Biết bao kỳ tích tưởng chừng không thể làm được, nhưng nhờ tấm lòng yêu quê hương tha thiết, những “tượng đài sống” “Công dân Đồng Khởi” đã viết lên một trang cổ tích giữa đời thường. Để rồi bao con người khó khăn ở xứ Dừa được nâng đỡ và vươn lên trong suộc sống.
Nỗi đau từ tấm hình trong chiếc cặp đã theo ông Huỳnh Văn Cam - Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Bến Tre suốt những năm tháng công tác tại hội. Ông Huỳnh Văn Cam (hay còn gọi là ông Năm Lê Huỳnh) khóc nghẹn kể lại: Một lần ông không kịp tìm nguồn viện trợ để cứu đứa bé, chỉ trước 1 ngày lên bàn phẫu thuật, cháu bé đã qua đời. Kể từ đó, ông để tấm hình cháu bé trong chiếc cặp đi làm hàng ngày của mình, như một lời nhắc nhở, phải làm nhanh, phải chiến đấu để giành giật sự sống cho trẻ em mắc bệnh tim. Cũng từ đó, ông Huỳnh Văn Cam đã nỗ lực giúp đỡ cho hơn 1.000 trẻ em được hồi sinh sau các ca phẫu thuật tim. Có biết bao đứa trẻ được phẫu thuật tim, đến nay vẫn trìu mến gọi ông Huỳnh Văn Cam là “ông nội, ông ngoại”.
Song hành cùng với cuộc hành trình tìm lại nhịp đập cho những trái tim là những ngôi nhà nhân ái được gọi là Mái ấm trái tim. Có hàng trăm ngôi nhà như vậy đã ra đời từ tấm lòng của ông Huỳnh Văn Cam. Chương trình học bổng tiếp sức đến trường dành cho học sinh nghèo, khuyết tật, mồ côi mà sau này là Quỹ học bổng Nhân Thiện cũng là một chương trình mà ông Huỳnh Văn Cam đặt rất nhiều tâm huyết. Ông Huỳnh Văn Cam được tặng danh hiệu “Công dân Đồng Khởi” năm 2021 (khi ấy ông làm Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mô côi tỉnh Bến Tre).
Quỹ học bổng Nhân Thiện đã chắp cánh cho bao lứa học trò xứ Dừa vươn lên. Câu chuyện Tiến sĩ Đỗ Tấn Khang, quê huyện Chợ Lách, là một minh chứng cho thấy tấm lòng của ông Huỳnh Văn Cam đối với những mảnh đời khó khăn trên quê hương mình.
Ông Huỳnh Văn Cam và Tiến sĩ Đỗ Tấn Khang. Ảnh: Hoàng Hà
Anh Đỗ Tấn Khang bị tật ở chân từ nhỏ do di chứng sốt bại liệt, cha mất sớm, gia cảnh khó khăn, mẹ anh Khang lớn tuổi phải tần tảo đi làm thuê ở TP. Hồ Chí Minh. Những năm trên ghế giảng đường, học bổng của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Bến Tre đã hỗ trợ anh Đỗ Tấn Khang xuyên suốt.
Anh Đỗ Tấn Khang tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, anh xin được học bổng Thạc sĩ tại Úc và sau đó là học bổng Tiến sĩ tại Nhật Bản. Tiến sĩ Đỗ Tấn Khang chia sẻ: “Học bổng là tiếng nói động viên từ quê hương giúp tôi cố gắng đạt được thành tích tốt nhất trong học tập. Sự giúp đỡ đó phần nào hỗ trợ chi phí học tập, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, giúp tôi tự tin hơn trong cuộc sống. Quan trọng hơn là Hội thường xuyên mời tôi về chia sẻ, như là tấm gương cho các em có hoàn cảnh khó khăn, điều đó làm tôi càng cố gắng hơn...”. Anh Đỗ Tấn Khang lấy bằng Tiến sĩ ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản, hiện anh là Trưởng Bộ môn Công nghệ sinh học phân tử, Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ sinh học, Trường Đại học Cần Thơ.
Hai bên bờ sông cồn Thành Long, xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam còn đó nấm mộ của đứa học trò nhỏ. Rớt nước mắt trước các trường hợp học sinh té cầu khỉ chết đuối, ông Trịnh Văn Y trăn trở trước nỗi đau của người dân quê. Biết bao năm cống hiến với vị trí cuối cùng là Phó chủ tịch UBND tỉnh, khi đã 60 tuổi, ông Trịnh Văn Y không nghỉ ngơi mà chọn dấn thân, xông pha trên mặt trận xây dựng giao thông nông thôn ở xứ Dừa.
Ông Trịnh Văn Y đã 84 tuổi vẫn một lòng lo cầu lộ nông thôn trên quê hương xứ Dừa. Ảnh: Thạch Thảo
Trong vai trò Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường (KHKTCĐ) Bến Tre, ông Trịnh Văn Y (ông Hai Mai Sơn) trong suốt 20 năm hoạt động (từ 60 - 80 tuổi), ông đã mang lại kết quả lớn lao cho bà con vùng nông thôn với 2.500 công trình cầu, 350km lộ được xây dựng. Chân dung ông Trịnh Văn Y được các nhà báo cảm động và thuật lại qua các bài viết như: “Huân chương cho lòng nhân hậu” - Báo Cần Thơ, “Kẻ ăn xin tầm cỡ” - Báo Tuổi Trẻ, “Tấm gương anh Hai Cầu Đường” - Báo Đồng Khởi, “Ông Trịnh Văn Y, người hết lòng với nhân dân” - Tạp chí Thi đua Khen thưởng, “Nhịp cầu nối những bờ vui” - Báo Đồng Khởi...
Ông Trịnh Văn Y (hàng sau, bìa phải) được vinh danh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn 30 năm đổi mới” năm 2017. Ảnh Tư liệu
Ông Trịnh Văn được tặng danh hiệu “Công dân Đồng Khởi” năm 2021. Ảnh: Thạch Thảo
Từ những đóng góp trên, ông Trịnh Văn Y được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Đặc biệt, ông vinh dự được Hội đồng bình chọn cấp Trung ương vinh danh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn 30 năm đổi mới”. Ông Trịnh Văn Y được tặng Danh hiệu “Công dân Đồng Khởi” năm 2021.
Một vị thiền sư từng nói “Tình thương yêu rộng lớn/ Luôn đem tới niềm vui/ Cùng sớt chia nỗi khổ/ Dìu nhau về thảnh thơi”. Tình yêu của ông Huỳnh Văn Cam, ông Trịnh Văn Y đối với quê hương có sức lay động lớn lao, bất chấp những khác biệt về biên giới, ngôn ngữ và màu da.
Ông Toni Ruttiman và ông Trịnh văn Y (Mai Sơn) năm 2006. Ảnh: Tư liệu
Trái tim của người 20 năm trọn tình nghĩa với quê hương, ông Trịnh Văn Y đã thu hút những người bạn. Trong đó, có ông Toni Ruttiman - Chuyên gia cầu đường người Thụy Sĩ tài trợ xây 48 cầu cáp treo để xóa đi 46 đò ngang, 2 cầu khỉ. Những dự án thiết thực này đã đáp ứng nhu cầu bức thiết của nông thôn do Hội KHKTCĐ Bến Tre thực hiện được bạn bè khắp nơi trong và ngoài nước biết đến.
Người dân phấn khởi xem xây cầu cáp treo để xóa đò ngang, cầu khỉ. Ảnh Tư liệu
“Khi tôi đang lắp ráp cây cầu Trà Bồng ở xã Nhị Mỹ thì một người đứng tuổi tên Mai Sơn (tên thường gọi của ông Trịnh Văn Y) từ tỉnh Bến Tre tìm đến đề nghị tôi giúp làm cầu cho nông dân. Khi biết ông nguyên là lãnh đạo tỉnh Bến Tre, bây giờ về hưu nhưng vẫn cống hiến phần còn lại của cuộc đời mình cho việc tình nguyện xây cầu, làm đường cho người nông dân nghèo, tôi rất hạnh phúc vì đã gặp được người cùng chí hướng. Vì thế tôi đồng ý đến tỉnh Bến Tre với ông Mai Sơn hai ngày sau đó” - ông Toni Ruttiman kể lại mối duyên với Bến Tre.
Cách đây 30 năm, thông qua ông Năm Lê Huỳnh, bà Akemi Bando biết đến Bến Tre và trong suốt hành trình cuộc đời, người phụ nữ Nhật Bản luôn có Bến Tre trong trái tim mình. Để đồng hành cùng những mảnh đời bất hạnh, bà đã vận động xây dựng Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật, ngôi trường đầu tiên cho trẻ khuyết tật tại Bến Tre. Bên cạnh đó, bà Akemi Bando còn triển khai các các chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, Chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà mẹ và trẻ em nhằm giảm thiểu tỷ lệ trẻ dị tật, khuyết tật, chậm phát triển, các chương trình tập huấn chăm sóc nhi, hỗ trợ trang thiết bị y tế, xây dựng khoa phục hồi chức năng cho người khuyết tật; Chương trình hướng nghiệp giúp người khuyết tật có việc làm để tự tin hòa nhập cộng đồng.
Bà Akemi Bando - Tổng thư ký Hội Trợ giúp trẻ em Việt Nam - Nhật Bản chia sẻ: “Từ chuyến viếng thăm Bến Tre lần đầu tiên của tôi đến nay đã 30 năm, nhưng tôi vẫn nhớ ngày đầu tiên đó như là ngày hôm qua... Hội Trợ giúp trẻ em Việt Nam của chúng tôi đã làm việc, hoạt động 30 năm chỉ với một tỉnh. Lý do rất đơn giản, hội viên của Hội đã yêu thương Bến Tre rất nhiều. Bởi các vị lãnh đạo kế tiếp nhau trong 30 năm qua luôn luôn quan tâm và mong muốn đem đến cho người dân Bến Tre cuộc sống tốt đẹp hơn”. Bà Akemi Bando, Tổng thư ký Hội Trợ giúp trẻ em Việt Nam - Nhật Bản được tặng Danh hiệu “Công dân Đồng Khởi danh dự” năm 2021.
Còn rất nhiều những câu chuyện cảm động về tấm lòng các cá nhân “Công dân Đồng Khởi” và “Công dân Đồng Khởi danh dự” như: Bác sĩ - Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân Tạ Thị Chung (Tạ Thị Tám), với vai trò Phó giám đốc, Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Từ Dũ từ năm 1975 - 1998, bà Hai Chung đã mang đến niềm vui con trẻ cho biết bao gia đình, cưu mang những phụ nữ mang thai không nơi nương tựa, các cô gái trẻ lầm đường lỡ bước, chăm sóc các em khuyết tật bị bỏ rơi. Tấm lòng bà rộng mở không chỉ ở bệnh viện, nơi đã gắn bó hơn nửa đời người, mà bà còn dang rộng vòng tay nhân ái về quê hương Bến Tre.
Bà Tạ Thị Chung (thứ 5, từ trái qua) cùng các đơn vị tài trợ hỗ trợ chị em phụ nữ, bệnh nhân nghèo ở Bến Tre. Ảnh: HBT
Hay như vị tướng đời thường Đại tướng Lê Văn Dũng (Nguyễn Văn Nới); quê quán xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm. Đại tướng Lê Văn Dũng là một trong 14 quân nhân được phong quân hàm Đại tướng từ khi thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam đến nay. Năm 2007, Đại tướng là chủ biên cuốn sách “Bến Tre Đồng Khởi anh hùng”, phát hành nhân dịp 50 năm Ngày Bến Tre Đồng Khởi (17-1-1960 - 17-1-2010). Đây là công trình tượng đài bằng sách để tri ân những cống hiến hy sinh của quân và dân Bến Tre trong cuộc Đồng Khởi năm 1960. Năm 2011, nhận quyết định nghỉ hưu, Đại tướng về lại xứ Dừa và tham gia công tác xã hội cho quê hương, đồng đội. Ông dành thời gian thăm hỏi gia cảnh đồng đội cũ đang gặp khó khăn và huy động nguồn lực từ các cá nhân, doanh nghiệp giúp xây dựng hơn 1.000 căn nhà tình nghĩa, nhà đồng đội ở các địa phương trong tỉnh.
Và nhiều lắm những chính trị gia, doanh nhân, nhà khoa học là “Công dân Đồng Khởi” và “Công dân Đồng Khởi danh dự” trên bước đường thành công của mình vẫn luôn một tấm lòng đau đáu hướng về quê hương xứ Dừa và có nhiều đóng góp cho người dân nơi đây.
Qua 3 lần công nhận, tôn vinh, tỉnh Bến Tre có 18 “Công dân Đồng Khởi” và 11 “Công dân Đồng Khởi danh dự”. Từ một con người nhỏ bé, những cá nhân “Công dân Đồng Khởi”, “Công dân Đồng Khởi danh dự” đã có nhiều đóng góp và làm nên kỳ tích, trở thành tượng đài lớn trong lòng người dân Bến Tre. Tất cả dường như đều có một điểm xuất phát chung là “đã trông thấy và đau với nỗi đau của người dân”.