Tập trung thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; phòng chống dịch Covid-19 và an sinh xã hội

24/08/2021 - 21:43

BDK.VN - Ngày 24-8-2021, sau khai mạc, Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, kỳ họp tập trung thảo luận về một số nội dung quan trọng về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Dưới đây là ý kiến ghi nhận của phóng viên xung quanh các nội dung trên.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Châu Văn Bình phát biểu việc thực hiện phương án “3 tại chỗ” trong doanh nghiệp. Ảnh: H. Hiệp

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Châu Văn Bình phát biểu việc thực hiện phương án “3 tại chỗ” trong doanh nghiệp. Ảnh: H. Hiệp

Giải pháp tiêu thụ nông sản

Tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Việt Thành - đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Mỏ Cày Nam nêu điển hình việc tiêu thụ sản phẩm nông sản là trái dừa trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam. Huyện có 16.000ha dừa đang thu hoạch, với sản lượng khoảng từ 14 - 16 ngàn trái/tháng; có 250 doanh nghiệp, cơ sở trong lĩnh vực thu mua, chế biến trái dừa và giải quyết hơn 3 ngàn lao động đang làm việc. Khi dịch bùng phát và thực hiện giãn cách xã hội, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến dừa thực hiện “3 tại chỗ” còn quá ít, điều này làm ảnh hưởng phần nào đến việc tiêu thụ mặt hàng nông sản chủ lực của Mỏ Cày Nam nói riêng và của tỉnh nói chung.

Để giải bài toán này, đại biểu Nguyễn Việt Thành đề xuất giải pháp là doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để vừa an toàn trong sản xuất vừa cùng chung tay chống dịch. Các ngành, các cấp tăng cường phối hợp chặt chẽ trong chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa từ ngay chỗ thu hoạch, sơ chế, vận chuyển cho đến nơi tiêu thụ sản phẩm, có như thế mới có thể giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm dừa cũng như một số nông sản khác. Các doanh nghiệp tăng cường các quy định “3 tại chỗ”, trong đó giải pháp tối ưu là xét nghiệm định kỳ để kịp thời phát hiện và ngăn chặn, đồng thời tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho lực lượng lao động trong doanh nghiệp. Tăng cường công tác tuyên truyền, dự báo thị trường để góp phần giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chủ động sản xuất kinh, doanh trong điều kiện bình thường mới.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Châu Văn Bình cho biết: Trong 2 giai đoạn đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số /CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh, hầu hết các doanh nghiệp còn bỡ ngỡ với việc thực hiện “3 tại chỗ”; việc phối hợp “3 tại chỗ” còn chưa đồng bộ giữa một số sở, ngành tỉnh và huyện trong hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, việc lưu thông nguyên liệu, vật liệu... Tuy nhiên, ở giai đoạn thực hiện giãn cách này, Sở đã phối hợp với các ngành liên quan và lấy ý kiến các huyện, thành phố trong việc thống nhất trách nhiệm của từng cấp và các sở, ngành liên quan trong việc hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”. Để đảm bảo cho doanh nghiệp tham gia chuỗi cũng như hỗ trợ trong vận chuyển hàng hóa nông sản cho việc tiêu thụ cũng như cho nhà máy chế biến, địa phương có hỗ trợ cho các tổ thu mua thuộc các doanh nghiệp và các tổ thu mua thuộc các cơ sở sơ chế biến trong thu hoạch, vận chuyển.

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu phát biểu thảo luận về đầu ra sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: H. Hiệp

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu phát biểu thảo luận về đầu ra sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: H. Hiệp

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu nhận định: Đối với điều kiện hiện nay, tỉnh vẫn còn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 30-8-2021 và còn 3 địa phương thực hiện đến ngày 15-9-2021, sau đó trở lại trạng thái bình thường mới. Trước tình hình đó, nhiệm vụ ưu tiên hiện nay vẫn là công tác phòng chống dịch bệnh, vì thế nông dân cần chủ động trong việc kéo dài thời gian thu hoạch đối với những loại nông sản có thể thực hiện được. Về lâu dài, UBND các huyện chỉ đạo các ngành phối hợp với UBND các xã, hội nông dân, các tổ chức đoàn thể nắm chắc sản lượng các mặt hàng nông thủy sản và thời gian thu hoạch phù hợp theo từng giai đoạn. Thực hiện tốt việc kết nối giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác, các thương lái lớn với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để trao đổi giá cả, sản lượng và thời gian.

“Thực hiện tốt việc thu hoạch, thu gom và vận chuyển theo đúng hướng dẫn, quy định nhằm đảm bảo việc phòng chống dịch bệnh. Sở Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kết nối thị trường các tỉnh, thành trong cả nước, nhất là những thị trường có như cầu lớn như TP. Hồ Chí Minh. Về lâu dài, Sở sẽ tìm kiếm và mở rộng thị trường ngoài nước thông qua đường xuất khẩu chính ngạch”, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu thông tin thêm.

Giám đốc Sở Y tế Ngô Văn Tán cho rằng rằng, sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất. Vì vậy, việc đảm bảo việc xét nghiệm và tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là việc rất cần thiết trước mắt cũng như lâu dài. Ngoài ra, yếu tố quan trọng để góp phần đẩy lùi dịch bệnh đó là ý thức của người sử dụng lao động và lực lượng lao động.

Giải pháp khôi phục sản xuất

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Nguyễn Quốc Bảo đề xuất: Để thực hiện tốt nhiệm vụ kép là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, chúng ta cần tạo ra một nguồn lao động khỏe mạnh, tức là đã được xét nghiệm PCR âm tính với vi-rút SARS-CoV-2 hoặc đã tiêm ngừa nhằm đáp ứng được nhu cầu cho các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; ưu tiên nguồn vắc-xin phòng Covid-19 cho lực lượng trực tiếp tham gia sản xuất. Các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các doanh nghiệp muốn đầu tư hoặc mở rộng đầu tư trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên phải lấy tiêu chí an toàn làm đầu. Thực trạng hiện nay cho thấy có hiện tượng “ế vườn đắc chợ”. Để tháo gỡ điều này, đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã đã có đầu mối đầu ra nên có bộ phận hỗ trợ giúp thu mua tận vườn. Để giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, tỉnh cần quan tâm đến lĩnh vực xây dựng, cụ thể là đội ngũ trực tiếp xây dựng phải được an toàn, đảm bảo trong phòng chống dịch bệnh.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bảo - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phát biểu ý kiến thảo luận về khôi phục kinh tế sau dịch.  Ảnh: H. Hiệp

Đại biểu Nguyễn Quốc Bảo - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phát biểu ý kiến thảo luận về khôi phục kinh tế sau dịch.  Ảnh: H. Hiệp

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho biết: Khôi phục sản xuất, phục hồi và phát triển kinh tế của tỉnh khi tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát đang là vấn đề đặt ra cho tỉnh. Tỉnh đã có chủ trương phát triển kinh tế cho những “vùng xanh” trong phòng chống dịch, khôi phục phát triển kinh tế an toàn. Điển hình là gợi ý cho TP. Bến Tre và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện thí điểm du lịch “3 tại chỗ”, du lịch tránh dịch tại hai xã: Nhơn Thạnh và Phú Nhuận (TP. Bến Tre). Tỉnh đã ưu tiên lượng vắc-xin phòng Covid-19cho chủ doanh nghiệp và người trực tiếp tham gia sản xuất để góp phần giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất và tỉnh thực hiện tốt mục tiêu kép.

Giải pháp phòng chống hiệu quả dịch Covid-19 và an sinh xã hội

Đại diện Tổ đại biểu HĐND đơn vị TP. Bến Tre, Bí thư Thành ủy TP. Bến Tre Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, công tác phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh trong thời gian qua đạt nhiều kết quả quan trọng, được nhân dân đồng tình hưởng ứng cao. Tỉnh đã có nhiều động thái đầy trách nhiệm, sáng tạo, năng động như việc thành lập Tổ Covid-19 cộng đồng, tổ đi chợ thay dân, Tổ hỗ trợ người dân thu hoạch hàng nông thủy sản, về khung giờ đi lại, triển khai các chốt kiểm soát dịch và xử rất nghiêm các trường hợp không chấp hành nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ... nhất là phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới” trong công tác phòng chống dịch Covid-19, phát huy tốt phương châm “nắm” với việc phân công cán bộ, đảng viên phụ trách xã, ấp, đến tận tổ nhân dân tự quản…

Trong thời gian tới, tỉnh cần quan tâm đến công tác giữ vững và tiếp tục mở rộng “vùng xanh”, kết nối và tiêu thụ hàng hóa nông thủy sản cho người ở những địa phương an toàn về dịch Covid-19. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, hội viên về công tác này, đưa nội dung về phòng chống dịch vào học đường, tổ chức diễn tập phòng chống dịch…

Trên lĩnh vực này, Giám đốc Sở Y tế Ngô Văn Tán cho rằng, trong trạng thái “tình hình mới”, ngành đã xây dựng Chương trình giáo dục học đường, giáo dục sức khỏe toàn dân, xây dựng kế hoạch tổ chức diễn tập… cho phù hợp với tình hình mới.

Bà Nguyễn Thanh Hậu - đại diện Tổ đại biểu HĐND đơn vị huyện Ba Tri nêu, trong năm 2021, người dân trên địa bàn tỉnh chịu nhiều thiệt hại do hạn, mặn ở đầu năm, rồi tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn do hàng hóa nông thủy sản bị ảnh hưởng, không tiêu thụ được và giá cả tụt giảm mạnh. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 25/QĐ-UBND của UBND tỉnh ở nhiều địa phương còn chậm, chưa có sự phối hợp đồng bộ, có cách hiểu và thực hiện khác nhau, nhất là việc xác định đối tượng được hưởng, nhiều đối tượng khác chưa được hỗ trợ theo Nghị quyết như đối tượng là người già, người neo đơn, phụ nữ có con nhỏ… Bà cho rằng, các địa phương và cơ quan có thẩm quyền cần phối hợp tốt hơn nữa để giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng theo quy định hoặc tỉnh nên có chế độ đặc thù và bổ sung các đối tượng yếu thế trong xã hội cũng được hưởng chế độ hỗ trợ, cần xem xét nghiêm túc chế độ miễn, giảm tiền nước, tiền điện, học phí cho con em đi học, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết lao động… sau khi hết dịch. Thực hiện tốt hơn nữa các chính sách an sinh xã hội cho người dân.

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 25/QĐ-UBND của UBND tỉnh, ngành đã giao cho các địa phương rà soát đối tượng và thực hiện chi trả. Hiện nay, qua theo dõi, các địa phương còn đang gặp lúng túng ở việc rà soát, xác định đối tượng lao động không có hợp đồng nên dẫn đến việc thực hiện các chế độ còn chậm. Thời gian tới, ngành sẽ phối hợp với các huyện, thành phố làm tốt hơn công tác này. Đối với các đối tượng yếu thế, đối tượng bảo trợ xã hội… trong thực hiện công tác an sinh xã hội, ngành rất ưu tiên cho các đối tượng này. Công tác hỗ trợ đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm mới sau dịch… ngành đã có kế hoạch hỗ trợ sau khi hết dịch.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười nhấn mạnh thêm, hiện nay việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ ở nhiều tỉnh, thành cũng gặp khó khăn. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang trình Chính phủ điều chỉnh, tháo gỡ sao cho phù hợp, đảm bảo thực hiện công bằng, dân chủ, mọi đối tượng được hưởng chế độ này.

Quốc Hùng - Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN