Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Thảo luận về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV

23/07/2021 - 10:15

BDK.VN - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, ngày 22-7-2021, các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre đã tham gia thảo luận tại đoàn về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Nguyễn Thị Yến Nhi tham gia thảo luận tại đoàn.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Nguyễn Thị Yến Nhi tham gia thảo luận tại đoàn.

Đại biểu Đặng Thuần Phong cho rằng: Với vai trò của cán bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực như hiện nay đã phát huy hiệu quả rất tốt, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành với nhau và chỉ đạo rất nhanh; việc phân cấp, phân quyền trong xu hướng sắp tới với vai trò của Chính phủ kiến tạo thì khả năng phân cấp, phân quyền về các địa phương sẽ tốt hơn. Nhưng có một số vấn đề đại biểu còn băn khoăn về cơ cấu tổ chức, đại biểu kiến nghị cần làm rõ và làm tốt hơn để tương lai vai trò của Chính phủ và các bộ, ngành đạt hiệu quả hơn nữa.

Đại biểu Đặng Thuần Phong đề nghị tách quản lý nhà nước và sản xuất kinh doanh ở các bộ, ngành vì thời gian qua ở một số lĩnh vực biến độc quyền nhà nước thành độc quyền của doanh nghiệp, mà nhất là các doanh nghiệp nhà nước thuộc các bộ, ngành quản lý. Chính điều này làm ảnh hưởng đến sự cạnh tranh, cơ chế điều hành không linh hoạt, chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội như mong muốn để thúc đẩy phát triển của các thành phần kinh tế, phát huy thế mạnh kinh tế. Cần làm rõ hơn các thành phần kinh tế nhằm minh bạch hóa, thúc đẩy tiềm năng của từng lĩnh vực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các bộ, ngành hoặc các cơ quan ngang bộ.

Làm rõ quan hệ của các đơn vị sự nghiệp trong các bộ, ngành và các cơ quan ngang bộ. Vì thời gian qua Bộ Luật lao động cũng chưa điều chỉnh được lĩnh vực này nên các đơn vị sự nghiệp cũng gặp khó khăn. Ví dụ, có chỗ giao toàn bộ quyền cho đơn vị, có chỗ tự chủ từng phần, có chỗ kết hợp. Từ đây cho thấy chưa có cơ chế pháp lý nào vững chắc để giúp cho các đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ của mình, còn chồng chéo lẫn nhau trong quan hệ dẫn đến vi phạm pháp luật. Có một số lĩnh vực lợi dụng chính sách hoạt động như cung cấp dịch vụ hiện nay một số bộ, ngành vẫn còn bệnh viện riêng của mình, các viện nghiên cứu thì giao khoán hoặc giao tự chủ toàn bộ tài sản nhà nước, trong đó cơ chế quản lý sẽ làm ảnh hưởng đến tài sản công của nhà nước, không đóng góp gì cho nhà nước mà còn cho thuê, cho mướn, giao khoán để “chia nhau” làm cho dư luận xã hội bức xúc.

Do đó, đại biểu cho rằng cần có cơ chế xác lập lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Đặc biệt với vai trò nhà nước kiến tạo, đối với dịch vụ công cũng cần giao khoán cho các thành phần kinh tế, các tổ chức tham gia cung ứng các dịch vụ công, nhà nước chỉ tham gia vai trò quản lý của mình, kiểm tra, đôn đốc thúc đẩy thực hiện, nhà nước không nên cung cấp luôn các dịch vụ công, nên giao cung cấp các dịch vụ công cho nơi nào có khả năng như vậy sẽ tốt hơn.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Nguyễn Thị Yến Nhi phát biểu: Về chủ trương chung, đại biểu tán thành cơ cấu tổ chức theo chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng trong thời gian tới cần có sự quyết liệt và đồng bộ hơn nữa giữa Trung ương và địa phương, hiện nay một số địa phương đang gặp khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ như thỉnh thị các ý kiến của cơ quan cấp trên trong việc sắp xếp các đơn vị ở địa phương.

Đại biểu đề nghị: Cần rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để tránh việc chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Một việc mà nhiều bộ, ngành chịu trách nhiệm, không có sự phân công, chủ trì phối hợp trong thực hiện. Hoặc có những việc ở địa phương cần nhiều bộ, ngành phối hợp nhưng kiến nghị về Trung ương thì sự phối hợp giữa bộ, ngành chưa kịp thời, từ đó khó khăn cho địa phương trong việc triển khai thực hiện. Trong thời gian này, cần giữ nguyên các bộ và cơ quan ngang bộ, tiếp tục sắp xếp tinh giản thực hiện theo chủ trương Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Cùng quan điểm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị cần có thêm 3 giải pháp: Thứ nhất về thực hiện Nghị quyết số 18, đại biểu cho rằng hiện nay một việc chỉ giao một cơ quan, mặc dù đã sắp xếp lại nhưng vẫn còn 13 đầu việc phối hợp. Trong tình hình phát triển kinh tế hiện nay vẫn còn sự chồng chéo trong phối hợp thực hiện ở một số lĩnh vực.

Thứ hai, về phân cấp, phân quyền trong thời gian qua đại biểu cho rằng: Việc nào khó quản lý thì giao cho địa phương, việc gì có kinh phí, có điều kiện đảm bảo thực hiện thì để Trung ương thực hiện, cụ thể việc kiểm tra giấy phép thì giao địa phương thực hiện.

Thứ ba, đại biểu đề nghị cần hoàn thiện các chức năng giao thoa và hệ thống tổ chức bên trong nội tại giữa các bộ, cũng như địa phương. Hiện nay có rất nhiều thí điểm đặc thù như kiến trúc, sở giao dịch kiến trúc, một số tỉnh, thành thì có đặc thù nhưng một số thì không, có tên phòng, có chức năng nhưng không có nhân sự bố trí được…

Tin, ảnh: Hồng Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN