Serbia và vùng lãnh thổ Kosovo sẽ nối lại đàm phán vào tuần tới

11/06/2021 - 12:40

Nguồn tin trên dẫn lời người phát ngôn của Liên minh châu Âu (EU) Peter Stano nêu rõ vòng tiếp theo của tiến trình đối thoại do EU làm trung gian sẽ diễn ra vào tuần tới tại Brussels (Bỉ).

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. (Nguồn: AP)

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. (Nguồn: AP)

Theo phóng viên TTXV tại châu Âu, trang tin tức Euractiv.com ngày 10-6 đưa tin Serbia và vùng lãnh thổ Kosovo sẽ nối lại đàm phán về bình thường hóa quan hệ giữa hai bên vào ngày 15-6 tới.

Nguồn tin trên dẫn lời người phát ngôn của Liên minh châu Âu (EU) Peter Stano nêu rõ vòng tiếp theo của tiến trình đối thoại do EU làm trung gian sẽ diễn ra vào tuần tới tại Brussels (Bỉ).

Cuộc đàm phán sẽ có sự tham dự của Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic, người đứng đầu chính quyền Kosovo Albin Kurti, cùng đại diện cấp cao của EU phụ trách các vấn đề đối ngoại Josep Borrell và đại diện đặc biệt của EU về đối thoại bình thường hóa quan hệ Serbia - Kosovo Miroslav Lajcak.

Theo ông Stano, đối thoại giữa Serbia và Kosovo là một quá trình liên tục trong đó EU tham gia với tư cách là bên hỗ trợ. Ông nhấn mạnh việc thực hiện các cam kết là chìa khóa cho một thỏa thuận toàn diện giữa hai bên trong tương lai.

Cuộc đối thoại gần đây nhất giữa Serbia và vùng lãnh thổ Kosovo diễn ra gần 1 năm trước đây. Tháng 4 vừa qua, ông Borrell cho biết EU hy vọng Serbia và Kosovo sẽ nối lại đàm phán vào ngày 11-5, tuy nhiên khi đó người đứng đầu chính quyền Kosovo đã từ chối tham gia đàm phán.

Vùng lãnh thổ Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia từ năm 2008. Chính phủ Serbia không công nhận Kosovo là quốc gia có chủ quyền, song đã bắt đầu bình thường hóa quan hệ với chính quyền Kosovo nhằm hướng tới mục tiêu gia nhập EU.

Từ tháng 3-2011, EU đã khởi xướng các cuộc đàm phán giữa Serbia và Kosovo, coi đây là cách duy nhất để Serbia đạt mục tiêu gia nhập khối này, theo đó, hai bên đã đạt được hơn 10 thỏa thuận, nhưng đa số văn kiện này hiện vẫn chưa được thực hiện.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN