử dụng các công ty ở nước ngoài làm pháp nhân cho thực hiện các hoạt động kinh doanh của mình. Việc xuất hiện trong danh sách Hồ sơ Panama không đồng nghĩa với việc công ty và các đại diện pháp lý đã có hành vi liên quan đến trốn thuế hay rửa tiền.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Đài TNVN, chuyên gia tài chính – ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra, đánh giá hành vi này. Mặc dù luật cho phép cá nhân, tổ chức ủy thác cho một bên thứ ba để quản lý tài sản và nguồn vốn của mình, nhưng nếu doanh nghiệp đó làm ăn vi phạm  luật thì phải xử lý.  

“Chúng ta phải bình tĩnh để có cách tiếp cận phù hợp đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của các tổ chức cán nhân liên quan đến chính sách về thuế công khai minh bạch. Thông thường các nước sẽ yêu cầu những cá nhân, tổ chức giải trình về thu nhập, hoạt động làm ăn, cách thức vận hành quản lý tài sản như thế nào. Muốn phạt hay không thì phải có bằng chứng. Còn không thì sẽ chỉ là bài học kinh nghiệm về lâu về dài cần điều chỉnh chính sách thuế, giảm thiểu tốt nhất khả năng lách thuế của các tổ chức, cá nhân.”

Trước thông tin gần 200 tổ chức, cá nhân ở Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama, ông Bùi Văn Nam, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, đây là vụ việc liên quan tới nhiều cơ quan chức năng và ngành thuế chỉ là một trong số cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực này. Lãnh đạo ngành thuế khẳng định sẽ kiểm tra thông tin trên và có báo cáo trong thời gian tới.

Trong khi đó, đại diện Thanh tra Chính phủ cũng cho biết đang theo dõi thông tin từ báo cáo của Hồ sơ Panama được đăng tải trên mạng. Tuy nhiên có vào cuộc hay không phải chờ ý kiến chỉ đạo từ Trung ương vì phải phối hợp với  nhiều cơ quan chức năng.

Trước đó, hồi đầu tháng Tư, báo chí quốc tế đã đồng loạt công bố một tài liệu mật lớn nhất cho tới nay về một "thiên đường trốn thuế " của các nhân vật giàu có và thế lực trên thế giới./.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN