Quân đội Kosovo được cho là gồm có 5.000 binh sĩ tại ngũ và 3.000 lính dự bị. Ảnh: Reuters
Các nhà lãnh đạo Serbia đã bày tỏ sự tức giận và khẳng định sẽ có biện pháp trả đũa. Theo đề xuất được thông qua, quân đội Kosovo sẽ được nâng cấp dần trong vòng 10 năm từ lực lượng an ninh hiện có, và khi đó quân đội Kosovo sẽ sở hữu khoảng 5.000 binh sĩ chính quy và 3.000 binh sĩ dự bị. Cũng giống như lực lượng an ninh, quân đội Kosovo có nhiệm vụ chính là đối phó khủng hoảng và tham gia vào các hoạt động bảo vệ dân sự.
Tuy nhiên, quyết định trên đã gặp phải phản ứng dữ dội từ phía Serbia bởi họ lo ngại mục đích chính của động thái này là để xua đuổi người Serbia thiểu số hiện đang chiếm số đông dân số tại miền Bắc Kosovo ra khỏi khu vực này.
Phát biểu với các nhà báo ở thủ đô Belgrade, Thủ tướng Serbia - Ana Brnabic cho biết, quyết định của Quốc hội Kosovo sẽ không đóng góp vào quá trình hợp tác, ổn định tại khu vực. Bà đề nghị hai nước ngồi lại đàm phán để có một tương lai tốt đẹp hơn thay vì tạo các rào cản cho nhau.
Một số quan chức cao cấp khác của Serbia cho biết, Serbia không loại trừ khả năng sử dụng quân đội can thiệp để ngăn Kosovo thực hiện kế hoạch. Tổng thống Serbia - Aleksandar Vucic tuyên b.ố ông sẽ kiểm tra quân đội Serbia dọc biên giới với nước láng giềng trong vòng ba ngày tới.
Còn Bộ trưởng ngoại giao Serbia - Ivica Dacic mô tả việc thành lập quân đội Kosovo là mối đe dọa trực tiếp lớn nhất đối với hòa bình, ổn định trong khu vực, cũng như an ninh đối với người Serbia. Ông cho biết Serbia sẽ tìm kiếm một cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khi cho rằng Kosovo đã vi phạm nghị quyết 1244 của hội đồng giúp chấm dứt chiến tranh giữa hai bên năm 1999 và thiết lập sứ mạng gìn giữ hòa bình tại đó.
Phản ứng với quyết định thành lập quân đội Kosovo, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tỏ ý lấy làm tiếc, cho đó là quyết định không đúng lúc, đồng thời kêu gọi hai bên bình tĩnh, tránh gây căng thẳng. Ngược lại, trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, Đại sứ quán Mỹ tại Kosovo cho rằng, Kosovo có quyền chủ quyền để thành lập quân đội từ lực lượng an ninh hiện có. Còn Bộ ngoại giao Đức cũng có quan điểm tương tự.
Là một tỉnh cũ của Serbia, Kosovo đơn phương tách ra tuyên bố độc lập năm 2008, nhưng vẫn chưa được Serbia công nhận. Cả hai đều nằm trong khu vực Balkan nơi vốn có nhiều xung đột lãnh thổ hay sắc tộc diễn ra. Trong nhiều thập kỷ qua, cả NATO và Liên minh châu Âu đã đứng ra hòa giải tranh cãi giữa hai nước. Căng thẳng leo thang giữa Serbia và Kosovo cũng đe dọa nỗ lực của hai bên trong tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu mà họ đang ráo riết theo đuổi.
Nguồn: VOV