Tăng cường phòng chống bệnh sốt xuất huyết

27/08/2020 - 19:31

BDK - Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 23-8-2020, toàn tỉnh ghi nhận 2.078 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2019. Để khống chế được bệnh SXH, người dân cần phối hợp trong công tác phòng chống. Cùng với đó, ngành y tế cần sự chung tay vào cuộc đồng bộ, quyết liệt với chính quyền địa phương và các ngành chức năng.

Theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay, tại Việt Nam lưu hành nhiều tuýp vi-rút SXH, nên nhiều bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại SXH tuýp khác, lần sau có thể nặng hơn lần trước. Bệnh SXH có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt vi-rút thông thường. Nên nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không tới các cơ sở y tế khám bệnh, dẫn tới tình trạng bệnh nặng và biến chứng thành xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, có nguy cơ tử vong.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh SXH Dengue thường bắt đầu bằng sốt cao đột ngột, kéo dài liên tục từ 2 - 7 ngày, kèm theo nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau sau hốc mắt, đau cơ, đau khớp, da xung huyết, có thể có chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam. Có trường hợp diễn tiến nặng hơn, bệnh nhân vật vã, li bì, lừ đừ, đau bụng do gan to, nôn nhiều, xuất huyết niêm mạc, tiểu ít. Trường hợp nặng, bệnh nhân bị sốc, hoặc xuất huyết nặng, hoặc suy tạng, có thể tử vong. Cách xử lý tốt nhất là đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất ngay khi bị bệnh để được bác sĩ chẩn đoán và theo dõi. Bác sĩ là người quyết định nên điều trị tại nhà hay ở bệnh viện tùy theo diễn tiến bệnh của từng bệnh nhân.

SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính và lây lan chủ yếu do loại muỗi vằn hút máu từ người mắc bệnh truyền sang người lành. Muỗi truyền bệnh SXH thường đẻ trứng vào những dụng cụ chứa nước và khu vực quanh nhà như: bể, thùng, lu, vại, thạp chứa nước sạch; chai lọ, lọ hoa, thùng bỏ không, rác thải, lốp hỏng có chứa nước đọng. Bệnh SXH Dengue thường xuất hiện và gây thành dịch vào các tháng mùa mưa, nhiệt độ trung bình trong tháng cao. Chu kỳ của dịch SXH Dengue khoảng 3 - 5 năm một lần. Thường sau một số chu kỳ dịch nhỏ và vừa lại có một chu kỳ dịch lớn xảy ra.

Hiện nay, bệnh SXH chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là diệt muỗi, bọ gậy/lăng quăng và phòng chống muỗi đốt. Nếu không có bọ gậy/lăng quăng, không có muỗi truyền bệnh thì không có bệnh SXH. Đồng thời, thường xuyên giữ gìn vệ sinh môi trường sống sạch sẽ.

Thiên Di (lược ghi)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN