Tập trung thảo luận các giải pháp trọng tâm thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy quý II-2021

09/04/2021 - 21:28

BDK.VN - Sau phát biểu khai mạc, hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 4, tiến hành thảo luận tại tổ. Qua thảo luận nhiều đại biểu đã phân tích, đánh giá sâu những mặt làm được, chưa được trong thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy quý I-2021, đồng thời bàn nhiều giải pháp trọng tâm để tập trung thực hiện trong quý II năm 2021. Dưới đây là ý kiến ghi nhận của các phóng viên.

Lĩnh vực xây dựng Đảng

Theo Bí thư Huyện ủy Ba Tri Võ Văn Phê: Chỉ thị số 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phong trào thi đua “Đồng khởi mới” với phương châm “Hai chân - Ba mũi”, hầu hết các địa phương, trong đó có Ba Tri thực hiện theo hướng hiểu đúng, nắm sâu, sát người, rõ việc, trong đó chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Các cấp, các ngành, địa phương đã có những vận dụng sáng tạo phương châm “Hai chân - Ba mũi” sát thực tế, với tâm thế mới, thể hiện quyết tâm chính trị cao trong thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua “Đồng khởi mới”. Đối với Ba Tri, huyện xác định nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên hàng đầu là củng cố lại các chi bộ, tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh.

Đối với Bình Đại, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Dũng cho biết: Thực hiện Chỉ thị 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện tập trung xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh, xây dựng nông thôn mới và đô thị, cải cách hành chính. Đầu năm 2021, địa phương đã phát động phong trào thi đua gắn với xây dựng xã nông thôn mới, các công trình, phần việc thiết thực.

Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Bắc Nguyễn Văn Trung phát biểu tại tổ. Ảnh: Quốc Hùng

Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Bắc Nguyễn Văn Trung phát biểu tại tổ. Ảnh: Quốc Hùng

Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Bắc Nguyễn Văn Trung đánh giá: Trong những tháng đầu năm 2021, các cấp ủy đảng tập trung lãnh đạo tuyên truyền, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ và các văn bản cụ thể hóa thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết của Tỉnh ủy năm 2021 với chủ đề “Đồng thuận - Sáng tạo”. Trong triển khai thực hiện có sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ và khẩn trương, qua đó góp phần tạo sự đồng thuận về mặt nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đây là yếu tố quan trọng để thực hiện thành công nghị quyết.

Trên lĩnh vực xây dựng Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Văn Thiêm cho rằng: Các huyện uỷ, thành ủy cần tiếp tục quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, nhất là việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi, đảng bộ trực thuộc sau kết quả kiểm điểm cuối năm 2020, quan tâm việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 02 và Hướng dẫn số 02 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về xây dựng ấp, khu phố trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn trong sạch, vững mạnh toàn diện, quan tâm hơn nữa công tác kết nạp đảng viên. 

Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam Nguyễn Thị Hồng Nhung phát biểu tại tổ. Ảnh: Phan Hân

Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam Nguyễn Thị Hồng Nhung phát biểu tại tổ. Ảnh: Phan Hân

Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết: Dư luận chung của cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp trong việc triển khai tổ chức thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ, đã tạo không khí và quyết tâm chính trị rất cao. Phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể và khoa học, nội dung nhiệm vụ thể hiện rõ nét. Trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam đã có chuyển biến tích cực hơn so cùng kỳ năm 2020.

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Nhung đề nghị bổ sung kết quả công tác xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện; những giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ NDTQ. Trong quý II cần đánh giá sâu hơn về cách làm và có đúc rút kinh nghiệm. Vì đây là phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo những mô hình rất mới để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của các chi bộ trực thuộc. “Đến nay, huyện Mỏ Cày Nam đã xây dựng được 10 Chi bộ trong sạch vững mạnh, toàn diện. Kết quả là sự nổ lực rất lớn của anh em cơ sở và rất đáng trân trọng”, đồng chí Hồng Nhung thông tin.

Trao đổi về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đồng chí Hồng Nhung cho rằng cần bổ sung Chỉ thị 01 về thi đua “Đồng khởi mới” để tạo xung lực chính trị và tính thi đua rộng rãi hơn trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Phương châm “xây dựng điển hình, bắt kịp điển hình và vượt qua điển hình” phải xuyên suốt trong chương trình hành động và các kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của Tỉnh ủy trong thời gian sắp tới. Trong phân công phụ trách đầu việc nên nêu chức danh, không cần nêu họ tên cụ thể để khi có biến động nhân sự trong nhiệm kỳ không phải cập nhật và thay đổi.

Bí thư Huyện ủy Giồng Trôm Nguyễn Trúc Hạnh phát biểu tại tổ. Ảnh: Phan Hân

Bí thư Huyện ủy Giồng Trôm Nguyễn Trúc Hạnh phát biểu tại tổ. Ảnh: Phan Hân

Bí thư Huyện ủy Giồng Trôm Nguyễn Trúc Hạnh phấn khởi chia sẻ: Quý I-2021, chúng ta đã đạt hầu hết các chỉ tiêu, trong đó có những chỉ tiêu vượt từ 10 đến 20% so với cùng kỳ. Quý I-2021, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, nhất là công tác phòng chống hạn mặn trên địa bàn tỉnh, tinh thần quyết liệt của lãnh đạo tỉnh đã lan tỏa đến cấp ủy và tạo được niềm tin trong nhân dân. Riêng huyện Giồng Trôm, các cấp ủy đã cơ bản hoàn thành hệ thống văn bản cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Nói về 18 chương trình, đề án, nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Minh Tuấn đề xuất: Trên cơ sở các nhóm công việc phù hợp có thể tích hợp 1 hoặc 2 kế hoạch để hạn chế ban hành nhiều văn bản, khó nhớ, khó triển khai. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho biết: dự kiến đề xuất Thường trực và Ban Thường vụ Tỉnh ủy với 2 dạng. Đối với cơ quan chủ trì từng đề án, chương trình thì vừa có kế hoạch cụ thể, chuyên sâu thực hiện, vừa có kế hoạch tích hợp các giải pháp khác để thực hiện. Các đơn vị không có liên quan chỉ làm một kế hoạch hoặc chương trình tích hợp tất cả nội dung để triển khai thực hiện. Việc làm này đảm bảo tính chuyên sâu của ngành, vừa có kế hoạch tích hợp thực hiện các nội dung còn lại. Đối với đơn vị không liên quan sẽ làm một kế hoạch chung tích hợp tất cả nội dung để thực hiện sát với yêu cầu và nhiệm vụ của đơn vị.

Lĩnh vực kinh tế - xã hội

Theo Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lê Văn Hùng: Thực hiện các dự án, công trình phát triển hướng Đông theo chủ trương của tỉnh, các ngành hữu quan, chính quyền địa phương cần tăng cường phối hợp công tác tuyên truyền đến người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng, qua đó tạo sự đồng thuận và hưởng ứng; đồng thời kêu gọi và chọn các nhà đầu tư tiềm năng. Đi liền với phát triển kinh tế, tỉnh cần gắn nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Giám đốc Sở Xây dựng Đoàn Công Dũng đánh giá: Công tác phòng, chống hạn mặn năm 2021 được lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện quyết tâm hơn, thể hiện qua các công trình đập ngăn mặn, trữ nước… phần nào giúp người dân Bến Tre thuận tiện hơn trong sinh hoạt và sản xuất. Hiện Chính phủ đã phê duyệt dự án cấp nước vùng (Long An, Tiền Giang và Bến Tre), đây là tiền đề quan trọng để Bến Tre và hai tỉnh bạn thực hiện các phần việc còn lại, nhằm đảm bảo địa phương có nguồn nước ngọt quanh năm.

Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam Nguyễn Thị Hồng Nhung đề nghị: Tỉnh cần cập nhật tình hình, số liệu cụ thể về diện tích dừa bị sâu đầu đen tấn công. Đây là nổi lo rất lớn của người dân huyện Mỏ Cày Nam. Tình hình sâu đầu đen tấn công tại huyện rất phức tạp, từ diện tích 4,1ha phát hiện đầu tiên tại xã Thành Thới B vào tháng 9-2020 đến nay sâu tấn công đến 49ha. Qua đánh giá, huyện có hơn 20 ha dừa bị thiệt hại nặng, có thể khó phục hồi. Bên cạnh giải pháp tại địa phương, Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam cũng đề xuất Tỉnh ủy cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để ngăn chặn hiệu quả hơn sự tấn công của loài sâu này trong thời gian sắp tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho biết, UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng sâu đầu đen tấn công cây dừa. Thời gian qua, tỉnh đã sử dụng rất nhiều loại thuốc sinh học, hiệu quả nhất là thuốc do TS. Huỳnh Kim Sơn thí điểm tại xã Hữu Định (Châu Thành) khả năng tiêu diệt được khoảng 80%. Biện pháp cơ bản hiện nay là ứng dụng ông ký sinh để tiêu diệt. Trước mắt, tỉnh đã tuyên truyền nâng cao nhận thức để bà con nhận diện sâu đầu đen trong vườn dừa và mối nguy hại đối với cây dừa nói riêng và đối với các loại cây khác như chuối, mít. Về lâu dài, tỉnh có thuê Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh thực hiện đề án tiêu diệt sâu đầu đen. Tuy nhiên, làm dự án thì cần thời gian, nhưng tỉnh đã yêu cầu trường thực hiện trong thời gian nhanh nhất để tỉnh có giải pháp căn cơ, lâu dài hơn bảo về vườn dừa.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Minh Tuấn phát biểu tại tổ. Ảnh: Phan Hân

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Minh Tuấn phát biểu tại tổ. Ảnh: Phan Hân

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Minh Tuấn băn khoăn: Hiện nay, song song việc đầu tư kinh tế biển và dự án lấn biển, trước đó tỉnh đã cấp phép và triển khai thực hiện dự án điện gió trên địa bàn các huyện ven biển. Việc xây dựng dự án lấn biển đang trong giai đoạn đề xuất ý tưởng và lấy ý kiến đưa vào quy hoạch. Do đó, để hạn chế xung đột lợi ích và tránh phá vỡ quy hoạch điện gió, tỉnh cần ước lượng, cân nhắc. “Hiện nay theo quy hoạch, các nhà máy điện gió cách bờ biển 30 đến 40km, nằm hoàn toàn trong khu vực lấn biển. Như vậy, khi lấn biển, các trụ điện gió sẽ nằm len lõi trong các khu đất liền thì vấn đề xử lý sau này về góc độ an toàn và môi trường cần được cân nhắc. Hầu hết các chủ đầu tư nhà máy điện gió đều có yếu tố người nước ngoài, do đó vấn đề an ninh, quốc phòng phải xem xét. Đề nghị công an, quân sự theo dõi và kịp thời tham mưu UBND tỉnh đảm bảo an ninh quốc gia. Bởi khi xây dựng dự án điện gió thì tất cả các dữ liệu về vùng biển, biển phải cung cấp nhà đầu tư”, ông Tuấn đề xuất.

Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Dương Văn Phúc phát biểu tại tổ. Ảnh: T.Lập

Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Dương Văn Phúc phát biểu tại tổ. Ảnh: T.Lập

Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Dương Văn Phúc cho rằng: Hiện nay huyện đã phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu và tìm ra được loại thuốc trừ sâu đầu đen, xin cho phép huyện được thí điểm thực hiện bởi tình hình bệnh hiện nay trên địa bàn huyện diễn biến nghiêm trọng, nhiều vườn dừa thiệt hại nặng nề.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam thông tin: Dự kiến Khu kinh tế biển sẽ chồng lấn 19 dự án điện gió, khả năng xảy ra xung đột sẽ có. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy là xây dựng Khu kinh tế biển cho nên tỉnh không cấp thêm dự án nào, mà chỉ xử lý các vấn đề phát sinh xung quanh vấn đề triển khai các dự án. Các dự án điện gió được cấp trước đây là đúng vì khi đó chưa có chủ trương xây dựng Khu kinh tế biển. Sắp tới, tỉnh sẽ xử lý sao cho hài hòa để phát huy cả 2 dự án trên cùng địa bàn.

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, theo báo cáo của Tỉnh ủy, trong quý I-2021, công tác đảm bảo an sinh xã hội được tập trung. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ và thực hiện chính sách an sinh xã hội có tiến bộ. Công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh được triển khai và kiểm soát tốt. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Nỗi bật, tỉnh chỉ đạo giải quyết vụ đất Lạc Địa, xã Phú Lễ, Ba Tri được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Giám đốc Công an tỉnh Võ Hùng Minh phát biểu. Ảnh: Hữu Hiệp

Giám đốc Công an tỉnh Võ Hùng Minh phát biểu. Ảnh: Hữu Hiệp

Theo ghi nhận của Công an tỉnh, tính đến quý I-2021, toàn tỉnh có 1.385 người nghiện ma tuý, tăng 47 người so cuối năm 2020. Theo đánh giá của Giám đốc Công an tỉnh Võ Hùng Minh, số người nghiện sẽ còn tăng. Để kiểm soát tốt tình trạng này, lực lượng công an sẽ làm tốt công tác tham mưu UBND tỉnh, đồng thời đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong đấu tranh phòng chống tội phạm và ma túy. Trong đó, chú trọng phát huy vai trò của người dân. Hiện nay, công tác quản lý sau cai nghiện hiệu quả chưa cao, nhất là đối tượng có thời gian cai nghiện ngắn (dưới 12 tháng).

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ngô Văn Tán cho rằng: Tuy dịch bệnh Covid-19 cả nước nói chung, tỉnh Bến Tre nói riêng trong tầm kiểm soát, nhưng chúng ta không được chủ quan mà phải luôn thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch. Trong thực hiện phòng chống dịch Covid-19 cần đề ra nhiều phương án nhằm tránh bị động khi có tình huống phát sinh xảy ra.

Quốc Hùng - Phan Hân - Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN