Tập trung nhiều giải pháp trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội cuối năm 2020

29/09/2020 - 20:56

BDK.VN - Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 22 tổ chức vào ngày 29-9-2020 với sự tham dự của 42 đại biểu. Trong phiên thảo luận có 13 ý kiến phát biểu, với tinh thần khách quan, thẳng thắn. Đại biểu không chỉ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy 9 tháng đầu năm mà còn cho ý kiến về báo cáo tổng kết công tác tổ chức Đại hội Đảng cấp cơ sở và cấp trên cơ sở, nhiệm kỳ 2020 - 2025, báo cáo tổng kết Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy.

Công tác xây dựng Đảng tập trung thực hiện có hiệu quả

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 9 tháng đầu năm 2020, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quán triệt Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị và các văn bản của Trung ương, của tỉnh về tổ chức Đại hội Đảng các cấp được quan tâm, thực hiện có tập trung, đạt kết quả tốt. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, chỉ đạo xử lý tốt các vấn đề phát sinh của Đại hội Đảng cấp cơ sở và trên cơ sở.

Tổ chức, bộ máy trong hệ thống chính trị được giữ ổn định và thực hiện nhiệm vụ đồng bộ. Công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên cuối năm 2019 được thực hiện nghiêm túc. Sau kiểm điểm, các cấp ủy đã xây dựng và tập trung thực hiện khắc phục hạn chế khuyết điểm. Tuy nhiên, vấn đề còn hạn chế là công tác phát triển đảng viên mới tỷ lệ còn thấp so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra; công tác tự kiểm tra, giám sát, hiệu quả giám sát chưa cao.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam cho rằng: Đại hội cấp cơ sở và trên cơ sở đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, có 30 đơn vị cơ sở và tương đương bầu không đúng theo dự kiến ban đầu ở một số chức danh, trong đó có một số chức danh chủ chốt. Nguyên nhân chủ yếu là do phong cách, phương pháp làm việc, do năng lực và do uy tín của cán bộ.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh Bùi Văn Chương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hữu Hiệp

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh Bùi Văn Chương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hữu Hiệp

Còn theo Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bùi Văn Chương: Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch Covid-19 và xâm nhập mặn gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân cũng như tốc độ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Chính từ khó khăn đó đã cho thấy sự đoàn kết, gắn bó giữa Đảng với nhân dân, giữa dân với dân, cùng nhau vượt qua khó khăn. Thời gian tới, Tỉnh ủy cần quan tâm nhiều hơn trong việc lãnh đạo giải quyết tốt khiếu kiện của dân, góp phần an dân. Trong lãnh đạo, chỉ đạo cần tăng cường dân chủ gắn với kỷ cương, nêu gương, trách nhiệm.

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hồ Thị Hoàng Yến: Từ đầu năm 2020 đến nay, đã kết nạp được 574 đảng viên mới, đạt 63,14% so với số lượng đăng ký năm 2020. Tỷ lệ kết nạp đảng viên khá thấp. Cấp ủy cần tăng cường công tác phát triển đảng viên mới, nhất là Đảng bộ huyện Chợ Lách, Giồng Trôm, Quân sự, Biên phòng. Quan tâm phân công, bố trí và tạo điều kiện cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng sau đại hội. Tập trung tổ chức kiểm điểm, đánh giá tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên năm 2020 đảm bảo đúng thực chất.

Qua thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy về “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng cụ thể hóa bằng nhiều chương trình, đề án, kế hoạch, hướng dẫn triển khai, quán triệt thực hiện trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Hàng năm tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm, rà soát, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục tổ chức thực hiện.

Theo Bí thư Thành ủy Bến Tre Nguyễn Văn Tuấn: Qua triển khai thực hiện Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy đã góp phần cho công tác giáo dục chính trị tư tưởng có nhiều chuyển biến tích cực; thực hiện tốt công tác tự phê bình và phê bình; chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ được nâng lên; quan tâm sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy và thực hiện các mô hình kiên nhiệm… Phương hướng tới, trên cơ sở những kết quả, hạn chế đạt được, từ đó Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về xây dựng Đảng của nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới.

Kinh tế phục hồi nhưng còn chậm

Theo đánh giá chung tại hội nghị, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH )9 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do tác động kéo dài của tình trạng xâm nhập mặn và dịch Covid-19. Sản xuất các khu vực sụt giảm so cùng kỳ, nhiều hoạt động KT-XH ngưng trệ. Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu KT-XH đã đề ra, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo, điều hành thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế, đảm bảo hoạt động an sinh, xã hội, đồng thời phòng chống dịch hiệu quả.

Giám đốc Sở Xây dựng Đoàn Công Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hữu Hiệp

Giám đốc Sở Xây dựng Đoàn Công Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hữu Hiệp

Giám đốc Sở Công Thương Châu Văn Bình thống nhất với báo cáo sơ kết của Tỉnh ủy. Hầu hết các sản phẩm chủ lực của tỉnh đều giảm mạnh so cùng kỳ. Các doanh nghiệp duy trì hoạt động kết hợp các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, sang quý III có sự khởi sắc, trong đó, ngành dừa có chiều hướng tăng trưởng tốt, lĩnh vực thủy sản đang vào vụ thu hoạch; lĩnh vực điện - điện tử cũng phát triển khá, xuất khẩu khởi sắc mạnh nhất.

Theo báo cáo UBND tỉnh, trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 950,21 triệu USD, đạt 67,87% kế hoạch (tăng 13,35% so cùng kỳ); kim ngạch nhập khẩu ước đạt 337,69 triệu USD, đạt 56,28% kế hoạch (tăng 7,53% so cùng kỳ). Hoạt động xúc tiến đầu tư đạt được một số kết quả quan trọng.

Trên lĩnh vực duc lịch (DL), theo đánh giá chung, ngành du lịch DL chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, ngoại trừ thời điểm Tết Nguyên đán thu hút khá lớn lượng khách DL đến địa phương, các tháng còn lại lượng khách DL và doanh thu giảm mạnh. Doanh thu từ DL 9 tháng đầu năm ước đạt 650,108 tỷ đồng (bằng 46% so cùng kỳ). Tuy nhiên, ngành DL cũng sẽ có cơ sở tăng trưởng tốt hơn trong thời gian còn lại của năm với những hoạt động kích cầu.

Giám đốc sở Văn - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Bàn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hữu Hiệp

Giám đốc sở Văn - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Bàn phát biểu tại hội nghị. nh: Hữu Hiệp

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Bàn cho biết: Ngành đã tổ chức và chuẩn bị một số hoạt động để kích cầu phát triển DL. Điển hình như: Khảo sát, tọa đàm, kết nối các doanh nghiệp DL trong khu vực. Hướng đến tổ chức chương trình ẩm thực xứ Dừa với chủ đề “Non nước hữu tình” để kết nối DL trong khu vực (dự kiến vào tháng 12-2020). Gần nhất sẽ là Giải Bóng chuyền hạng A toàn quốc do Bến Tre đăng cai tổ chức cũng là dịp để kích cầu DL Bến Tre.

Văn hóa - xã hội có nhiều nét mới

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội  Nguyễn Thị Bé Mười đánh giá: Qua 4 năm triển khai, thực hiện Kết luận số 30 của Tỉnh ủy về thực hiện Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 có sự chuyển biến tích cực từ nhận thức của người nghèo. Sự quan tâm sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, phối hợp bằng nhiều giải pháp thiết thực tạo sinh kế, giúp người nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Vai trò của cán bộ, đảng viên được phân công theo dõi, hỗ trợ, nắm chắc được hoàn cảnh của hộ nghèo, hộ cận nghèo để từ đó có những đề xuất, giải pháp giúp đỡ hiệu quả. Qua công tác giảm nghèo, thể hiện được vai trò, trách nhiệm của Mặt trận và các đoàn thể, các hội quần chúng cùng chung tay, đây là yếu tố quyết định sự thành công của đề án như: Việc tham gia định hướng, tư vấn, xây dựng mô hình, hướng dẫn tiếp cận nguồn vốn và sử dụng hiệu quả, tư vấn, giới thiệu việc làm (xuất khẩu lao động), phát huy tiềm năng của diện tích đất, nguồn lực lao động…

Cũng theo bà Nguyễn Thị Bé Mười, trong thời gian tới, để đề án tiếp tục phát huy có hiệu quả, cần có sự chung tay tích cực hơn nữa của Mặt trận và các đoàn thể, các hội quần chúng, tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, công tác tư vấn, đào tạo và giới thiệu việc làm cho lao động là con em của người nghèo.

9 tháng đầu năm, đã giải quyết việc làm mới cho hơn 13 ngàn lao động (trong đó, có hơn 1.000 lao động tham gia lao động có thời hạn ở nước ngoài). Công tác an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đảm bảo thực hiện tốt. Xây dựng 121 và sửa chữa 9 căn nhà tình nghĩa. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,58%. Tỷ lệ hộ nghèo kéo giảm còn 4,59% (18.185 hộ nghèo), hộ cận nghèo còn 4,13% (16.367 hộ). Trên lĩnh vực y tế, đáng chú ý là tình hình dịch sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng với 2.026 ca.

Q. Hùng - A. Nguyệt - T. Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN