Trong mùa mưa, đã có nhiều trường hợp cây xanh bật gốc, ngã đổ làm ảnh hưởng đến giao thông và sự an toàn của người dân.
“Một trong những
nguyên nhân làm cây dễ bật gốc khi mưa giông là do sự thay đổi liên tục của biến
đổi khí hậu đã làm cho mực nước ngầm bị hạ thấp, nhiều cây rễ chùm không tiếp cận
được nguồn nước, dẫn tới khô, chết và dễ gãy, ngã khi có giông gió”, TS Hồ Long
Phi - Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia TP.
Hồ Chí Minh nhận định.
Để phòng tránh cây gãy, đổ ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng
người dân, ngay từ đầu mùa mưa, Đội Công viên cây xanh thuộc Công ty cổ phần
Công trình đô thị tỉnh đã khảo sát, kiểm tra trước để kịp thời xử lý. Những cây
có nguy cơ ngã đổ, đội tiến hành khống chế, tỉa tàn; những cây mục có hiện tượng
gãy nhánh đội cũng kiểm tra để có biện pháp xử lý.
Ông Trần Duy Tân - Đội trưởng Đội Công viên cây xanh cho
biết: “Tùy theo độ tuổi, chiều cao của cây mà tỉa mé phù hợp để đảm bảo không
gian xanh cho thành phố. Hiện nay, các tuyến đường trong phạm vi quản lý, đội
đã tỉa, thâu tàn an toàn. Riêng các cây cổ thụ quanh khu bảo tàng, bờ hồ Trúc
Giang đội sẽ chăm sóc, cắt tàn để đảm bảo an toàn cho người dân khu vực trong
mùa này”.
Việc quản lý, bảo vệ cây xanh không đơn thuần để tạo bóng
mát, làm đẹp đường phố mà mang ý nghĩa bảo vệ môi trường trong lành cho sự sống
và hơn hết là nhằm chủ động ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thời
gian qua, việc quản lý, bảo vệ cây xanh trên địa bàn thành phố được cải tạo,
phát triển theo đúng quy hoạch. Theo Dự án Chỉnh trang, phát triển hệ thống cây
xanh trên địa bàn TP. Bến Tre, toàn thành phố có 10.163 cây xanh các loại được
quản lý. Trong đó có khoảng 170 cây trên cổ thụ loại 3 (cây có chiều cao 12m,
đường kính rộng 50cm).
Theo ông Trần Duy Tân, việc trồng cây gì, ở đâu và trồng
như thế nào đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy hoạch. Cây xanh có tàn thấp được
chọn trồng trên các vỉa hè. Những cây không phù hợp sẽ cải tạo, đốn, bứng nhằm
đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch và phù hợp với hạ tầng kỹ thuật trên các tuyến
đường. Đối với cây lâu năm trên khu nội thành sẽ khống chế tàn, thường xuyên cắt
tỉa nhằm tránh ngã đổ khi mưa giông.